Một số trường hợp mắc đậu mùa khỉ được phát hiện trong cộng đồng đồng tính nam

Li Lê
23:22 - 26/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lần này có một số trường hợp được xác định trong các cộng đồng nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

Một đợt bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ hiện đang diễn ra ở nhiều quốc gia mà tại đó thông thường không có trường hợp mắc bệnh. Điều này đã gây ra tâm lý lo ngại, đặc biệt là đối với những người có người thân, hoặc cộng đồng bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.

Đặc biệt, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định nhiễm bệnh tại các phòng khám sức khỏe tình dục trong cộng đồng những người đồng tính nam, song tính và những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Người chuyển giới và đa dạng giới cũng có thể dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện trong cộng đồng đồng tính nam  - Ảnh 1.

Bệnh đậu mùa khỉ hiện đang diễn ra ở nhiều quốc gia mà tại đó thông thường không có trường hợp mắc bệnh.

WHO nhấn mạnh điều này không có nghĩa là chỉ nam giới có quan hệ tình dục đồng giới mới có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ, mà bất kỳ ai tiếp xúc gần với người nhiễm cũng đều có nguy cơ mắc bệnh.

Trong đợt bùng phát này, lý do khiến các nhà nghiên cứu của WHO nghe báo cáo về các trường hợp mắc bệnh đậu khỉ từ các phòng khám sức khỏe tình dục trong cộng đồng nam giới quan hệ tình dục đồng giới là do hành vi khám sức khỏe tình dục của nhóm nhân khẩu học này.

Thực tế, phát ban của bệnh đậu mùa khỉ khá giống với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như herpes, hay giang mai. Điều này có thể giải thích lý do tại sao những trường hợp mắc đậu mùa khỉ lại được phát hiện ra ở các phòng khám sức khỏe tình dục. 

Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu thêm về các trường hợp mắc bệnh tại đây, sau đó sẽ có thể xác định các trường hợp trong cộng đồng rộng lớn hơn. Việc tìm hiểu về bệnh đậu mùa khỉ sẽ giúp đảm bảo rằng càng ít người bị ảnh hưởng càng tốt và có thể ngăn chặn sự bùng phát.

Tuy nhiên, trước hết, để có biện pháp phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ một cách tốt nhất, mọi người dân đều cần được thông tin đầy đủ và hiểu về cách thức lây truyền, những dấu hiệu cũng như biện pháp, phòng tránh, điều trị khi mắc bệnh. 

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện trong cộng đồng đồng tính nam  - Ảnh 2.

Một phần mô da được lấy từ vết thương trên da của một con khỉ đã bị nhiễm virus đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Nó được gọi là bệnh đậu mùa khỉ vì nó được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Sau đó, bệnh mới được phát hiện ở người vào năm 1970 tại 11 quốc gia Châu Phi – Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Bờ biển Ngà (Côte d’Ivoire), Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone, và Nam Sudan.

Thỉnh thoảng, các ca bệnh cũng được phát hiện ở các nước khác. 

Trong tháng 5/2022, nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ đột nhiên được ghi nhận ở một số nước không có bệnh lưu hành. Đáng chú ý là điều này không phải là điển hình của các xu hướng trước đây của bệnh đậu mùa khỉ. 

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết và phát ban, hoặc những tổn thương trên da. 

Phát ban thường bắt đầu trong vòng 1-3 ngày sau khi bắt đầu sốt. 

Những tổn thương trên da có thể phẳng, hoặc hơi gồ lên, bên trong chứa đầy chất dịch trong suốt, hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô và bong ra. Số lượng những vết tổn thương trên da của một người có thể từ vài đến vài nghìn nốt. 

Những nốt phát ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Nó cũng có thể được tìm thấy trên miệng, bộ phận sinh dục và mắt. 

Phát ban đậu mùa khỉ đôi khi có thể bị nhầm với bệnh giang mai, hoặc mụn rộp. Các triệu chứng thường kéo dài từ 2-4 tuần rồi tự biến mất mà không cần điều trị. Ở một số người miễn dịch kém có thể xuất hiện triệu chứng nặng hơn, hoặc bệnh có thể dẫn đến các biến chứng y khoa, gây tử vong nhưng rất hiếm. 

Đường lây lan của bệnh đậu mùa khỉ 

Những người bị bệnh đậu mùa khỉ có khả năng lây nhiễm khi họ có các triệu chứng (thường là từ 2-4 tuần). Bạn có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ khi tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng. Tiếp xúc với nốt phát ban, các chất dịch cơ thể như dịch, mủ, hoặc máu từ các tổn thương da người nhiễm bệnh và vảy da đặc biệt dễ lây nhiễm bệnh. 

