Mua và sử dụng điện thoại cũ có an toàn không?

Hồng Ngọc
15:08 - 15/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa cảnh báo về việc mua và dùng điện thoại đã qua sử dụng (second-hand) tiềm ẩn những nguy cơ liên quan đến an toàn thông tin và đưa ra các biện pháp phòng ngừa cần lưu ý.

Mua và sử dụng điện thoại cũ có an toàn không?- Ảnh 1.

Hãy luôn cảnh giác khi sử dụng điện thoại cũ và thực hiện các biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ thông tin cá nhân. Ảnh: Wikipedia

Nguy cơ mất an toàn thông tin khi dùng điện thoại second-hand

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, hãy luôn ưu tiên quyền riêng tư và bảo mật của bạn khi sử dụng điện thoại đã thuộc sở hữu của người khác trước đó. Bằng cách này, bạn có thể giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến mất an toàn thông tin, rò rỉ dữ liệu cá nhân. Dưới đây là những nguy cơ và biện pháp phòng ngừa cần lưu ý:

Điện thoại đã qua sử dụng có thể vẫn giữ lại dữ liệu cá nhân từ chủ sở hữu trước đó, bao gồm ảnh, tin nhắn và thông tin nhạy cảm. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn đã xóa sạch dữ liệu (Factory Reset) trước khi sử dụng điện thoại second-hand để tránh rò rỉ dữ liệu.

Thiết bị cũ cũng có thể bị nhiễm phần mềm độc hại hoặc phần mềm gián điệp gây nguy cơ tiềm ẩn đối với thông tin cá nhân và quyền riêng tư của người dùng. Hãy thực hiện quét bảo mật bằng phần mềm bảo mật tin cậy ngay khi sở hữu những thiết bị đã qua sử dụng.

Bên cạnh đó, điện thoại đời cũ có thể không còn nhận được cập nhật bảo mật từ nhà sản xuất, khiến chúng dễ bị khai thác lỗ hổng bảo mật và tấn công. Hãy kiểm tra lịch sử cập nhật của thiết bị và xem liệu nó có còn được nhà sản xuất hỗ trợ hay không. Nếu được, hãy luôn cập nhật hệ điều hành và các ứng dụng cài đặt lên phiên bản mới nhất có sẵn.

Một lưu ý quan trọng khác, chủ sở hữu trước đó hoặc người được ủy quyền có thể vẫn truy cập vào thiết bị thông qua thông tin đăng nhập hoặc tài khoản đã lưu. Do đó, hãy thay đổi tất cả các mật khẩu được liên kết với thiết bị để tăng cường bảo mật và tránh truy cập trái phép.

Ngoài ra, các thiết bị được rooted (Android) hoặc Jailbroken (iOS) có thể có các lỗ hổng bảo mật và nguy cơ bị truy cập trái phép cao hơn. Root là quá trình can thiệp trực tiếp vào hệ thống Android để giành quyền truy cập gốc, tùy chỉnh và thay đổi so với tập tin gốc ban đầu, vượt qua rào cản bảo mật cao của nhà sản xuất. Tương tự, Jailbreak là khái niệm chỉ việc lợi dụng các lỗ hổng trong phần mềm iOS để cài các phần mềm bên ngoài cũng như là tùy biến phần mềm theo ý muốn của bạn.

Vì vậy, khi sử dụng điện thoại second-hand, hãy kiểm tra và chắc chắn rằng hệ điều hành của thiết bị ở trạng thái ban đầu, không biến đổi để đảm bảo an toàn thông tin, tránh nguy cơ rò rỉ dữ liệu.