"Ma Nhai kỷ công bi văn" - bảo vật quốc gia

Nguyễn Năng Lực
07:36 - 27/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sau võ công hiển hách ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông - đạo quân hùng mạnh nhất thế giới thời Trung cổ - Quốc gia Đại Việt bước vào thời kì xây dựng, củng cố nền độc lập tự chủ, giữ gìn bờ cõi, đánh đuổi ngoại xâm, thu hồi đất đai bị mất, thể hiện thanh thế của Nhà nước Đại Việt.

"Ma Nhai kỷ công bi văn" - bảo vật quốc gia - Ảnh 1.

Bia Ma Nhai trên vách núi Trầm Hương, Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Năng Lực

1 - Toàn bộ văn bia ngắn gọn, khắc sâu trên vách núi đá vôi, ngoảnh mặt trông ra sông Lam, là minh chứng cho hào khí Đông A cũng như ý chí quyết tâm bảo vệ bờ cõi của vương triều Trần và quân dân Đại Việt, đồng thời cũng là lời nhắc nhở, răn đe những tù trưởng hay thủ lĩnh có mưu đồ chống lại sự ổn định và thống nhất đất nước. Đây cũng chính là địa bàn Thành Trà Lân, nơi gần một thế kỷ sau, năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn dưới cờ Bình Định Vương Lê Lợi đã làm nên chiến công oanh liệt "Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay" đánh bại quân Minh xâm lược đồn trú tại đây.

2 . Theo  thống kê của Viện Viễn Đông Bác Cổ, tính đến năm 1945 ở nước ta đã tìm thấy 1.157 văn bia, chủ yếu là các văn bia có từ triều Lê và triều Nguyễn, hầu hết tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng. Tuyệt đại bộ phận những văn bia kể trên đều là những văn bia chế tác. Loại văn bia “Ma nhai” độc đáo (ma: mài, nhai: vách núi) là bia khắc trực tiếp lên núi đá không có nhiều. Những văn bia này thường ghi lại các cuộc hành quân hay tuần du của vua chúa, như bia Ma nhai “Thân chinh phục Lễ châu Đèo Cát Hãn” ở Lai Châu và Hòa Bình của vua Lê Thái Tổ, bia Ma nhai “Quế Lâm ngự chế” của Vua Lê Thái Tông hay các bài thơ khắc trên vách núi tại động Hồ Công của Vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Chúa Trịnh Sâm, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, đều từ Thế kỷ XV về sau.

3 - Đầu thế kỉ XIV, vùng đất phía tây nam Nghệ An luôn bị bọn nghịch đảng bên ngoài quấy phá, cướp đất. Năm 1335, triều đình cử Tể tướng Nguyễn Trung Ngạn làm Đốc phủ sứ vào Nghệ An dẹp loạn. Đích thân Hoàng đế Trần Hiến Tông cũng vào đốc chiến. Đại bản doanh đặt tại núi Cự Đồn, Mật Châu (nay là thôn Tiến Thành và thôn Thành Nam, xã Chi Khê, huyện Con Cuông).

Vì công việc của triều chính cấp bách, vua Trần Hiến Tông phải về Thăng Long. Sau đó, Thượng hoàng Trần Minh Tông (huý là Trần Mạnh Công, năm 1329 đã nhường ngôi cho con), tuy tuổi cao nhưng vẫn thân chinh lên Mật Châu, cùng Nguyễn Trung Ngạn dẹp giặc Bổng từ Ai Lao sang quấy phá. Với tài cầm quân của Thượng hoàng và Tể tướng, nhờ tướng lĩnh hợp lực, quan quân kiên cường, dũng cảm, chỉ một trận đầu đã làm cho nghịch Bổng thất điên bát đảo, "trông theo chiều gió mà chạy trốn".

"Ma Nhai kỷ công bi văn" - bảo vật quốc gia - Ảnh 2.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Hy (phải) hậu duệ đời thứ 26 củaTể tướng Nguyễn Trung Ngạn và tác giả. Ảnh: NL

Với chiến công này, tháng 12 nhuận năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ bảy (1335), Thượng hoàng Trần Minh Tông xuống chiếu lui quân, sai Nguyễn Trung Ngạn làm bài văn, đốc thợ mài đá núi, đục chữ ghi lại chiến công rạng rỡ trên vòm núi đá vôi ngay trên đất Mật Châu, gọi là “Ma Nhai kỷ công bi văn”. Trải gần 700 năm, bài văn khắc trên vách núi đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, như một thông điệp của tổ tiên truyền lại cho hậu thế về ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, về khát vọng thống nhất giang sơn, giữ yên bờ cõi của nhân dân Đại Việt. Đây là bài văn bia cổ nhất ở Việt Nam còn nguyên vẹn đến ngày nay.

