Một thời tiếng lóng Hà thành

Nguyễn Năng Lực
14:51 - 20/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đặc trưng ngôn ngữ Hà Nội không chỉ ở phong cách biểu đạt, nhời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, ý nhị, mà còn có một kho từ vựng đậm chất Hà thành, trong đó có kho từ vựng tiếng lóng.

Một thời tiếng lóng Hà thành

Tấm bia trên tường mộ Cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh ở Huế. Ảnh: Năng Lực

Hà Nội tiếp thu, gạn lọc nhiều nét văn hóa vùng miền làm thành nét riêng. Đặc trưng ngôn ngữ Hà Nội không chỉ ở phong cách biểu đạt, nhời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, ý nhị, mà còn có một kho từ vựng đậm chất Hà thành, trong đó có kho từ vựng tiếng lóng. Về nguồn gốc, bản chất, tiếng lóng là một loại biệt ngữ được một nhóm người sáng tạo ra để sử dụng như những tín hiệu riêng và chỉ họ hiểu với nhau. Nó như một loại mật mã giao tiếp, ngôn ngữ nào cũng có. 

Đại văn hào Pháp Victor Hugo khảo cứu về tiếng lóng đã nhận xét: "Tiếng lóng không khác gì một phòng treo áo, trong đó ngôn ngữ đến để ngụy trang khi phải làm một việc xấu...". ("Những người khốn khổ").

Có lần, một đồng nghiệp đưa ra câu đố: "Có anh nào biết "Khu chớ" là gì không?", rồi nheo nheo mắt nhìn mọi người. Nom vẻ đắc chí của cái người rất quý chữ ấy, tôi thầm nể phục, rồi thủng thẳng trả lời: "Thiên nay thâm chớ kẹo mục hậu... ấy là hệ đếm theo kiểu tiếng lóng Hà Nội trước đây. Khu chớ là Khu Bốn". Ông bạn gật gù: "Vâng, cách đếm ấy là tiếng lóng của các bà tiểu thương Hà thành trước năm 1954. Nghe họ nói với nhau thì khách ta cũng chả biết đằng nào mà lần, nói gì đến khách Tây. Vài từ kiểu đếm ấy còn tồn tại đến những năm 1970, bây giờ chả mấy người biết". 

Vui chuyện, mọi người cùng nhắc lại câu hát ê a của trùm giang hồ Năm Sài Gòn: Anh đây công tử không vòm/ Ngày mai kện rập biết mòm vào đâu/ Không vòm, không sộp, không te/Niễng mũn không có ai mê nỗi gì?

(Không vòm - không nhà, dạt vòm - bỏ nhà đi hoang; kện rập - hết gạo; mòm (mõm) - ăn; sộp - giàu có; te - đẹp (giai); niễng mũn - một chinh...) rồi lấy làm may cho nền văn học nước nhà có cụ Nguyên Hồng với truyện dài "Bỉ vỏ" lưu lại kho từ vựng đặc biệt cuả những tay anh chị giang hồ, tiếc rằng đã ngày càng mai một.

Không nhiều người Hà Nội cũ còn nhớ những từ tiếng lóng của dân buôn bán, dân cờ bạc: Cổn là đặt cọc, đưa tiền ra; trạc là ăn theo, ăn quịt; mùn xẩu là bài xì tố đẹp; luýnh là láu cá vặt, lừa nhau (Ông cổn đi; đừng trạc nữa; tôi có mùn xẩu rồi; đừng có mà luýnh...)

Tuổi thơ tôi ở một khu "Harlem Hà Nội", bên rìa quầng sáng Bờ Hồ và khu Phố Tây, Phố Cổ rực rỡ. Ở đó là những phận đời lam lũ, những người đạp xích lô, kéo xe ba gác, bốc vác ở Bến Phà Đen. Thanh niên không mấy người học cao, lác đác có vài anh vào được đại học. Bọn trẻ con cũng được đến trường, nhưng ngoài giờ học nhiều đứa phải lăn lộn kiếm sống, có đứa theo bố mẹ đi kéo xe ba gác. Bố kéo xe, mẹ đẩy, con buộc thêm cái thừng vào xe bên cạnh bố, tròng vào vai rồi cùng kéo, nom như cái xe ngựa có con ngựa con lon ton chạy bên cạnh ngựa mẹ, thế mà mặt cứ hơn hớn, gặp bạn học cùng lớp là toét miệng cười chứ chả lấy làm xấu hổ mặc cảm thân phận gì. Nhưng cũng có nhiều đứa lười học, lười làm, đi ăn cắp, móc túi ở đám đông. 

