Nắng nóng kỷ lục - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cách bảo vệ sức khỏe

Dũng Minh
09:22 - 20/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Bộ Y tế, mùa nắng nóng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng hay đột quỵ do nóng. Những nguyên nhân chính là do tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Nắng nóng kỷ lục - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cách bảo vệ sức khỏe - Ảnh 1.

Để phòng tránh các vấn đề sức khỏe do nắng nóng gây ra, người dân cần chú ý hạn chế đi ra ngoài trong những giờ nắng gắt từ 10 - 16 giờ. Ảnh minh họa/TTXVN

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết năm 2023 sẽ có hiện tượng El Nino xảy ra sau ba năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Hiện tượng El Nino là nguyên nhân gây ra nắng nóng, hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng trên khắp thế giới. Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế của các tỉnh thành phải tăng cường công tác tuyên truyền và phòng chống khô hạn, đồng thời chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe của người dân trong mùa nắng.

Nắng nóng có thể gây tử vong

Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bao gồm: Người già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Những người phải làm việc hay vận động mạnh ở ngoài trời hoặc trong môi trường nóng bức như người lao động nông nghiệp, công nhân lò gạch, lò luyện kim.... Những người có bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, tiểu đường...

Trong mùa nắng nóng, cơ thể chịu ảnh hưởng nhiều từ thời tiết. Tùy vào mức độ tiếp xúc với nắng và độ tăng nhiệt của cơ thể, người bệnh có thể có các biểu hiện khác nhau. Mức độ nhẹ, người bệnh có thể thấy mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, hồi hộp, chuột rút ở mức nhẹ. Hoặc người bệnh có các triệu chứng nặng hơn như đau đầu dữ dội, khó thở, buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có nguy cơ tử vong.

Để phòng tránh các vấn đề sức khỏe do nắng nóng gây ra, người dân cần chú ý hạn chế đi ra ngoài trong những giờ nắng gắt từ 10 - 16 giờ. Ngoài ra, người dân không đi ra ngoài trời nắng đột ngột khi đang ở trong phòng điều hòa lạnh, cần cho cơ thể thích nghi dần với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa hoặc ngồi trong bóng râm trước khi ra đường. Bên cạnh đó, mọi người nên lựa chọn quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Mọi người cũng nên lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý với nhiều rau xanh, hoa quả và có canh trong bữa ăn, uống đủ nước từ 1,5 - 2 lít/ngày và chia thành nhiều lần uống. Cuối cùng là người dân cần rèn luyện sức khỏe để tăng sức đề kháng và sức chống chịu với thời tiết.

Lưu ý khi làm việc ngoài trời nắng nóng

Người dân chỉ ra đường khi có việc thiết yếu và luôn mang theo các vật dụng chống nắng như mũ nón, áo chống nắng, kính râm... để bảo vệ sức khỏe.

Theo Bộ Y tế khi làm việc ngoài trời nắng nóng cần lưu ý, sắp xếp công việc vào những giờ mát như sáng sớm hay chiều tối. Giảm thiểu thời gian tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao. Trong trường hợp không thể tránh được, bạn cũng không nên làm việc liên tục trong không khí nóng ẩm, tránh vận động quá mức. Bạn cần thường xuyên nghỉ ngơi ở chỗ mát sau mỗi 45 phút đến một giờ làm việc trong khoảng 15 - 20 phút.

Giảm diện tích bị ánh nắng chiếu trực tiếp vào cơ thể, nhất là vùng vai gáy. Dùng các loại trang bị bảo hộ cá nhân khi làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Ngoài ra, bạn nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí và thấm hút mồ hôi. Bạn có thể bôi thêm các loại kem chống nắng.

Mọi người không nên uống các loại đồ uống có chứa cồn, uống đủ nước trong suốt quá trình làm việc. Đặc biệt, những người bị đổ mồ hôi nhiều khi làm việc cần bổ sung thêm muối và khoáng chất bằng cách uống các loại nước như Oresol theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Người dân cần áp dụng các biện pháp giải nhiệt cho nơi làm việc như dùng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp.

Hà Nội đang trong những ngày cao điểm nắng nóng. Nhiệt độ ngoài đường và cả trong xe ô tô đỗ ngoài trời tăng cao. Một số vụ ô tô bốc cháy đã xảy ra tại Hà Nội, gây thiệt hại không nhỏ.

Nhiệt độ buổi trưa nay ở Hà Nội khoảng 40 độ C. Nếu ô tô để ngoài trời liên tục trên 30 phút thì nhiệt độ trong xe được cho là khoảng trên 50 độ C và việc đầu tiên ảnh hưởng nếu bước lên xe đột ngột là sức khỏe.

Nhiều lái xe chia sẻ, dù bật máy lạnh, nhưng nhiệt độ trên xe vẫn báo 42 - 44 độ C, nếu bất ngờ bước từ trong xe ra, nguy cơ sốc nhiệt rất cao.

Khoảng 14 giờ 20 ngày 18/5, ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Chevrolet Captiva, lưu thông trên quốc lộ 32 (đoạn qua xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Trước đó, khoảng 10 giờ 30 ngày 17/5, tại đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, một chiếc ô tô nhãn hiệu BMW đang lưu thông theo hướng Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh, khi tới trước số nhà 18 Huỳnh Thúc Kháng thì bất ngờ bốc cháy.

Cùng ngày 17/5, tại Trung tâm thể dục thể thao quận Ba Đình, một chiếc ô tô nhãn hiệu Toyota cũng bất ngờ bị bốc cháy. Do ảnh hưởng của sức nóng, một ô tô khác cũng bị lửa cháy lan vào đầu xe.