Mo Mường ở Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

PV
20:15 - 09/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 154/QĐ-BVHTTDL ghi danh tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai thuộc thành phố Hà Nội vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường là nghi lễ dân gian độc đáo, được sử dụng trong các tang lễ hay nghi thức cầu sức khỏe, bình an của đồng bào dân tộc Mường, mang đậm giá trị nhân sinh quan đặc sắc, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân xứ Mường.

Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy mo thực hiện. Con người Mường từ khi sinh ra, lớn lên đến lúc qua đời phải trải qua nhiều sự kiện lớn, trong các sự kiện đó luôn có sự hiện diện của mo.

Mo Mường ở Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Theo quan niệm của người Mường, Mo nuôi dưỡng tâm hồn người Mường khi sống và dẫn dắt linh hồn họ về với tổ tiên khi qua đời. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trong các bài văn vần, thơ mo chứa nhiều câu chuyện cổ, truyền thuyết dân gian, thần thoại, sử thi. Các câu chuyện đó phản ánh lịch sử, giải thích sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thời xa xưa.

Mo Mường gồm 3 phần chính cấu thành: lời mo, diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, trong đó lời mo gắn liền với người diễn xướng chiếm vị trí quan trọng nhất.

Hiện nay, Mo Mường được sử dụng chủ yếu trong các tang lễ hay nghi thức cầu sức khỏe, bình an của người Mường.

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, di sản Mo Mường hiện có tại 7 tỉnh, thành phố là Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Hà Nội.

Mo Mường ở Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2.

Ông Mo không chỉ là người đi làm lễ để nhận về một phần gạo, xôi, thịt mà còn được coi là người có năng lực thông quan với thế giới vô hình và đóng vai trò làm cầu nối giữa người sống với người chết, giữa cõi sống tạm thời với cõi chết vĩnh hằng. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Riêng tại Hà Nội, tập quán được thực hiện tại nhiều xã có người Mường sinh sống thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai. 

Mo Mường có nhiều tên gọi khác nhau như: bài cúng ma - cúng giỗ của dân tộc Mường tại các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, huyện Ba Vì; tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai; nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất…

Theo kết quả đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội”, hiện trên địa bàn Hà Nội chỉ còn 7 thầy mo đang thực hành mo Mường thường xuyên. Người cao tuổi nhất là ông Đinh Công Sinh ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì, 86 tuổi, còn người trẻ tuổi nhất là anh Đinh Xuân Nam ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, 28 tuổi.

Trước thực trạng này, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp bảo tồn Mo Mường. Thành phố đang phối hợp với các ban, ngành Trung ương, các cơ quan liên quan và địa phương có di sản Mo Mường xây dựng bộ hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc -  UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp. Việc ghi danh di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng nằm trong lộ trình cần có để tiến tới hoàn thiện hồ sơ quốc gia về di sản Mo Mường đề nghị UNESCO ghi danh di sản.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố các quyết định ghi danh 9 di sản ở các tỉnh, thành phố vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm:

Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu ở Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam;

Lễ hội Kỳ Yên, đình Dĩ An, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương;

Lễ hội đình Thần Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang;

Lễ hội đền Hóa Dạ Trạch, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên;

Lễ hội đền Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên;

Lễ hội Thái bình xướng ca, xã Thanh Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định;

Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam, thị xã Tân Châu và huyện An Phú, tỉnh An Giang;

Nghệ thuật sân khấu Dì Kê của người Khmer, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang;

Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai, xã Phước Hòa, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.