Nắng nóng gay gắt còn xuất hiện trong tháng 7 và đầu tháng 8 tại miền Bắc

Dũng Minh
18:08 - 06/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Miền Bắc và miền Trung nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt, có nơi trên 39 độ C. Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ mưa lớn trở lại.

Nắng nóng gay gắt còn xuất hiện trong tháng 7 và đầu tháng 8 tại miền Bắc - Ảnh 1.

Miền Bắc và miền Trung nắng nóng gay gắt kéo dài. Ảnh: VOV

Nắng nóng gay gắt - nhiệt độ lúc 13 giờ chiều ngày 6/7 có nơi trên 38 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở Bắc Bộ đã có nắng nóng với nhiệt độ lúc 13 giờ chiều ngày 6/7 phổ biến là 34 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C; khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C như: Tây Hiếu (Nghệ An) 38,2 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 38,3 độ C...; độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-65%.

Dự báo, ngày 7/7 - 8/7, vùng núi và trung du Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 38 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50 - 60%.

Vùng đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-60%.

Các chuyên gia cảnh báo, nắng nóng ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Còn các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 6/7 - 14/7, chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, miền Bắc sẽ bước vào đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày tới. Nhiệt độ cao nhất có thể lên đến trên 37 độ C ở nhiều nơi, thậm chí trên 39 độ C ở vùng núi. Đây không phải là đợt nắng nóng quá gay gắt, nhưng ban đêm trời sẽ rất oi bức với nhiệt độ thấp nhất ở mức cao, 29 - 31 độ C.

Ông Hưởng cho biết, cao điểm của đợt nắng nóng lần này sẽ là các ngày 6 - 8/7, khi nhiều điểm có nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, khả năng thiết lập kỷ lục nhiệt độ mới là không cao. Ngoài ra, đặc điểm của đợt nắng nóng này là thời gian kéo dài, nền nhiệt ban ngày không quá cao, nhưng mức nhiệt ban đêm lại duy trì ở ngưỡng cao, khiến người dân cảm thấy khó chịu hơn. Ông Hưởng khuyến cáo người dân cần lưu ý sự chênh lệch giữa nhiệt độ dự báo và nhiệt độ cảm nhận thực tế, đặc biệt là ở những khu vực có mặt bê tông, đường nhựa.

Trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 7 và đầu tháng 8/2023, miền Bắc vẫn còn khả năng xuất hiện các đợt nắng nóng diện rộng, mức độ gay gắt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước cho các hồ chứa thủy điện Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung. "Nếu không có nguồn nước mưa bổ sung thì các hồ chứa sẽ trong tình trạng thiếu nước kéo dài", ông Hưởng cảnh báo.

Nắng nóng gay gắt - nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục phá kỷ lục trong tuần

Theo dữ liệu từ hai cơ quan theo dõi quan trắc thời tiết quốc tế, tuần này đã chứng kiến nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất từ trước đến nay. Các chuyên gia cảnh báo rằng có thể sẽ có thêm nhiều kỷ lục mới về nhiệt độ cao trung bình toàn cầu trong những tháng cuối năm.

Vào ngày Thứ Hai đầu tuần, các trung tâm dự báo môi trường quốc gia Mỹ đã đo được nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,01 độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất kể từ khi họ bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 1979. Tuy nhiên, kỷ lục này không kéo dài lâu. Ngay ngày hôm sau, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên 17,18 độ C, phá vỡ kỷ lục mới.

Trong khi nhiệt độ tại Canada đã lập kỷ lục mới với 49,6 độ C vào ngày 29/6 vừa qua, cơ quan Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết ngày 5/7 là ngày nóng nhất toàn cầu từ trước đến nay. Theo đó, nền nhiệt toàn cầu đã đạt mức cao chưa từng có. Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự biến đổi khí hậu đang diễn ra trên hành tinh của chúng ta.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những kỷ lục này có thể sẽ không kéo dài lâu. Robert Rohde, nhà khoa học đứng đầu tại Berkeley Earth, viết trên Twitter rằng "có thể còn nhiều ngày ấm hơn nữa trong vòng 6 tuần tới". Friederike Otto - chuyên gia về khí hậu tại Viện Grantham, Anh quốc, cũng cho biết "kỷ lục này có thể sẽ bị phá vỡ, bởi cả mùa hè của bắc bán cầu vẫn còn ở phía trước và hiện tượng El Nino vẫn còn tiếp tục". Do đó, đợt nắng nóng gay gắt lần này có thể sẽ lập kỷ lục về tổng số ngày nắng nóng trên 37 độ C và gây ra những hậu quả thảm khốc cho con người và môi trường.

Tại Mỹ, bang Texas và miền nam nước này đã trải qua đợt nắng nóng khốc liệt vào cuối tháng 6, nền nhiệt nóng và độ ẩm cực cao. Thời tiết nắng nóng cực đoan cũng khiến ít nhất 112 người thiệt mạng ở Mexico kể từ tháng 3 năm nay.

Nắng nóng tàn khốc ở Ấn Độ cũng đã khiến ít nhất 44 người tử vong trên khắp bang Bihar. Trung Quốc cũng đã trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt và ghi nhận số ngày nắng nóng cao nhất.

Ở châu Âu, Vương quốc Anh cũng trải qua tháng 6 nóng nhất kể từ năm 1884.

Theo các nhà khoa học, khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, rõ ràng các đợt nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn.