Miễn, giảm học phí nhưng không chặn đứng lạm thu thì cũng vô ích
Miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp là việc làm thiết thực, nhân văn. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự có ý nghĩa thì đòi hỏi các cơ quan quản lí giáo dục phải ngăn chặn được vấn nạn lạm thu.
Từ năm học 2023-2024, tỉnh Quảng Bình không thu học phí đối với bậc mầm non, phổ thông công lập theo Chương trình giáo dục phổ thông.
Trước Quảng Bình, nhiều tỉnh, thành khác cũng đã miễn, giảm học phí cho học sinh như thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Kạn, thành phố Hải Phòng,… Và mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chi 237 tỷ đồng miễn học phí cho học sinh từ lớp 6-9.
Việc miễn, giảm học phí luôn nhận được nhiều sự quan tâm của cả xã hội. Bởi vì, hầu hết mọi gia đình đều có con, em theo học từ bậc mầm non đến phổ thông. Nhiều ý kiến cho rằng, việc miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp là việc làm thiết thực, nhân văn.
Thế nhưng, chuyện lạm thu ở trường học thực sự trở thành "vấn nạn", đã tồn tại dai dẳng từ hàng chục năm qua, nhưng các cơ quan quản lí ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ, thậm chí một số nơi có dấu hiệu buông lỏng quản lí.
Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi đầu năm học là phụ huynh lại lao đao, choáng váng, oằn vai "cõng" hàng chục khoản phải đóng bên cạnh tiền học phí theo quy định. Có thể liệt kê hàng loạt khoản thu vô lối như: hỗ trợ xây dựng, vệ sinh; giấy kiểm tra; quỹ cha mẹ học sinh; tin nhắn; kĩ năng sống (có nơi gần như ép buộc); ngoại khoá (thực chất là du lịch trá hình);…
Đáng nói, không ít khoản tiền mang danh là thu hộ, chi hộ nhưng việc thu chi rất bất minh khiến phụ huynh bức xúc. Chẳng hạn, tiền điện; bảo trì máy lạnh; đồng phục; STEM;… Những khoản này, nếu chia trung bình thì phụ huynh phải đóng hàng trăm nghìn đồng mỗi tháng.
Một giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, học sinh đóng tiền STEM 100.000 đồng/tháng nhưng các em chỉ được học 1 tiết/tuần. Tính ra, một tiết học phụ huynh phải đóng cho giáo viên ở trung tâm liên kết khoảng 1000.000 đồng – đây là một khoản tiền rất lớn so với đồng lương eo hẹp của giáo viên.
Trong khi đó, tiền học phí của học sinh hiện nay chẳng đáng là bao, chủ yếu vẫn do Nhà nước trợ cấp. Ví dụ, mức học phí hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh từ lớp 6-9 là 30.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh, tuỳ từng nhóm.
Kể từ năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh. Thành phố cho rằng, qua 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ học phí hợp với lòng dân, tạo sự an tâm và động lực cho phụ huynh, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đối phó với dịch bệnh.
Mặt khác, học sinh an tâm tới trường, không phải bỏ học vì điều kiện kinh tế không có khả năng đóng học phí.
Tuy vậy, không riêng gì Thành phố Hồ Chí Minh, miễn, giảm học phí ở các địa phương phải phải đi đôi với việc diệt vấn nạn lạm thu, nói thẳng là phải chống đến cùng tham nhũng trong giáo dục.
Đáng nói, ngành giáo dục năm nào cũng hô hào "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", rồi thì "xử lí trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu" nếu để xảy ra lạm thu. Nói nhiều nhưng thực hiện chẳng được bao nhiêu, lạm thu vẫn hoành hành như một sự thách thức trước pháp luật.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google