Năm mới: Việt Nam khởi công 12 dự án giao thông mới

PV
17:14 - 01/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 1/1/2023, tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức phát lệnh khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 và và phát động tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

Lễ khởi công được triển khai đồng loạt tại 12 điểm cầu, từ điểm chính tại Quảng Ngãi phát tới Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác.

Dự lễ khởi công tại các điểm cầu có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Năm mới: Việt Nam khởi công 12 dự án giao thông mới - Ảnh 1.

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: VGP.

Dự án được triển khai nhằm hiện thực hóa các Nghị quyết của Chính phủ về đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 với việc áp dụng nhiều cơ chế đặc thù. 

Ngay trong ngày đầu năm mới, 12 dự án đã được khởi công đồng loạt thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc rốt ráo của các bộ ngành, các địa phương cùng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn nhất phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.

Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, khoảng 1.000 km. Đây là nhiệm vụ khó khăn, song Thủ tướng tin tưởng chúng ta sẽ làm được với kinh nghiệm đã có, cùng quyết tâm, nỗ lực, sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.

"Chúng ta phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả"
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan toả mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh canh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới.

Thủ tướng nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư trên khắp cả nước, trong đó có ưu tiên cho các vùng khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía bắc. Dự án cũng là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, là mong mỏi lớn của nhân dân ta, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội với đất nước, với mọi người dân trên mọi miền cả nước.

12 dự án có tổng chiều dài 729 km, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h, đi qua 15 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) với tổng mức đầu tư khoảng 147 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.

Quyết tâm bảo đảm tiến độ, triển khai đầu tư công hiệu quả

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án phải bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; không được đội vốn, tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra; thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh về giá, nguyên vật liệu, nhân lực, thiết kế…

Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.

Các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND 32 tỉnh, thành phố có dự án đi qua phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chỉ đạo, thành lập các tổ công tác để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới mỏ vật liệu.

UBND các tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II/2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, nơi canh tác mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ để người dân ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Các nhà thầu thi công phải huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để tập trung hoàn thành gói thầu. Các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu, hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm.

Cảm ơn nhân dân đã đồng lòng hỗ trợ các dự án

Trước lễ khởi công, tại xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, Thủ tướng đã gặp gỡ, động viên một số hộ dân phải nhường mặt bằng để làm đường cao tốc Bắc-Nam phía đông và nghe báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Đến nay, các địa phương đã bàn giao khoảng 70% mặt bằng cho 12 dự án.

Theo báo cáo, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định) đi qua huyện Mộ Đức dài 10,8 km với 695 hộ dân bị ảnh hưởng, 150 hộ dân phải di dời. Công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai tích cực, quyết liệt, cơ bản đáp ứng tiến độ.

Ân cần thăm hỏi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm đời sống người dân trong dịp Tết, nhất là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các đối tượng khó khăn, yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, để nhân dân có một cái Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Thủ tướng nêu rõ giải phóng mặt bằng là khâu rất quan trọng với các dự án phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định, Đảng, Nhà nước rất thấu hiểu, rất chia sẻ với bà con khi bị ảnh hưởng sinh kế, phải nhường lại nơi ăn ở hàng trăm năm, hàng nghìn năm, nơi chôn rau cắt rốn cho các dự án.

Thủ tướng cảm ơn và bày tỏ vui mừng khi bà con sẵn sàng nhường mặt bằng vì lợi ích của đất nước, của địa phương và của chính người dân nơi có dự án đi qua; mong muốn bà con phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, tiếp tục ủng hộ dự án, các cấp, các ngành, các địa phương vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án cao tốc.


Bình luận của bạn

Bình luận