Thời cụ Nguyên Hồng viết truyện dài "Bỉ vỏ", giới giang hồ ăn cắp móc túi được gọi là vỏ. Bỉ vỏ là con đàn bà ăn cắp, vỏ lỏi là thằng nhóc móc túi. Những năm 60, đầu 70 thế kỷ trước, bọn móc túi còn được gọi là lính mổ. Nghe lính mổ nói chuyện, không phải ai cũng biết giếng tồ, giếng thượng, giếng hạ, giếng hậu là các loại túi quần túi áo ở những vị trí khác nhau. Họ hỏi nhau: "Hôm nay xô bè lên mấy giàng?" (Hôm nay nhảy tàu điện móc được mấy cái ví?), "Giếng tồ lão kia nhao đồng đấy" (Cái túi ở vạt áo lão kia nhiều tiền đấy). Cũng với nội hàm "nhiều tiền", còn có mấy từ khác: dầm láng, tễ biếu, dầm cụ mượt... Ít tiền thì là bết hào, hẻo. Bọn móc túi, cướp giật thường có đứa cản địa để đánh lạc hướng, gây khó khăn cho người phát hiện truy đuổi. Ăn cắp xe đạp là nhảy nghẽo. Vào nhà người ta ăn trộm là đột vòm, nhập nha. Dân câu cá trộm ở hồ Bảy Mẫu mỗi khi thấy bóng bảo vệ là nháy nhau búng phao, chuồn cho nhanh.

Tiếng lóng cũng luôn vận động, phát triển và suy tàn trong quá trình giao tiếp. Những từ đã nhiều người hiểu thì không còn là tiếng lóng nữa. Ngày nay, ai cũng biết cơm đen, nàng tiên nâu là thuốc phiện, nhiều người biết hàng trắng là heroin, chó lửa là khẩu súng ngắn, vì đã có nhiều người hiểu nên những từ ấy đã tự động giảm dần tần số xuất hiện, rồi biến mất.

Nhưng không phải hễ ai dùng tiếng lóng cũng là dân "xã hội thâm", là người xấu. Nhiều người, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên, thích dùng dăm ba từ tiếng lóng để tỏ ra mình sành điệu, có "phong cách".

Bây giờ Hà Nội không còn "tiếng leng keng sớm khuya" của tàu điện nữa, nhưng hình ảnh con tầu chậm rãi nghiến bánh sắt trên đường ray với thanh "cần vẹt" ngất ngưởng trên nóc toa đầu kéo vẫn in đậm trong tâm trí lớp người chưa cũ. Một trong những trò nghịch ngợm của bọn trẻ đường phố là nhảy lên nhảy xuống tàu điện. Nhảy giỏi phải là bổ, nắm vào thanh tay vịn, lăng người nhảy xuống ngược chiều tàu chạy. Nhảy giỏi thì bổ thượng (nhảy từ trên sàn tàu xuống), kém hơn thì bổ hạ (nhảy từ bậc lên xuống). Lại còn đu boong, nhảy lên bám đằng sau toa cuối. Nghe nói có đứa ngã, bị tầu điện cán cụt chân. Lại nghe nói hễ bị tầu điện chẹt thì bị "điện hút hết máu", người khô đét, thế mà nhiều đứa vẫn không sợ.

Nhưng không phải hễ ai dùng tiếng lóng cũng là dân "xã hội thâm", là người xấu. Nhiều người, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên, thích dùng dăm ba từ tiếng lóng để tỏ ra mình sành điệu, có "phong cách".

