Mụn trứng cá tuổi học trò - đơn giản mà không giản đơn
Mụn trứng cá là bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh. Bệnh thông thường nhưng nếu không xử trí đúng có thể gây nguy hiểm.
Xử lý đúng với bệnh mụn trứng cá ở học sinh
Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì (thường vào độ tuổi cấp 2,3), đây là thời gian các bạn học sinh có sự thay đổi cả diện mạo lẫn tâm tính. Ở phần diện mạo, mụn trứng cá xuất hiện thường gây "phiền toái" cho các bạn trẻ, nhất là lúc này các cô cậu học trò đã biết chăm sóc, chải chuốt hình thức bề ngoài.
Nhiều mụn trứng cá, đã trở thành nỗi "ám ảnh" vô hình đối với các bạn trẻ, trong đó nhiều bạn học sinh bị bệnh cũng cảm thấy khó chịu, thiếu tự tin khi tiếp xúc, sợ bị trêu ghẹo, cảm thấy tự ti, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, thậm chí tránh mặt, tránh tiếp xúc, tránh tham gia các hoạt động học tập, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa...
Theo các bác sỹ, mụn trứng cá có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tuổi dậy thì (từ 8 -25 tuổi) là thời điểm mụn thường xuyên xuất hiện vì cơ thể có nhiều thay đổi về hormone khiến tuyến dầu nhờn ở da hoạt động mạnh hơn, kết hợp với vi khuẩn gây mụn sinh ra khi lỗ chân lông bị bít tắc.
Hiểu được nguyên nhân, phụ huynh và các bạn học sinh cần bình tĩnh xử lý, hầu hết bệnh có thể tự điều trị ở mức độ nhẹ bằng các cách rửa mặt, giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn uống cân bằng, uống nhiều nước, ăn chế độ rau xanh... kết hợp với một số loại sữa rửa mặt hoặc thuốc bôi đặc trị là có thể ngăn ngừa mụn hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, nếu xử lý quá đà, sai cách, có thể dẫn tới những di chứng nguy hiểm. Trong đó, việc các bạn học sinh tự tay nặn mụn với mức độ vệ sinh kém dễ khiến vi khuẩn lây lan, làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn, tệ hơn là để lại các loại sẹo vĩnh viễn hoặc bị nhiễm trùng nghiêm trọng không thể phục hồi da, sẹo và ảnh hưởng tới tâm lý.
Có nhiều loại mụn và mức độ nặng nhẹ khác nhau, nên chúng ta cần biết các loại mụn để phân biệt và xử trí, một số loại mụn thường gặp gồm có: Mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn do viêm (mụn sần, mụn mủ, mụn bọc...).
Trong đó, các loại mụn do viêm nếu không được chữa đúng cách có thể tấn công da để lại sẹo hoặc thậm chí có thể gây đau nhức, sưng tấy đỏ nặng, dễ tái phát. Ngoài ra, mụn dạng nang (u nang dưới da) có chứa đầy mủ hoặc dịch và gây đau nhiều. Đây là thể mụn ở dạng nặng nên cần có thời gian điều trị lâu dài, tránh để lại sẹo khó lành.
Một số loại thuốc trị mụn trứng cá bằng cách bôi ngoài ra
Theo các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, một số loại thuốc trị mụn có thể tự mua và bôi ngoài ra theo hướng dẫn của dược sỹ bao gồm: Acid Salicylic: Axit salicylic có khả năng ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông, giúp nang lông thông thoáng hơn cũng như kiểm soát những tác nhân như da chết/ bã nhờn; Acid Azelaic: Giúp làm sạch lỗ chân lông, gom còi mụn và hạn chế nguy cơ mụn tái phát. Tuy nhiên thành phần này chỉ có tác dụng tốt với những trường hợp mụn trứng cá tuổi dậy thì từ nhẹ tới vừa; Benzoyl Peroxide: Gọi tắt là BPO. Loại thuốc này có công dụng diệt khuẩn và làm bong lớp sừng nên thường được sử dụng để điều trị các loại mụn như mụn đầu đen/ đầu trắng, mụn bọc, mụn viêm,… ; Retinol: Là một chất dẫn xuất từ vitamin A, Retinol được dùng trị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì bởi khả năng giảm dầu thừa, thông thoáng nang lông giúp kiểm soát và giảm mụn – nổi bật là ngăn ngừa u nang và nốt sần. Ngoài ra hoạt chất này còn có công dụng chống lão hóa, giúp da sáng và đều màu cũng như giữ ẩm cho da. Khi sử dụng Retinoids cần chú ý hơn trong việc chống nắng cho da vì các yếu tố liên quan tới vitamin A sẽ khiến da dễ nhạy cảm và tổn thương hơn với tia UV; Clindamycin: Một loại thuốc kháng sinh có công dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn, giảm tổn thương da do viêm. Trong việc điều trị mụn trứng cá – đặc biệt là mụn mức độ vừa tới nặng – Clindamycin có ở cả dạng bôi hoặc uống.
Ngoài các loại thuốc bôi, một số phụ huynh còn ưa dùng các cách chữa tự nhiên như dùng nước cốt chanh tươi để làm sạch da điều trị mụn, hoặc sử dụng mật ong với tính kháng khuẩn sẽ giúp làm dịu của mật ong vừa giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn vừa góp phần giúp mụn giảm mẩn đỏ, sưng tấy.
Mật ong cũng được nhiều phụ huynh pha trộn với các thành phần khác như sữa chua, chuối hay yến mạch để tạo thành mặt nạ dưỡng da trị mụn hoặc dùng trực tiếp lượng rất nhỏ lên chấm mụn.
Theo lời khuyên của bác sỹ, chỉ nên sử dụng mật ong nguyên chất và dung lượng vừa đủ để tránh nguy cơ kích ứng da – nhất là với da nhạy cảm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google