Nam thanh niên 18 tuổi bị bệnh truyền nhiễm từ thiên nhiên

Trung Nguyên

Trung Nguyên

19:41 - 20/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau 2 tuần đi du lịch, nam thanh niên 18 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc thấy sốt cao, xuất hiện vết loét nơi "vùng kín" nên đến viện thăm khám. Kết quả bệnh nhân mắc căn bệnh xuất phát từ chuyến đi du lịch.

Sốt cao, vết loét không ngờ nguyên nhân do đi du lịch

Theo chia sẻ của nam bệnh nhân, 2 tuần nay, bệnh nhân xuất hiện sốt cao 39-40 độ C, sốt nóng, nổi nốt vùng bìu sau tạo thành vết loét, kèm nổi hạch đau nhẹ vùng bẹn trái, đau đầu, nhức mỏi người và đi ngoài lỏng.

Thấy xuất hiện những bất thường đó, nam bệnh nhân đi khám tại cơ sở y tế gần nhà và được chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu, kê đơn kháng sinh Ciprofloxacin uống 5 ngày nhưng các dấu hiệu bất thường đó không thuyên giảm. Sau đó, nam thanh niên quyết định đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec.

Nam thanh niên 18 tuổi phát hiện bệnh truyền nhiễm từ thiên nhiên - Ảnh 1.

Bác sĩ khuyến cáo nếu bạn đi về từ các vùng dịch tễ và xuất hiện sốt cao, đau đầu, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời (Ảnh: benhvien108.vn)

Tìm hiểu yếu tố dịch tễ, bệnh nhân cho biết sau khi đi du lịch Tây Nguyên được 2 tuần thì cũng là lúc anh xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên.

Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ nội trú Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền Nhiễm của bệnh viện cho biết, thăm khám bệnh nhân có da niêm mạc sung huyết nhẹ, môi khô, vùng bẹn trái có 2 hạch kích thước xấp xỉ 1cm, ấn đau nhẹ. Đồng thời, khám cơ quan - bộ phận xuất hiện vết loét vùng dưới bìu trái, kích thước xấp xỉ 1cm, ranh giới rõ, bờ đều hơi gồ lên, đáy màu hồng, sạch, không chảy dịch. Với thăm khám và dấu hiệu ban đầu, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ là theo dõi sốt mò.

Bằng kinh nghiệm, bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt với các nhiễm khuẩn thông thường khác. Sau đó, bệnh nhân được chẩn đoán xác định sốt mò bằng kết quả xét nghiệm Rickettsia Realtime PCR dương tính.

Dựa vào chẩn đoán xác định và bằng kinh nghiệm điều trị, bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú cho bệnh nhân, sau 01 ngày điều trị, bệnh nhân giảm sốt dưới 37.5 độ C và cắt sốt hoàn toàn sau 3 ngày điều trị.

Bác sĩ cho biết, đây là một trường hợp may mắn xuất hiện sốt cao đã tìm chính xác nguyên nhân và điều trị thành công. Bởi, bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể chuyển nặng di chuyển vào não, phổi gây viêm não, viêm phổi.

Nguyên nhân gây bệnh sốt mò

Nam thanh niên 18 tuổi phát hiện bệnh truyền nhiễm từ thiên nhiên - Ảnh 2.

bác sĩ nội trú Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Ảnh: Trung Nguyên)

Theo bác sĩ Tùng, bệnh sốt mò (còn có tên gọi là Rickettsia tsutsugamushi) là một nhóm bệnh do mầm bệnh là Rickettsia các loài thuộc họ Rickettsiaceae, hầu hết truyền ngẫu nhiên sang người do các côn trùng có chân đốt, bệnh có những đặc điểm chung sau:

- Mầm bệnh là những cầu trực khuẩn ký sinh nội bào bắt buộc, có kháng nguyên tương tự nhau.

- Phương thức lây truyền: Đại đa số bệnh truyền sang người do các loại rận chấy, ve, ấu trùng mò, bọ chét đốt.

- Bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, rừng núi (80,5%), hiếm gặp ở thành thị. Bệnh xuất hiện ở Việt Nam quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa.

- Đối tượng dễ mắc bệnh là người dân đi khai hoang, bộ đội hành quân tập luyện dã ngoại, khách du lịch,...

Dấu hiệu điển hình của bệnh sốt mò

BS Tùng chia sẻ, nếu người dân có yếu tố dịch tễ và xuất hiện vết loét bất thường trên da cần đi kiểm tra để chẩn đoán xác định có phải nguyên nhân do sốt mò hay không, cụ thể các loét có đặc điểm như sau:

- Vết loét ngoài da: Là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh sốt mò; vết loét có hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch.

- Các vết loét thường không đau, khu trú ở những vùng da mềm hoặc nếp gấp như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng, bìu…

Những bệnh nhân sốt sau 7 ngày rất khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, nhất là những sốt cấp tính, điều đầu tiên là phải loại trừ những nguyên nhân từ địa phương như Dengue, cúm, Covid-19… Những trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân cần phải cấy máu, làm bi-lăng viêm, xét nghiệm kiểm tra máu lắng, PCR… Điều quan trọng nhất là phải cấy máu trước khi dùng kháng sinh và nên cấy máu làm hai lần để làm bi lăng ban đầu ở những bệnh nhân sốt, từ đó tìm các ổ nhiễm trùng, khu trú nhiễm trùng…

Tuy nhiên, ở ca bệnh này, PGS.TS Nguyễn Thái Sơn - chuyên gia Vi sinh chia sẻ, bác sĩ truyền nhiễm đã rất "chắc tay" chẩn đoán ngay sốt mò dựa trên lâm sàng là dấu hiệu tại vùng bìu, có hạch và yếu tố dịch tễ, mà chưa có chỉ định xét nghiệm PCR đã nghĩ ngay đến sốt mò và điều trị theo hướng đó để điều trị thành công ca bệnh.

Để phòng sốt mò, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 người dân có thể đi du lịch khám phá thiên nhiên, PGS Sơn khuyến cáo, khi đi vào vùng rừng núi hoặc vùng cây cối rậm rạp cần mặc quần áo dài tay, mang bao tay, che kín cơ thể.

Không nằm trên bãi cỏ hay vùng đất ẩm, không phơi quần áo trên bãi cỏ tránh ấu trùng mò bám vào.

Tại gia đình cần, phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn sạch cỏ dại. Phun thuốc diệt ấu trùng mò. Diệt chuột và các loài gặm nhấm.

Sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, đó là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do Rickettsia tsutsugamushi gây nên. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2 – 3 tuần, kèm theo có vết loét trên da do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng và có thể gây ra các biến chứng: viêm phổi, viêm não màng não, viêm cơ tim… hoặc suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh sốt mò thường gặp ở các nước châu Á nhiệt đới, nhất là những khu rừng núi có cây cối rậm rạp, đất mùn ẩm ướt, ở các hang hốc trong núi đá hay dọc hai bên bờ sông suối, bờ biển. Đó là những nơi có khí hậu nóng ẩm, thích hợp cho con mò phát triển đồng thời có nhiều con vật mang mầm bệnh như các loài gặm nhấm sinh sống. Thời gian xuất hiện bệnh là khoảng từ tháng 6 đến tháng 9.


Bình luận của bạn

Bình luận