Quần áo, ga trải giường, khăn tắm, hoặc các đồ vật như dụng cụ ăn uống, bát đĩa đã bị nhiễm virus do tiếp xúc với người bị bệnh cũng có thể khiến người khác lây bệnh khi tiếp xúc.

Các vết loét, tổn thương, hoặc vết loét trong miệng cũng có thể dẫn đến lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây lan qua nước bọt. Do đó, những người tiếp xúc gần với người có khả năng lây nhiễm, bao gồm nhân viên y tế, các thành viên trong gia đình và bạn tình đều có nguy cơ bị lây nhiễm đậu mùa khỉ cao hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện trong cộng đồng đồng tính nam  - Ảnh 3.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ được chụp trên bàn tay của một bệnh nhân mắc bệnh vào năm 2003, ở Mỹ. Trong hầu hết các trường hợp, căn bệnh này gây sốt và gây đau đớn, mọc mụn nước đầy mủ. (Ảnh: CDC/Getty)

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua đường tình dục không?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua tiếp xúc da kề da khi quan hệ tình dục. 

Nốt phát ban đậu mùa khỉ đôi khi được phát hiện trên bộ phận sinh dục và cả trong miệng. Dấu hiệu này có nguy cơ lây truyền khi quan hệ tình dục. 

Tiếp xúc miệng với da cũng có thể gây lây truyền đâu mùa khỉ, đặc biệt là tại những vị trí da hoặc miệng bị tổn thương. 

Bạn nên tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai có triệu chứng. 

Hiện vẫn chưa biết liệu bệnh đậu khỉ có thể lây lan qua tinh dịch hoặc dịch âm đạo hay không. Tuy nhiên, những người có các triệu chứng bệnh nên tránh quan hệ tình dục với người khác cho đến khi chúng ta biết nhiều hơn về căn bệnh này. Ngay cả khi đã khỏi bệnh, nên tiếp tục sử dụng bao cao su để phòng tránh. 

Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan qua các hình thức tiếp xúc gần gũi khác, chứ không chỉ qua quan hệ tình dục.

Tự bảo vệ mình khỏi bệnh đậu mùa khỉ

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ bằng cách tránh tiếp xúc gần gũi, bao gồm cả quan hệ tình dục với những người đã nghi ngờ, hoặc được xác định mắc bệnh.

Nếu bạn cần tiếp xúc gần với người có triệu chứng, hãy khuyến khích họ tự cách ly, hoặc che hết những vết thương ngoài da của họ bằng cách quấn băng nhẹ, hoặc phủ quần áo lên vùng phát ban. 

Khi tiếp xúc gần, cả hai nên đeo khẩu trang y tế. Tuyệt đối tránh tiếp xúc da kề da và sử dụng găng tay dùng một lần nếu bạn cần tiếp xúc trực tiếp vào các vết thương của đối phương.

Bên cạnh đó, bạn cần thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và nước, hoặc nước rửa tay có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, quần áo, ga trải giường, khăn tắm và các vật dụng hoặc bề mặt khác mà họ đã chạm vào, hoặc có thể đã tiếp xúc với những vết phát ban, hay dịch tiết từ đường hô hấp của họ (ví dụ: đồ dùng, bát đĩa). 

Bạn nên giặt quần áo, khăn tắm, ga trải giường và rửa sạch dụng cụ ăn uống bằng nước ấm và chất tẩy rửa. Bạn cũng cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những đồ vật trên; làm sạch và khử trùng mọi bề mặt bị ô nhiễm và xử lý chất thải bị ô nhiễm một cách thích hợp.

Nên làm gì nếu nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Nếu bạn cho rằng mình có các triệu chứng, hoặc từng tiếp xúc gần với người bị bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn, xét nghiệm và chăm sóc y tế.

Nếu có thể, hãy tự cách ly và tránh tiếp xúc gần với người khác, đồng thời thực hiện những việc đã nêu trên.

Có vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ không?

Hiện đã có một số loại vaccine phòng bệnh đậu mùa cũng mang lại khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ. Một loại vaccine mới hơn đã được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN – còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) đã được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ và hiện chưa được phổ biến rộng rãi. 

WHO hiện đang làm việc với nhà sản xuất để nâng cao khả năng tiếp cận. Những người đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa trước đây cũng sẽ có khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ. 

Vaccine gốc phòng bệnh đậu mùa hiện không còn được cung cấp cho công chúng và những người dưới nhóm tuổi 40 – 50 hầu như chưa được tiêm phòng do công tác tiêm phòng bệnh đậu mùa đã chấm dứt vào năm 1980, sau khi bệnh này trở thành bệnh đầu tiên được thanh toán. Một số nhân viên phòng xét nghiệm, hoặc cán bộ y tế có thể đã được tiêm phòng bằng một loại vaccine đậu mùa được sản xuất gần đây hơn.

Nguồn: WHO