Mở rộng hợp tác công tư sẽ giúp sân Mỹ Đình hồi sinh

PV
16:18 - 15/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cũng là cách huy động nguồn lực xã hội hiệu quả. Trong khi chỉ trông chờ ngân sách nhà nước gặp nhiều hạn chế về vốn và quản lý thì những kênh huy động và sử dụng nguồn vốn tư nhân sẽ đồng thời giải quyết được nhiều bài toán.

Mở rộng hợp tác công tư sẽ giúp sân Mỹ Đình hồi sinh - Ảnh 1.

Sân Mỹ Đình với thảm cỏ xanh mượt là điều người hâm mộ bóng đá Việt Nam mong đợi. Ảnh: VFF

Cần sự tham gia của doanh nghiệp, tư nhân vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội

Nhiều nước trên thế giới, phần lớn các sân vận động đều được nhà nước giao quyền quản lý khai thác cho các câu lạc bộ hoặc tư nhân khai thác và vận hành.

Ngày 6/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu tình trạng xuống cấp của sân vận động quốc gia Mỹ Đình và nhấn mạnh: Khi xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, chúng ta học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhưng khi tính toán nguồn lực để thực hiện quy hoạch cần đặt trong hoàn cảnh của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực hiện nay.

Ông Ngân thấy "rất đau xót" khi nhìn mặt sân Mỹ Đình, vị đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu như ở sân vận động Mỹ Đình có sự hợp tác công tư, giao cho khu vực tư quản lý sẽ khác. Hiện trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa có áp dụng trong lĩnh vực thể thao, văn hóa. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, thành phố Hồ Chí Minh đang xin thí điểm, xây dựng cơ chế áp dụng PPP cho lĩnh vực thể thao, văn hóa.

Khi có sự tham gia đầu tư, doanh nhân hay doanh nghiệp luôn tìm cách khai thác tốt nhất. Ngoài việc khai thác, cũng cần phải quan tâm đến lợi ích cộng đồng, hài hòa giữa lợi ích và nghĩa vụ.

Việc trao quyền quản lý, khai thác không có nghĩa là thả nổi, các hoạt động vẫn phải chịu sự ràng buộc bởi những quy định pháp lý. Vấn đề đặt ra là làm sao hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang), Uỷ viên Uỷ ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho biết "Khi so sánh với một số sân vận động quốc gia của Thái Lan, Malaysia, Indonesia… tôi thấy rằng mặt sân của họ đảm bảo tốt màu xanh của cỏ, riêng mặt sân của ta, cỏ cháy vàng. Điều này không ổn, cho nên cần phải đầu tư cho bộ mặt của một sân vận động cấp quốc gia. Trong đó nên để doanh nghiệp tư nhân vào khai thác, đầu tư cho sân, đảm bảo chất lượng, bộ mặt quốc gia, khi phải tiếp đón các đội tuyển nước ngoài đến thi đấu", ông Sinh nói.

Hình ảnh mặt sân xuống cấp, các thiết bị cũ kỹ và xuống cấp của Sân vận động Mỹ Đình thời gian gần đây không khỏi khiến nhiều người xót ruột và đặt câu hỏi, làm thế nào để sân bóng tầm cỡ quốc gia luôn đẹp. Huy động nguồn lực nào để làm việc này, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước nhưng xã hội vẫn có những sản phẩm chất lượng phục vụ người dân?

Hợp tác công tư không chỉ lĩnh vực giao thông, mà cần nhân rộng

Câu chuyện gắn với thời sự về việc vận hành sân vận động quốc gia Mỹ Đình cũng như các công trình văn hóa, thể thao khác có thể xem là chìa khóa đổi mới về huy động nguồn lực, quản lý, vận hành các công trình loại này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến câu chuyện sân Mỹ Đình cũng như một số công trình khác như công viên Thống Nhất. Theo Thủ tướng, các cấp các ngành cần nghĩ rộng ra, vấn đề hợp tác công tư không chỉ lĩnh vực giao thông, mà hợp tác công tư cần nhân rộng ở quản lý công viên, trụ sở, sân vận động…

Những gì tư nhân làm tốt, làm hiệu quả thì Nhà nước để tư nhân làm, Thủ tướng nêu rõ. Theo ông, 3 mô hình đã được chứng minh có hiệu quả trong thực tế, đẩy mạnh hợp tác công tư là: Lãnh đạo công và quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công.

Trước đó ngày 4/1, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề cập đến tình trạng sân vận động Mỹ Đình khi nói về đẩy mạnh hợp tác công tư.

"Tối 3/1, khi tới xem bóng đá ở sân vận động Mỹ Đình, tôi cũng trao đổi với các đồng chí có liên quan về khai thác hợp tác công-tư hiệu quả ở sân vận động này". Thủ tướng chia sẻ.

Theo Thủ tướng, dư địa thúc đẩy hợp tác công tư còn rất lớn để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhưng hiện nay, thể chế cho hợp tác công-tư còn hạn chế so với sự vận động, phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.

Nguồn: Tổng hợp