Năm nay tiền trường bao nhiêu?

Phan Huyền
09:04 - 01/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

2 tháng hè đã trôi qua, trường giáo dục phổ thông các cấp hiện đang chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón học sinh cho năm học mới. "Năm nay tiền trường bao nhiêu?" - là câu hỏi nóng nhất thời điểm này.

Người dân tại xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, ngày 24/7 vừa qua đã tụ tập tại trước cổng trường tiểu học của xã, bức xúc phản đối các khoản thu của trường trong năm học. Những người dân cho biết, không chỉ bây giờ, mà lâu nay, các phụ huynh đã bức xúc một phần vì thấy các khoản thu không hợp lý, còn lại là vì muốn rõ ràng việc sau khi thu xong tiền trường thì nhà trường đã chi như thế nào.
Đây chỉ là một ví dụ về việc các khoản thu tiền trường vào năm học mới nếu không hợp lý sẽ dẫn đến việc hài lòng của các phụ huynh học sinh và cả dư luận xã hội.
Năm nay tiền trường bao nhiêu? - Ảnh 2.

Tâm trạng các gia đình và khoản thu đầu năm học. Minh hoạ: IT/image

Đến hẹn lại lên, câu chuyện được nhiều người quan tâm, thắc mắc nhất vào đầu năm học mới vẫn là "năm nay đóng tiền trường bao nhiêu?". 

Hàng chục khoản tiền phải lo

Chuẩn bị cho con vào học, có hàng chục khoản tiền phụ huynh phải lo: Nào tiền mua đồ đồng phục, thể dục, giày dép, sách vở, bút mực…Tiền đóng học phí, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể.

Rồi, tiền quỹ hội, quỹ lớp, quỹ đội, tiền học tăng tiết, ôn tập, tiền học nâng cao ở trung tâm; tiền mua tài liệu học thêm, tiền in đề kiểm tra; tiền mua tăm giúp người mù; tiền mua nước uống, tiền học bơi, tiền tham quan...

Trong những khoản tiền phải nộp đã liệt kê ở trên, có những khoản tiền lẽ ra phụ huynh không phải bỏ ra, có khoản giá trị sẽ thấp hơn nhiều số tiền phụ huynh phải đóng.

Thế nhưng vì 2 tiếng "hoa hồng", vì quyền lợi cá nhân của một số cán bộ ngành giáo dục mà tấm lưng phụ huynh vốn đã còng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền càng bị đè nặng hơn.

Nhà trường đang là thị trường kiếm tiền siêu lợi nhuận

Năm học mới bắt đầu là lúc các cá nhân, tổ chức kinh doanh nhắm vào nhà trường để trục lợi bằng nhiều cách: Từ việc sách năm nào cũng thay, cũng chỉnh sửa, chọn bộ mới. 

Lẽ ra, những phụ huynh nghèo sẽ không phải tốn một khoản để mua sách giáo khoa. Nhưng nhiều địa phương, năm nào cũng thay sách. Đầu tiên, mỗi trường học chọn một bộ sách giáo khoa mà trường mình ưng ý. Năm sau, lại cả huyện, rồi cả tỉnh chọn một bộ. Những trường học có bộ không trùng với số đông lại bắt buộc đổi cho giống. Sự lúng túng trong chọn học sách giáo khoa của các địa phương khiến thị trường nóng lên.

Ngoài ra, có địa phương vẫn còn học sách VNEN (mô hình giáo dục có bộ sách riêng) mới mua năm học này thì năm sau phải bỏ. Lại có trường chỉ đổi vài cuốn trong cả bộ sách khiến nhiều phụ huynh cũng thay luôn cả bộ sách mới. Rồi sách Tiếng Anh, có năm chọn sách của nhà xuất bản này, năm sau lại chọn nhà xuất bản khác… rồi lấy lý do chỉnh sửa nội dung buộc học sinh phải mua sách mới. 

Đồng phục học sinh mỗi năm một mẫu mã

Một bộ đồng phục mua trong nhà trường và mua ngoài giá chênh lệch từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng.