Ngày tôi học lớp 10, sơ tán ở ngôi làng ven đô, cách Bờ Hồ mươi cây số. Trong lớp có mấy học sinh bị liệt vào hàng "cá biệt", cứ đến giờ ra chơi là nhấm nháy rủ nhau đi đánh ken, rồi trốn ra rặng cây duối sau lớp, tóp má rít vội mấy hơi thuốc lá, nhìn nhau rất chi là đồng bọn. Nhiều lúc bí, phải bắt tóp (trước năm 1954 gọi là sập mẩu), nhặt đầu mẩu thuốc cũ cuốn lại hút. Thanh niên Hà Nội mà gặp cô gái xinh xinh nom có vẻ ngờ nghệch, như mới ở xa đến là nhấm nháy bảo nhau có con bò lạc. Cắt cái tóc chải ốp bi-dăng-tin, sắm được bộ quần áo mới hợp thời trang "săng li cạp liền viền nổi, quai nhê túi chéo", đeo cái đồng hồ mới, thời thượng là được khen tăng chân kính, tăng giá trị. Sở dĩ gọi thế vì đồng hồ ngày ấy thường là Poljot Liên Xô 17 chân kính, anh nào có cái Seiko Nhật 21 chân kính là đủ cho bạn bè lác mắt, đồng hồ mà đã đến hạng 23 chân kính thì cực hiếm.

Giới trẻ còn sáng tạo ra những từ nghe rất thú vị theo nguyên tắc lấy một đơn vị ngữ âm trong một từ kép, hoặc lấy một từ kép để diễn đạt ý của một từ trong đó để thể hiện điều muốn nói, dù rằng nghĩa của những từ tách nhập ấy nhiều khi chẳng liên quan gì đến nhau. Trước ngày nhập ngũ, tôi đến Trường Đại học Kiến trúc ở Hà Đông chơi với mấy thằng bạn. Trường vắng vẻ vì đang kỳ nghỉ hè, lại vừa có lệnh phải đi sơ tán khỏi Thủ đô sau khi Mỹ ném bom trở lại miền Bắc (tháng 4-1972). Tối ấy, cả bọn chuyện trò thâu đêm rồi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, mặt trời đã lên chúng tôi mới thức dậy. Anh bạn kiến trúc sư tương lai vừa vươn vai dụi mắt vừa thốt lên "Ô, sủa rồi chúng mày ạ" (sáng rồi). Các cô gái nhiều lúc không vừa lòng với bạn mình, thường hay nói dỗi: "Làm gì mà yết kiêu thế".

Một thời tiếng lóng Hà thành

Giới trẻ sáng tạo nhiều tiếng lóng.

Ngày nay, trong thời đại kĩ thuật số, mạng xã hội phát triển rộng rãi với hàng triệu tín đồ. Ngôn ngữ mạng cũng thật phong phú, sinh động, có đặc điểm gần với tiếng lóng ở chỗ không phải ai cũng hiểu được. Đã mấy ai biết được rằng gato là viết tắt của "ghen ăn tức ở". Các facebooker còn kết hợp nghĩa tiếng Anh tiếng Mỹ với nghĩa tiếng Việt một cách cơ học, tạo nên một thứ ngôn ngữ "phá cách", "nổi loạn", bất chấp quy tắc ngữ pháp, chuẩn mực chính tả: No table - miễn bàn; no star where - không sao đâu, lemon question - chanh + hỏi = chảnh; like afternoon - thích thì chiều…khiến cho người "ngoại đạo" không biết đâu mà lần, nhưng khi hiểu ra, thấy cũng vui vui.

Để giữ gìn sự trong sáng, ổn định của tiếng ta, nghĩ cũng nên hạn chế bớt những  từ, những ngữ tối nghĩa. Nhưng nếu khéo dùng đúng lúc, đúng chỗ, những từ tiếng lóng ấy lại trở nên đắt giá, sinh động, có giá trị tu từ.

Mỗi khi nghĩ đến hiện tượng tiếng lóng, tôi vẫn thấy hình ảnh thằng bé con mặt tươi hơn hớn, quàng dây thừng trên vai kéo xe cùng người lớn như con ngựa con lon ton chạy theo mẹ.

Bình luận của bạn

Bình luận