Nghị quyết hợp lòng dân - Lịch sử là môn học bắt buộc

Việt Dương
08:29 - 17/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chiều 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Nghị quyết đề cập đến một vấn đề được nhân dân mong đợi: Môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông.

Trình bày dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: "Đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về môn học Lịch sử là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông".

Nghị quyết hợp lòng dân - Lịch sử là môn học bắt buộc- Ảnh 1.

Sách giáo khoa liên tục thay đổi. Ảnh: IT

Quốc hội yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá; trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.

Thông tin trên được các báo đồng loạt đăng tải, khiến dư luận vô cùng phấn khởi.

Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra Chương trình và sách giáo khoa năm học mới, trong đó có nội dung đối với cấp Trung học phổ thông, môn học Lịch sử là môn tự chọn, dư luận nhân dân và nhiều người làm giáo dục đã dậy sóng. Nhiều ý kiến phản đối gay gắt trên các diễn đàn chính thống và trên mạng xã hội.

Ban soạn thảo sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra sức giải thích rằng, chương trình không bỏ môn Lịch sử, rằng kiến thức lịch sử đã được phổ cập trong 9 năm ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức lịch sử trong hai cấp học ấy là đủ. Và rằng, kiến thức lịch sử không chỉ có trong sách giáo khoa mà còn hàm chứa trong nhiều bộ môn nghệ thuật khác như điện ảnh, sân khấu, văn học ...   

Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV coi môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong Chương trình Trung học phổ thông được nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

Ai cũng biết rằng, kiến thức về lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới là nền tảng bồi đắp nên lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần rất quan trọng để giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, hình thành ý thức công dân, nhân cách cho mỗi người trong xu thế toàn cầu hóa theo phương châm "hòa nhập nhưng không hòa tan". Thiếu kiến thức nền ấy, khi lớn lên, tâm hồn và nhân cách các em học sinh sẽ có thể phát triển lệch lạc.

Thực trạng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông nhiều năm qua được coi là bức tranh tối màu. Phần lớn học sinh không thích học Lịch sử, có nguyên nhân chủ yếu do quan điểm, phương pháp và năng lực của người biên soạn chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử không đáp ứng được yêu cầu. Nội dung sách khô khan, phương pháp dạy phụ thuộc vào nội dung ấy cứng nhắc, người học phải thuộc tên sự kiện, ngày tháng... một cách cơ học mà thiếu sự tương tác sinh động giữa thày và trò. Không nhiều giáo viên tìm cách "chữa" nỗi sợ môn Lịch sử cho học sinh bằng những bài giảng sinh động.

Nghị quyết hợp lòng dân - Lịch sử là môn học bắt buộc- Ảnh 2.

Rất cần tổ chức cho học sinh đi thực tế tại bảo tàng, khu di tích để các em có kiến thức sinh động, chân thực về các sự kiện lịch sử . Ảnh: NVCC/Ban Quản lý Chương trình ETEP/Bộ Giáo dục và Đào tạo

Được biết, ở một nước phát triển, khi dạy về giai đoạn những năm 1950 - 1960, giáo viên ra yêu cầu: Các em hãy về nhà hỏi bố mẹ, ông bà xem những năm ấy cuộc sống như thế nào, rồi hôm sau dến lớp cùng kể lại cho các bạn nghe. Và tất nhiên, với sự dẫn dắt của giáo viên, bài học lịch sử đã thật sự in sâu vào trí nhớ học sinh một cách sống động.

Vấn đề là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải khẩn trương tổ chức biên soạn lại nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử. Đồng thời, Bộ cũng phải khẩn trương đỏi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt với bộ môn Lịch sử, sao cho thày thích dạy và trò thích học.

Nói như Giáo sư Phạm Tất Dong, nhân dân "không chấp nhận những sách giáo khoa làm ra để kinh doanh".