Mẹ kỳ tài sinh con nhân tài

Nguyễn Thị Nhi
01:19 - 29/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đó là bà Nhữ Thị Thục - thân mẫu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là  nhà văn hóa lớn, nhà thơ, bậc hiền triết, người thày, cây đại thụ tỏa bóng suốt cả thế kỷ XVI trong lịch sử dân tộc Việt  Nam . Ông đỗ Trạng nguyên, sau đó chính ông lại đào tạo ra những Trạng nguyên khác, để lại cho đời một đội ngũ tri thức kiệt xuất. 

Nhắc đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta không thể không nhắc tới công lao dạy dỗ của thân mẫu ông, bà Nhữ Thị Thục, một người mẹ nhân hậu, một người thày thông minh, lỗi lạc.

Mẹ kỳ tài sinh con nhân tài - Ảnh 1.

Bà Nhữ Thị Thục - người mẹ kỳ tài. Ảnh: Vanhoaphuongdong.vn

Bà Nhữ thị Thục người làng An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng). Bà là con gái quan Thượng thư, Tiến sĩ Nhữ Văn Lan nổi tiếng một thời về liêm khiết và trung trực. Hầu hết các sách viết về tiểu sử, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đều nhắc đến tài học, chí lớn và công lao dưỡng dục của Từ Thục phu nhân. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi căn cứ vào sách “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt phả ký” (Nguyễn Văn Đạt là tên khai sinh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã khẳng định: Thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm là người thông minh, học rộng, giỏi văn chương, thông kinh sử, lại tinh thông cả lý số, thiên văn, đảm lược và có ý chí của bậc trượng phu.

Vì có chí phò vua giúp nước cho nên bà muộn lấy chồng, khi gặp ông Nguyễn Văn Định có tướng sinh quý tử mới lấy. Tương truyền, bà đã tính toán cẩn thận ngày giờ hợp cẩn và sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nhỏ đã được mẹ hát ru bằng những câu dân ca hoặc những vần thơ do bà sáng tác, khi ông lên 4 tuổi, bà đem kinh truyện dạy cho con. Bà có đến hàng trăm bài thơ để dạy con, từ việc chơi bi, chơi diều, đánh cờ, cách làm người... Tất cả góp phần hun đúc nên Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà thơ- nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Xưa nay các tác giả nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đánh giá cao vai trò của bà Nhữ Thị Thục trong việc hình thành phẩm cách, tài năng, trí tuệ mẫn tiệp và cách ứng xử tài tình của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại Hội thảo khoa học “Vai trò của người mẹ và dòng họ ngoại với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm”, cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nhận xét: Bà Nhữ Thị Thục- thân mẫu danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong ba người phụ nữ nổi tiếng, tài trí hơn người của Việt Nam ở thế kỷ XVI (Trạng nguyên Linh phi Nguyễn Thị Duệ, Quận công Nhữ Thị Thuận và phu nhân Nhữ Thị Thục).

Mẹ kỳ tài sinh con nhân tài - Ảnh 2.

Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: VnExpress

Bà là người có tầm nhìn chiến lược, đã có công lao to lớn trong việc nuôi dạy, giáo dục con. Dân gian còn lưu giữ nhiều giai thoại về tài năng, đức độ, chí hướng của bà. Ngay cả Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài Tựa Bạch Vân am cũng đã khẳng định công lao cũng như nhiệt tâm của người mẹ trong việc dạy dỗ con trở thành nhân tài cho đất nước.

Họ Nhữ là một dòng họ có truyền thống khoa bảng, mở đầu từ Tiến sĩ Nhữ Văn Lan, thân phụ của bà Nhữ Thị Thục. Về sau, hậu duệ của ông di cư về Hoạch Trạch (nay là xã Thái Học, Bình Giang, Hải Dương). Con cháu họ Nhữ vẫn tiếp nối được truyền thống cha ông, trong dòng họ có tới 5 người đỗ Tiến sĩ. Nguyễn Bỉnh Khiêm được thừa hưởng “gien văn hóa” của họ ngoại.

Sinh ra từ dòng họ khoa bảng, lớn lên từ truyền thống hiếu học của gia đình và quê hương, bà Nhữ Thị Thục không chỉ giỏi văn chương, am tường lịch sử và tinh thông thuật số mà còn là người mẹ biết truyền cho con toàn bộ tâm nguyện, khí phách làm người bằng phương pháp dạy dỗ nghiêm cẩn và lối sống mực thước của mình. 

Bà đã và mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.


Nguồn: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam