Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm

Phóng sự của Trịnh Thông Thiện
11:15 - 22/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sau mấy năm đìu hiu do dịch COVID, mùa vải thiều năm 2022, tỉnh Bắc Giang đón nhận những tin vui dồn dập khi nhiều lô hàng vải thiều Lục Ngạn đã có đơn đặt hàng tại thị trường các nước thuộc Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Á.

Đặc biệt, ở hai thị trường khó tính là Nhật Bản và Châu Âu, vải thiều Việt Nam đã có "visa" để mở ra triển vọng nâng cao giá trị của quả vải Lục Ngạn.

Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm  - Ảnh 1.

Giống vải thiều chất lượng cao đạt tiêu chuẩn Global GAP của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTT

Nhộn nhịp mùa vải thiều Lục Ngạn

Vào những ngày trung tuần tháng 6, khắp các ngả đường thị trấn Chũ (huyện Lục Ngan – Bắc Giang) như khoác trên mình một màu đỏ rực. Bà con nông dân từ các xã Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Vân, Sa Lý, Hồng Giang... tấp nập chở bằng xe máy những thùng vải thiều nặng hàng tạ đến các đại lý tiêu thụ dọc tuyến đường Quốc lộ 31.

Theo thống kê của UBND huyện Lục Ngạn, tuyến Quốc lộ 31 từ ngã ba Kim đến trung tâm thị trấn Chũ chỉ dài chừng 5km, nhưng có đến gần 100 đại lý đăng ký thu mua vải thiều. Chị Nguyễn Giang, chủ một đại lý ở thị trấn Chũ cho biết: "Mấy năm về trước do ảnh hưởng của dịch COVID, được mùa vải thì giá bị rớt thê thảm. Mùa vải thiều Lục Ngạn năm nay lạ lắm! Vừa được mùa mà giá bán lại cao nên cả bà con nông dân và thương lái chúng tôi đều hồ hởi lắm!".

Cái lạ của mùa vải thiều Lục Ngạn năm nay được anh Nguyễn Minh Tiến, một thương lái thu mua vải ở thị trấn Chũ lý giải rằng: "Quả vải thiều Lục Ngạn đã có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường nước ngoài như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp... nên số lượng các công ty, doanh nghiệp đăng ký thu mua vải với UBND huyện tăng lên đáng kể so với năm ngoái. Có thị trường, nhiều người mua nên giá tăng lên cũng là điều dễ hiểu".

Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm  - Ảnh 2.

Gia đình chị Phạm Thị Ngà (thôn Kép I, xã Hồng Giang) thu hoạch vườn vải rộng 1.7 ha sản xuất theo quy trình Global GAP phục vụ xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Australia.. Ảnh: TTT

Theo giới thiệu của UBND huyện Lục Ngạn, chúng tôi về xã Hồng Giang, nơi được các cơ quan chức năng quy hoạch là vùng trồng vải chủ lực để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu. Những ngày này, vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu tại xã Hồng Giang luôn đặt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt 24/7 và đang "nóng" lên từng ngày. 

Hơn100 ha vải thiều được quy hoạch sản xuất vải xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP nằm trải dài dọc ba thôn Kép I, Ngọt và Phương Sơn thuộc xã Hồng Giang đang vào chính vụ nên cây vải nào cũng trĩu trịt quả chín đỏ lựng.

Trong vườn vải rộng 1,7 ha nhà anh Nguyễn Văn Lưu thuộc thôn Kép I đang có hơn 20 nhân công bận rộn thu hoạch để bàn giao đúng hạn lô hàng quả vải thứ 2 xuất khẩu sang Châu ÂU. Anh Lưu người đầm đìa mồ hôi khoe rằng: "Vải nhà tôi hái xong là lên máy bay đi trời Tây đấy!".

Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm  - Ảnh 3.

UBND tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch 100 ha và giao cho 109 hộ dântriển khai vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn Global GAP tại xã Hồng Giang để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: TTT

Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm  - Ảnh 4.

Người dân Lục Ngạn phân loại chọn những quả vải to, mọng nước và không bị dập vỏ để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: TTT

Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm  - Ảnh 5.

Vải thu mua được thương lái phân loại để xuất khẩu. Ảnh: TTT

Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm  - Ảnh 6.

Người dân huyện Lục Ngạn ứng dụng cách bảo quản bằng đá lạnh để quả vải có thể tươi từ 4 – 6 tuần theo công nghệ Israel. Ảnh: TTT

Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm  - Ảnh 7.

Mặc dù vào tháng 6, thời tiết nắng nóng nhưng đại lý thu mua vải ở thị trấn Chũ vẫn tấp nập kẻ bán, người mua. Ảnh: TTT

Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm  - Ảnh 8.

Vải thu mua được thương lái phân loại cắt cuống chứa trong thùng bảo quản để xuất khẩu. Ảnh: TTT

Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm  - Ảnh 9.

Vào những ngày chính vụ, theo thống kê của UBND huyện Lục Ngạn đã có hơn 100 thương lái Trung Quốc đăng ký đặt đại lý thu mua vải thiều. Ảnh: TTT

Mùa vải thiều năm nay "lạ" lắm  - Ảnh 10.

Suốt 5km từ ngã ba Kim đến trung tâm thị trấn Chũ trên Quốc lộ 31 luôn tấp nập người dân chở vải đến các đại lý tiêu thụ. Ảnh: TTT

Vải thiều Lục Ngạn xuất ngoại

Theo ông Nguyễn Việt Oanh - Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, năm nay, tình hình thời tiết thuận lợi, dự báo vải thiều Bắc Giang có chất lượng tốt hơn năm trước, sản lượng toàn tỉnh ước đạt hơn 160.000 tấn, trong đó huyện Lục Ngạn hơn 95.000 tấn. Toàn huyện Lục Ngạn hiện có khoảng 16.000ha vải thiều, trong đó hơn 12.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 500ha sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU; 100% diện tích vải của huyện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 

Thời gian dự kiến thu hoạch bắt đầu từ ngày 25/5 đến 30/7/2022. Hiện, giá bán vải đang dao động từ 18.000 - 35.000 đồng/kg, đây là mức giá tốt thời điểm đầu mùa.

Chia sẻ về phương án tiêu thụ vải thiều, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Sở Công Thương đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Trong đó, nếu tình hình dịch COVID-19 ổn định như hiện nay, sẽ tiêu thụ 50% thị trường nội địa, 50% số lượng còn lại xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu năm nay sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Đông và EU.

Hiện vải thiều Lục Ngạn đang được bảo hộ tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia; đồng thời, là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ tại thị trường Nhật Bản.

Hiện vải thiều Lục Ngạn đang được bảo hộ tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia; đồng thời, là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ tại thị trường Nhật Bản.

"Vải thiều Bắc Giang đã và đang từng bước khẳng định chất lượng vượt trội, để vươn tầm thế giới" - ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định.

Hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh diễn ra khá thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với giá thành cao. "Đến hôm nay, vải thiều Bắc Giang đã được thu hoạch, tiêu thụ khoảng 25.000 tấn; trong đó, sản lượng tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 60%; sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 40%, xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia..." - ông Phan Thế Tuấn thông tin.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 103 thương nhân Trung Quốc đăng ký thu mua vải thiều. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã đồng ý cho 103 thương nhân (quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều tại Bắc Giang.

Đến nay, các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương và đa phương giữa Việt Nam với các đối tác trên thế giới đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Và câu chuyện về quả vải thiều Lục Ngạn là một ví dụ điển hình.