Có phụ huynh cho biết, có trường quy định mỗi khối một màu đồng phục khác nhau và cứ thay đổi màu liên tục giữa các khối lớp. Vì thế, trong một gia đình, em muốn mặc đồ lại của anh (chị) cũng không thể.

Có trường thay đổi hiệu trưởng thì đồng phục cũng thay đổi luôn dù đồng phục và việc thay đổi hiệu trưởng chẳng liên quan gì với nhau.

Trường lại đồng phục đủ loại như đồng phục mùa đông, mùa hè, đồng phục từng cái gối, cái mền, cái tất tay, tất chân… trường lại quy định đồng phục thứ 2 khác với đồng phục các ngày khác trong tuần.

Núp bóng dạy thêm trong trường

Không ít trường học hiện nay lợi dụng việc quy định dạy 2 buổi/ngày để ép học sinh đi học thêm dưới vỏ bọc tự nguyện ôn tập, nâng cao kiến thức.

Thế là dù không muốn thì 100% học sinh toàn trường cũng phải học thêm một cách bắt buộc.

Số tiền phụ huynh phải bỏ ra cho các em (chủ yếu bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông) là không hề nhỏ. Có trường thu tới 500 ngàn đồng học sinh/tháng cho 3 môn học.

Các loại quỹ

Thôi thì loạn tên các loại quỹ, đã quỹ hội phụ huynh còn thêm quỹ lớp, quỹ đội. Thế là, một số trường ấn định thu tiền quỹ hội phí từ 200-300 ngàn đồng/năm học.

Vào năm học vài tuần thu thêm tiền quỹ lớp cũng khoảng từ 200-300 ngàn đồng/học kỳ. Thi thoảng lại phát động quỹ đội khoảng vài ba chục ngàn đổ lại.

Chỉ tính riêng tiền các loại quỹ một năm phụ huynh cũng bỏ ra dăm trăm ngàn đồng/học sinh.

Tiền bảo hiểm tai nạn

Nếu bảo hiểm y tế là bắt buộc thì bảo hiểm tai nạn là bảo hiểm tự nguyện. Thế nhưng hầu như các trường học hiện nay đang lập lờ trong việc bán bảo hiểm để phụ huynh cứ ngỡ là bắt buộc phải mua luôn.

Ngoài thị trường hiện có khá nhiều công ty bán bảo hiểm tai nạn. Do có sự cạnh tranh, thế nên có nhiều mức giá cao thấp khác nhau. Nhưng không ít địa phương hiện nay lại chọn mức giá bảo hiểm tai nạn gần như cao nhất để bán cho phụ huynh. Điều này, càng chất thêm gánh nặng tiền bạc lên đôi vai gầy của họ.

Thu chi hợp lý phải bắt đầu từ đâu?

Điểm mấu chốt là các hiệu trưởng nhà trường phải thực hiện đúng nguyên tắc tài chính thu chi theo quy định, tránh việc lạm dụng quyền hạn chức vụ để trục lợi và tham gia và "guồng" trục lợi trong nhà trường. Không ít hội phụ huynh bàn tán vì các khoản tiền trường và quy định đóng tiền của trường này khác với các trường khác. Có những trường, lớp học đã lắp điều hoà, năm mới lại lắp thêm điều hoà, học sinh đi học luôn phải mặc áo rét vì rét quá. Quá nhiều điều hoà trong lớp chỉ thể hiện là các nhóm lợi ích thao túng nhà trường, chứ chưa chắc đã vì lợi ích của các học sinh.

Bởi thế, bên cạnh việc giám sát hiệu trưởng và bộ máy giám hiệu nhà trường làm đúng công khai minh bạch tài chính. Hệ thống giáo dục toàn dân đòi hỏi nhà trường phối hợp với gia đình trong giáo dục, dạy dỗ con em mình, đồng thời giám sát công tác tổ chức dạy và học, cương quyết đấu tranh với những tiêu cực, những nhũng nhiễu xảy ra ở trường.

Sự đấu tranh mạnh mẽ, không khoan nhượng chính là liều thuốc khống chế giảm bớt những khoản thu chi bất hợp lý.