Miếng pho mát trong cái bẫy hoàn hảo của Mr Pips Phó Đức Nam
Đang có rất nhiều "Mr Pips" hay "Mr Hunter" tồn tại ở nhiều cấp độ và khuynh đảo xã hội. Có thể nói, đây là những "nghệ sĩ" trong rất nhiều vở kịch với nhiều loại mặt nạ khác nhau...
Tuy nhiên, dù tồn tại dưới dạng nào thì điểm chung của những "nghệ sĩ" này đều là đánh vào "sự kỳ vọng" - hoặc nói thẳng là lòng tham của nạn nhân.
Biết tin tôi về thăm quê, người anh họ đăm chiêu tìm đến và hỏi: Anh nhận được tin trúng thưởng xe máy. Anh đã đến tận nơi, nhưng người ta nói là cần nộp ít tiền thuế. Anh đã nộp mà mãi không nhận được xe. Tôi hỏi anh nhiều điều, trong đó vấn đề mấu chốt là: Anh có mua xổ số, mua hàng theo chương trình khuyến mại… không? Tôi biết câu trả lời tất nhiên là "Không".
Rồi tôi lại hỏi: Anh nghĩ mà xem. Anh không tham gia mua bán bất kỳ thứ gì, và tự dưng người ta cho không anh cái xe máy mấy chục triệu. Anh nghĩ họ có bị điên không?
Cũng ở quê tôi, nhiều nhóm người tìm về rồi thông qua "ai đó", mời dân làng đến một địa điểm để nghe "giới thiệu sản phẩm" và tặng hàng khuyến mãi. "Ai đó" ở đây sẽ được trả công đi mời và hoa hồng theo thỏa thuận. Tại đây, sau khi cho tặng những thứ chẳng đáng tiền, nhóm người này bắt đầu "đại hạ giá", "siêu khuyến mãi", "ưu đãi người già"… các loại hàng hóa.
Họ đưa ra mức giá trên trời, nhưng dẫn dụ người mua với mức giá rất thấp và với cơ hội "chỉ một lần duy nhất", chỉ với "sản phẩm duy nhất"… Thậm chí ai đó muốn mua nhưng thiếu tiền mà ai đó có khả năng cho vay thì họ tặng luôn người cho vay 20% số tiền cho vay. Tất nhiên là khi nhóm người này đã cao chạy xa bay thì người dân làng tôi mới biết mình… bị lừa bởi những thứ phế phẩm.
Người thân của tôi được mời tham gia nhóm hoàn toàn không liên quan đến đầu tư hay mua bán. Sau một thời gian trải nghiệm, "quản trị nhóm" mời… nâng cấp để tham gia các phòng VIP với một khoản đặt cọc nho nhỏ để "cấp mật khẩu" và được hưởng một mức lãi nhất định. Sau mỗi lần đặt cọc, "mật khẩu VIP" được cấp và trải nghiệm nhóm cũng thú vị hơn hẳn.
Đặc biệt, nhóm cũng thực hiện trả gốc và lãi rất sòng phẳng. Cho đến khi "phòng VIP lên hạng", số tiền cọc cũng cao hơn theo "kỳ vọng lãi suất" thì "mật khẩu VIP" bắt đầu trục trặc. "Quản trị nhóm" cho rằng có thể người dùng đã gõ sai mật khẩu nên tiền cọc bị treo; cần nạp thêm tiền để "lấy lại mật khẩu" và khoản tiền bị treo… Và cái kết như bạn đọc có thể đoán ra: Khi nạn nhân biết mình bị lừa thì lập tức bị "đá" khỏi nhóm và mất tiền.
Trở lại với các thủ đoạn của nhóm Tik Toker Mr Pips (Phó Đức Nam) và Mr Hunter (Lê Khắc Ngọ) mà cơ quan chức năng vừa vạch trần. Có thể nói chiêu trò của hai "nghệ sĩ" này không quá đặc biệt; có chăng, sự khác biệt ở đây là sự hào nhoáng quá mức và quy mô "sân khấu" hoành tráng.
