Một ngày "đẫm máu" của thị trường chứng khoán
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/4, thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc ngày khốc liệt với 517 cổ phiếu giảm, VN-Index mất 88 điểm.

Thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng tiêu cực với lệnh áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters
Thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ sau lệnh thuế của Mỹ
Chỉ số VN-Index lao dốc, chốt phiên tại 1.229,84 điểm, giảm gần 88 điểm, tương đương giảm 6,68%. Vốn hóa thị trường "bốc hơi" khoảng 500.000 tỉ đồng. Đây là mức giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên sàn HOSE, có 517 mã cổ phiếu giảm giá, trong khi đó, chỉ có 13 cổ phiếu tăng giá.
Chỉ số HNX-Index giảm 17,18 điểm, tương ứng giảm 7,22% xuống 220,95 điểm và UPCoM-Index giảm 8,06 điểm, tương ứng giảm 8,17% xuống 90,58 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đồng loạt giảm mạnh, các ngành trụ cột như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép... đều "đẫm máu". Trong khi đó, các cổ phiếu công nghệ, như FPT, VNZ không dừng đà đi xuống.
Nhóm ngành dệt may ghi nhận nhiều mã bị ảnh hưởng tiêu cực, như MSH, STK, HTG, GIL, TCM. Một số cổ phiếu ngành bất động sản như BCM, KBC, GVR ghi nhận giảm sàn.
Trước áp lực bán tháo, dòng tiền mua vào tăng mạnh. Tổng cộng toàn thị trường có hơn 44.000 tỉ đồng gom mua cổ phiếu. Đây là giá trị giao dịch cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, VN-Index vừa có phiên điều chỉnh mạnh nhất trong lịch sử "về điểm số tuyệt đối" (82,28 điểm). Về điểm số tương đối, VN-Index mất 6,24% - gần biên độ dao động tối đa là 7% theo quy chế giao dịch của HoSE. Tuy nhiên, xét theo tiêu chí này, đây chưa phải phiên giảm mạnh nhất của chỉ số.
Trong lịch sử, thị trường từng có những phiên giảm mạnh hơn về điểm số tương đối như ngày 10/9/2001 (giảm 6,89%), ngày 3/10/2001 (giảm 6,45%) và ngày 1/10/2001 (giảm 6,3%).
Tuy nhiên, thời điểm năm 2001, thị trường chứng khoán Việt Nam còn sơ khai, khi chỉ có 5 mã chứng khoán và VN-Index chỉ hơn 200 điểm.
Lần gần nhất VN-Index giảm trên 6% là phiên 9/3/2020 khi lần các thông tin đầu tiên về dịch COVID-19 xuất hiện tại Hà Nội. Từ đó đến nay, thị trường từng có thêm vài phiên bán tháo quyết liệt khi xuất hiện những thông tin tiêu cực về kinh tế, lãnh đạo các ngân hàng và doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, mức điều chỉnh chỉ khoảng 5%.
Thị trường chứng khoán châu Á rung chuyển theo mức thuế của Mỹ
Thị trường chứng khoán châu Á chìm trong "biển đỏ" nhưng với biên độ giảm trên 6%, Việt Nam vẫn là nước có chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất trong khu vực.
Chỉ số chứng khoán Nhật Bản giảm khoảng hơn 3%. Trong khi chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc là Shanghai Composite giảm 0,51%.
Ngược lại, một số thị trường vẫn đi lên dù cũng chịu ảnh hưởng từ thuế đối ứng của Mỹ như chứng khoán Lào tăng 0,74%; Jarkarta Composute của Indonesia tăng 0,59%...
Chứng khoán toàn cầu cũng giảm rất mạnh trong ngày 3/4. Có thời điểm, chỉ số Dow Jones tương lai sụt 1.069 điểm, tương đương giảm 2,5%. S&P 500 tương lai mất 3,6% và Nasdaq tương lai sụt 4,5%.
Cổ phiếu của các công ty đa quốc gia giảm la liệt, như Nike và Apple giảm khoảng 7%. Tuy nhiên, mức giảm lớn nhất rơi vào các công ty kinh doanh hàng hóa nhập khẩu ở Mỹ như Five Below giảm 14%, Dollar Tree giảm 11%, Gap giảm 8,5%... Cổ phiếu công nghệ cũng không nằm ngoài xu thế bán tháo khi tâm lý lo ngại rủi ro tăng cao khi Nvidia giảm 5% và Tesla giảm 7%.
Diễn biến tiêu cực lan rộng trên thị trường chứng khoán sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hàng loạt chính sách thuế mới. Theo đó, ông Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và mức cao hơn với nhóm đối tác thương mại lớn nhất, bao gồm Việt Nam ở mức 46%.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google