Mấy ai muốn đến nơi không còn lưu giữ ký ức?

Văn Cường
10:58 - 08/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Giá trị di sản văn hoá tuy không dễ nhận thấy, nhưng rất bền vững. Vì nó tác động vào tình cảm con người, tiếp nối ký ức qua nhiều thế hệ. "Khai thác ký ức" cũng là cơ hội vàng giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới bên ngoài nhanh và hiệu quả nhất.

Mấy ai muốn đến nơi không còn lưu giữ ký ức?- Ảnh 1.

Một góc khách sạn Continental Sài Gòn có mặt tiền nằm trên đường Đồng Khởi. Ảnh: V.C.

Bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững luôn cần thiết. Nó không chỉ làm giàu thêm bản sắc cho địa phương, mục đích cuối cùng còn phục vụ phát triển kinh tế và làm đẹp cảnh quan đô thị.

Đường Đồng Khởi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là con đường từng được coi là đẹp nhất và sang trọng bậc nhất của Sài Gòn hoa lệ, nơi lưu giữ ký ức khó quên của thành phố.

Con đường dài chưa tới cây số, bắt đầu từ ngã tư Nguyễn Du và kết thúc ở đường Tôn Đức Thắng. Trên con đường này có nhiều khách sạn, cửa hàng, hiệu sách, quán cà phê… thuộc loại sang trọng, để lại dấu ấn khó phai trong tâm trí nhiều thế hệ người Sài Gòn và người từng đến Sài Gòn. Trong số đó, nhiều địa chỉ đã trở thành biểu tượng văn hóa. Quán cà phê Givral là một ví dụ - quán này đã bị đập bỏ cách đây mấy năm.

Lúc Givral không còn nữa, nhiều người tỏ ra tiếc nuối, cho rằng Givral không chỉ là quán cà phê, nó là một phần của lịch sử - văn hóa Sài Gòn. 

Givral được một thương nhân người Pháp Alain Poitier khai sinh từ năm 1950, tại một địa chỉ mà trước đó là nhà thuốc tây Solirène khi con đường này còn mang tên Rue Catinat. 

Catinat là tên một tướng Pháp dưới thời Louis XIV, sau này là tên một chiến hạm (La corvette Catinat) tham dự trong trận đánh cảng Đà Nẵng (1858) và Sài Gòn (1859) của hải quân Pháp. Toàn quyền Nam kỳ là đề đốc De la Grandière, năm 1865, đổi tên đường Rue no.16 thành đường Catinat theo tên của chiến hạm này. Đến thời Việt Nam Cộng hòa Catinat đổi thành đường Tự Do và sau năm 1975 mang tên Đồng Khởi. 

Cà phê Givral cho tới lúc bị đập bỏ vẫn là nơi lui tới của giới chính khách, nghệ sĩ, du khách, đông nhất là giới văn sĩ, báo chí. Nơi đây tiểu thuyết gia lừng danh người Anh Granham Green từng nhiều lần lui tới và đưa Givral vào tiểu thuyết thuộc hàng Best seller "Người Mỹ trầm lặng". 

Năm 2001, đạo diễn Phillipe Noyce từng thuê hẳn mặt bằng cà phê Givral, dựng lại bối cảnh Sài Gòn của thập niên 60-70 để quay một cảnh trong bộ phim "Người Mỹ trầm lặng".

Mấy ai muốn đến nơi không còn lưu giữ ký ức?- Ảnh 3.

Những diễn viên, nghệ sĩ tên tuổi làm phim "Người Mỹ trầm lặng" trên đường phố.

Mấy ai muốn đến nơi không còn lưu giữ ký ức?- Ảnh 4.

Cảnh trong phim "Người Mỹ trầm lặng" quay tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau này, rất nhiều du khách, chính khách… đọc tiểu thuyết "Điệp viên hoàn hảo" của nhà sử học, giáo sư Larry Berman viết về vị tướng tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn đã đến Givral tìm cảm giác của Sài Gòn trước 1975. Người ta luôn có cảm giác rằng Givral chứa một phần lịch sử Sài Gòn. Ở chốn này có lý ức Sài Gòn, dù là thành phố có đổi thay đến đâu chăng nữa.

Khách sạn Continental Saigon cũng nằm trên con đường này nhưng sau nhiều lần trùng tu vẫn giữ lại kiến trúc cũ. Có lẽ, họ nhận ra "thương hiệu văn hóa" làm nên tên tuổi của Continental hơn 100 năm qua kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 1880 là một điều giá trị. Họ muốn lưu giữ những ký ức về sự kiện từng diễn ra ở đây, những nhân vật lừng danh thường lui tới chốn này, rồi cảnh quan, giá trị lịch sử… Trong đó có những nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (nhà thơ đoạt giải Nobel văn chương 1913), văn hào Pháp André Malraux, văn hào Anh Graham Greene. Đặc biệt là nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn từng có phòng làm việc tại khách sạn này.

Mấy ai muốn đến nơi không còn lưu giữ ký ức?- Ảnh 5.

GS. Larry Berman cùng Ban giám đốc khách sạn Continental Sai Gòn gắn bảng đồng trước phòng 307 – nơi nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn
làm việc trước 1975. Ảnh: Tư liệu


Việc khai thác các giá trị di sản văn hóa tuy không dễ nhận thấy, nhưng rất bền vững. Vì nó tác động vào tình cảm con người, tiếp nối ký ức qua nhiều thế hệ. Đây cũng có thể xem là cơ hội vàng giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới bên ngoài nhanh và hiệu quả nhất.

Mấy năm nay, đường Đồng Khởi được quy hoạch thành đường đi bộ thì ngay đầu đường cũng nên có bảng chỉ dẫn vắn tắt những "di sản văn hóa" trên con đường để du khách nhận biết. Chẳng hạn như lịch sử con đường, tên gọi qua các giai đoạn lịch sử, trước mỗi công trình kiến trúc lâu đời cũng nên có bảng ghi tóm tắt: năm xây dựng, kiểu kiến trúc, nhân vật nổi tiếng nào từng lui tới… 

Việc xây dựng các công trình mới trên con đường này cần đặt ra tiêu chí lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa. Vì kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy, ký ức và dấu ấn văn hóa lịch sử có giá trị nhiều hơn tiền bạc và vật chất hiện đại. 

Bởi nếu một thành phố không còn lưu giữ ký ức của chính nó thì mấy ai muốn đến đó làm gì?

Mấy ai muốn đến nơi không còn lưu giữ ký ức?- Ảnh 6.

Cafe Givral góc đường Đồng Khởi vang danh một thời. Ảnh: Tư liệu