"Sân khấu" ở đây là hệ thống website, văn phòng rộng khắp và số lượng nhân viên lên đến cả ngàn người. Sự hào nhoáng thì đã quá… lộ liễu, đó là những siêu xe, khối vàng, đống tiền và cuộc sống sanh chảnh.
Thêm nữa là những lời hứa hẹn mức lợi nhuận hấp dẫn, khẳng định không có rủi ro và cam kết bảo hiểm 100% vốn. Để xây dựng một cái "bẫy" hoàn hảo với những con mồi, Nam thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, sự kiện, và khóa học đầu tư trực tuyến, xây dựng hình ảnh bản thân như một doanh nhân thành công trong lĩnh vực chứng khoán quốc tế.
Tại đây, các khóa đào tạo trực tuyến về phương pháp đầu tư "kiếm tiền dễ dàng" luôn được đề cập nhằm kích thích nạn nhân nạp tiền. Sau khi "con mồi" rơi vào bẫy, nhóm này sử dụng các mạng xã hội, hội nhóm để tiếp cận, đóng giả chuyên gia tài chính hoặc nhà đầu tư khác nhằm tăng niềm tin...
Và đúng như phân tích của Thượng tá Cao Văn Thái (Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hà Nội): Nhóm lừa đảo của Nam và Ngọ "quảng cáo" tốt hơn những nhóm tội phạm khác (nên) chính những hình ảnh về cuộc sống hào nhoáng và xa hoa của Mr Pips và Mr Hunter trên mạng xã hội đã khiến nạn nhân tin rằng đầu tư vào họ sẽ nhanh giàu có, sớm trở thành "đại gia".
Xâu chuỗi các "loại hình sân khấu" mà các "nghệ sĩ" lừa đảo đang diễn thì thấy nạn nhân có thể là bất kỳ ai; từ người nghèo ở nông thôn, cho đến học sinh, sinh viên tham gia hội nhóm hay ngay cả những người giỏi giang đầu tư, làm ăn, kinh doanh và đã có… rất nhiều tiền. Song, cũng với sự xâu chuỗi này thì điều dễ nhận thấy trong mọi vở kịch luôn là "lợi ích đi kèm". Và thực tế là đứng trước lợi ích hấp dẫn thì… ai cũng có thể bị lừa; nhất là tâm lý… liều ăn nhiều.
Hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và chứng kiến nhiều hoàn cảnh bị lừa, tôi phải thường xuyên cảnh báo người thân. Chính vì thế mà cũng rất tình cờ, khi tôi đang viết bài báo này thì nhóm mấy đứa cháu tôi - những người sinh sống gần khu nhà Lê Khắc Ngọ và từng nhiều lần hỏi han, kể chuyện về sự giàu có của Ngọ cũng như những người liên quan nói với tôi: Chúng cháu "ai đồ" (thần tượng) mãi Ngọ (Lê Khắc Ngọ). Thậm chí có đợt còn hỏi dò để tìm kiếm mối liên hệ kết nối làm ăn. Nay mới biết: Tự dưng giàu đều là ảo hết.
Và tôi nhớ có lần mẹ tôi hỏi: Vậy làm thế nào để phòng, tránh, vì mẹ già rồi mà ngày thường vẫn gặp rất nhiều những lời mời mọc hấp dẫn như vậy.
Tôi nói với mẹ tôi, điều mà tôi đã nhận được từ chính những bài học trong cuộc sống và từ những người bạn hiểu chuyện, những người thầy thông tuệ mà tôi may mắn gặp trên đường đời: Cái gì không phải của mình thì đừng lấy và đừng tiếc khi thấy người khác có được thứ đó, vì trước sau, nó cũng rời bỏ bạn. Và tuyệt đối không được tham thứ người lạ mang cho, hay những thứ mang lại lợi ích bất thường mà ta không cần phải bỏ công gắng sức để có được.
Chẳng phải ngạn ngữ nước ngoài vẫn có câu "Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột" đó sao!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google