Đồi chè Mộc Châu – mùa hái búp xanh
Xuân này, khắp thảo nguyên Mộc Châu (Sơn La) trải dài một màu xanh ngút ngàn của cây chè. Cây chè đang là sinh kế chính của hơn 10 nghìn người dân ở Ít Ong, Quỳnh Nhai hơn 10 năm trước đã nhường đất cho Lòng hồ thuỷ điện Sơn La.
Cách đây hơn chục năm, hơn 10 nghìn người "vì dòng điện ngày mai của Tổ Quốc" nhường đất cho Lòng hồ Thuỷ điện Sơn La ở các huyện Ít Ong, Quỳnh Nhai di dân lên Mộc Châu có cuộc sống rất khó khăn. Bà con đa phần là đồng bào các dân tộc Thái, Si La, La Ha nên hầu như không biết gì đến việc trồng chè và nuôi bò sữa theo như quy hoạch của Nhà nước.
Thậm chí, thời đó, có nhà khoa học khi đi khảo sát thực tế đã phải thốt lên rằng: "Mộc Châu có chè siêu củi và bò siêu xương", ý nói bà con trồng chè thì chè chỉ cho củi, còn nuôi bò thì bò gầy trơ xương.
Nhưng, trải qua hơn 10 năm nỗ lực của chính quyền địa phương, cây chè đã ăn sương bám rễ, hợp thổ nhưỡng nên sinh trưởng tốt, cho những vụ thu hoạch bội thu. Ngay từ năm 2011, chính quyền huyện Mộc Châu đã đào tạo, hướng dẫn bà con các xã Tân Lập, Phiêng Luông, thị trấn Nông Trường… các quy trình, chăm sóc, thu hái cây chè.
Nhớ lại thời đó, chị Vi Thị Minh (dân tộc Thái ở xã Tân Lập) nói rằng, nghe chính quyền tuyên truyền, mở lớp tập huấn về cách chăm sóc cây chè và thu hái, bà con tái định cư chúng tôi không tin lắm vì việc này, phụ nữ người Thái chúng tôi chưa làm bao giờ.
Còn chị Lò Thị Mín, cũng mới di dân từ Lòng hồ Thuỷ điện Sơn La lên Mộc Châu thì tự ti cho biết: "Lúc đó, tôi không biết chữ, chính quyền bảo tôi đi học thì khó khăn lắm. Thấy bà con nô nức đi, tôi cũng mạnh dạn tham gia".
Tâm tư của chị Minh, chị Mín cũng là tâm trạng chung của hàng nghìn người các dân tộc Thái, Mông, La Ha khi đó, bởi, những người phụ nữ này chỉ quen việc đi rừng, trồng cây lúa nương nên chăm sóc một loài cây công nghiệp như chè chưa từng làm bao giờ.
Tuy nhiên, vừa học, vừa thực hành, bà con được lên tận đồi chè, được cán bộ nông nghiệp chỉ tận tay cách tưới tiêu, cách chăm sóc và thu hái. Đặc biệt, cùng với hàng trăm lớp tập huấn được tổ chức thì diện tích chè được trồng ở Mộc Châu ngày càng tăng lên. Từ 80 ha ban đầu, đến nay toàn huyện Mộc Châu đã có 2.000ha chè đang trong thời điểm thu hoạch.
Ngoài ra, cùng với diện tích chè ngày càng gia tăng, bà con di dân ở vùng tái định cư Mộc Châu lại nhìn thấy nhiều nhà máy thu hái chế biến chè mọc lên như nấm. Chị em càng vững tin rằng, cây chè chính là sinh kế của mình.
Ngay từ năm 2010, huyện Mộc Châu đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch, an toàn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất chế biến nên mùa thu hái chè nên không chỉ còn vụ Xuân nữa. Giờ đây, trước nhu cầu của thị trường và cách chăm sóc cây chè khoa học, chị em phụ nữ Mộc Châu đã có 12 vụ hái chè trong vòng một năm.
Chị Hoàng Thị Dẫn (Dân tộc La Ha) cho biết: "Trước khi lên vùng tái định cư mới, nhà tôi chỉ độc canh lúa nương, mỗi năm một vụ nên không đủ ăn. Giờ đây, mỗi năm tôi có 12 vụ thu hái chè. Nếu tính cả diện tích nhà tôi trồng 1,7 ha thì mỗi tháng, từ cây chè nhà tôi có thu nhập khoảng 12 triệu đồng".
Ngoài mô hình nhà chị Dẫn thì chị Lò Thị Lan ở thị trấn Nông Trường lại có sinh kế từ cây chè theo một cách khác. Nhà chị Lan không tham gia trồng chè nhưng vợ chồng chị đều là công nhân của Công ty chè Cờ Đỏ. Chị Lan nằm trong đội hái chè, còn chồng chị làm công nhân đứng máy sao chè. Mỗi tháng, tổng thu nhập của gia đình cũng được 12 triệu, đủ để trang trải cuộc sống và nuôi con cái học hành. Chị Lan cho biết: "Từ khi làm công nhân, tôi được đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, báo hiểm y tế…. Khi ốm đau đi khám bệnh không mất tiền, cuộc sống này tôi chưa từng mơ ước khi ở quê cũ".
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, huyện Mộc Châu đẩy mạnh loại hình du lịch nông nghiệp là tham quan đồi chè và trực tiếp tham gia thu hái. Nhiều chị em phụ nữ ở Mộc Châu đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch, hướng dẫn du khách cách hái, sao chè. Nói về vấn đề này, chị Tống Thị Lẳng vui vẻ thống kê: "Này nhé, nhà tôi có hơn 1ha chè, mùa Xuân này khách vào tham quan, chụp ảnh, hướng dẫn du khách hái chè mỗi ngày cũng mang đến thu nhập 300 nghìn. Cộng với việc thu hái búp bán cho nhà máy, nhà tôi cũng có tích luỹ và nuôi hai con đang học đại học dưới Hà Nội".
Sinh kế của những người dân đã nhường đất cho "dòng điện của Tổ Quốc" được đảm bảo và ngày càng phát triển.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google