Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung
Mưa lũ trong những ngày qua tại các tỉnh miền Trung đã làm 5 người chết và mất tích, gần 18.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại và tốc mái; hơn 120ha cây ăn quả, hoa màu bị hư hại...
Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 5 người chết và mất tích
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, từ ngày 13-15/11 mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt đã gây thiệt hại như sau:
Về người: 2 người chết (Quảng Trị 1 người, Thừa Thiên Huế 1 người, tăng 1 người so với báo cáo ngày 14/11/2023), 3 người mất tích (Quảng Trị 2 người, Thừa Thiên Huế 1 người, giảm 1 người ở Quảng Trị do tìm thấy thi thể và tăng 1 người ở Thừa Thiên Huế so với báo cáo ngày 14/11/2023).
Về nhà: 17.877 nhà ngập (Quảng Trị 1.309 nhà, Thừa Thiên Huế: 16.345 nhà; Đà Nẵng: 83 nhà, Quảng Ngãi: 140 nhà). Hiện Quảng Trị, Thừa Thiên Huế còn ngập từ 0,3-0,6m.
34 nhà bị hư hại, tốc mái (Hà Tĩnh: 17; Thừa Thiên Huế: 2; Quảng Nam: 11, Quảng Ngãi: 4).
Về nông nghiệp: 122ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị: 118ha; Đà Nẵng: 4ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị).
Về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: 1.100 con gia súc, gia cầm; 2ha nuôi trồng thủy sản (Quảng Trị).
Về giao thông: Mưa lớn đã gây ngập, ách tắc tại các tuyến đường quốc lộ 1A, 49B, 49C (Thừa Thiên Huế, Quảng Trị), tỉnh lộ 582, 582B, 584, 4, 6, 6B, 8C, 9, 11A, 11B, 11C, 17, 17B, nhiều tuyến đường liên thôn, xã (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).
Sạt lở taluy trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ: Quốc lộ 9C (100m3), quốc lộ 9B, ĐT 558C (Quảng Bình); ĐT 601, quốc lộ 14G (thành phố Đà Nẵng); ĐT 628 (Quảng Ngãi).
Ứg phó với mưa lũ, tổ chức sơ tán, di dời hơn 4.000 hộ dân
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, các địa phương đã tổ chức sơ tán, di dời 4.021 hộ dân (Quảng Trị 448 hộ, Thừa Thiên Huế 3.470 hộ, Quảng Nam 50 hộ, Quảng Ngãi 25 hộ, Khánh Hoà 28 hộ).
Ngày 15/11, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học, tỉnh Quảng Trị cho 5.500 học sinh nghỉ học tại huyện Hải Lăng.
Đồng thời, các địa phương cũng đã rà soát phương án ứng phó mưa lũ, sơ tán dân. Cử lực lượng hỗ trợ, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông nhất là các khu vực ngập lụt, gây ách tắc giao thông. Bố trí người canh gác tại các ngầm tràn bị ngập lũ.
Trước đó, ngày 15/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1095/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 17/CĐ-QG ngày 12/11/2023 ứng phó mưa, lũ từ Thanh Hoá đến Phú Yên.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công văn số 416/VPTT ngày 10/11/2023, 421/VPTT ngày 14/11/2023 ngày và 424/VPTT ngày 15/11/2023 về chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất gió mùa Đông Bắc, gió mạnh trên biển và mưa lớn và vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du lưu vực sông Hương; cử đoàn công tác chỉ đạo ứng phó mưa lớn, lũ, ngập lụt tại tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Vũ Xuân Thành – Phó Chánh Văn phòng thường trực làm trưởng đoàn; đã phối hợp gửi tin nhắn trên ứng dụng Zalo cảnh báo và khuyến cáo kỹ năng ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cho hơn 4 triệu tài khoản cá nhân trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên.
Bộ Công An, Bộ Quốc phòng có Công điện chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google