4 - "Ma nhai kỷ công bi văn" là bài văn khắc trên vách núi cổ nhất ở nước ta, gần 700 năm qua, dù thời gian, mưa gió tác động vẫn vẹn nguyên.

Phiên âm Hán Việt bài văn bia Ma Nhai:

"Hoàng Việt Trần triều đệ lục đế, Chương Nghiêu Văn triết Thái thượng hoàng đế thụ thiên quyến mệnh, yêm hữu trung hạ, phổ hải nội ngoại võng bất thần phục, tối nhĩ Ai Lao, do ngạnh vương hoá. Tuế tại Ất Hợi quý thu, đế thân suất lục sư tuần vu tây bỉ. Chiêm Thành quốc thế tử, Chân Lạp quốc, Xiêm quốc cập man tù đạo thần Quỳ, Cầm, Xa, Lặc, tân phụ Bôi Bồn man, tù đạo Thanh Xa man chư bộ các phụng phương vật, tranh tiên nghênh kiến. Độc nghịch Bổng chấp mê uý tội, vị tức lai triều. Quý đông đế trú tất vu Mật Châu, Cự Đồn chi nguyên. Nãi mệnh chư tướng cập man di chi binh nhập vu kỳ quốc. Nghịch Bổng vọng phong bôn thoán, toại giáng chiếu ban sư. Thì Khai Hựu thất niên, Ất Hợi đông, nhuận thập nhị nguyệt nhật lặc thạch"

Bản dịch của Trần Trọng Kim trong "Việt Nam sử lược":

"Chương Nghiêu Văn triết Thái thượng hoàng là vua thứ sáu đời nhà Trần, nước Hoàng Việt, chịu mệnh trời nhất thống cõi trung hạ, trong đất ngoài bể đâu cũng thần phục. Nước Ai Lao nhỏ mọn kia dám ngạnh vương hoá; cuối mùa thu năm Ất Hợi vua thân đem sáu quân đi tuần cõi Tây, Thế tử nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, nước Xiêm La và tù trưởng các đạo Mán là Quỳ, Cầm, Xa, Lạc, tù trưởng rợ Bồn Man mới phụ và các bộ Mán Thanh Xa đều mang phương vật tranh nhau đến đón rước. Chỉ có tên nghịch Bổng cứ giữ mê tối, sợ phải tội chưa lại chầu ngay. Cuối mùa Đông, vua đóng quân ở cánh đồng Cự, thuộc châu Mật, sai các tướng và quân rợ mọi vào tận nước, nghịch Bổng theo gió chạy trốn. Vua mới xuống chiếu đem quân về. Lúc bấy giờ là ngày tháng Chạp nhuận năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ 7, khắc vào đá"

Bia Ma Nhai tuy chỉ gồm 14 dòng với 155 chữ khắc vào vách núi theo lỗi chữ Triện nhưng trải rộng trên một diện tích rất lớn (213cm x 155cm). Kích thước mỗi chữ trên bia to đạt mức kỉ lục, xứng đáng xếp vào hàng bia có nét chữ lớn nhất Việt Nam. Theo kết quả đo đạc, trung bình mỗi chữ có đường kính khoảng 10,5cm. Sách "Đại Nam nhất thống chí" chép: “Chữ to bằng bàn tay, khắc sâu vào đá hơn một tấc, nay hãy còn”.

"Ma Nhai kỷ công bi văn" - bảo vật quốc gia - Ảnh 3.

Ảnh: NL

5 - Tháng 8/2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận “Bia Ma Nhai” ở núi Thành Nam (nay thuộc địa phận thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, huyện Con Cuông) là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Từ thị trấn Con Cuông tới xã Chi Khê, rẽ vào dãy núi đá vôi khoảng 300m về phía Nam, ngước nhìn lên, có thể thấy văn bia được khắc vào vòm đá núi trước cửa hang. Trong hang bày một ban thờ sơn son thếp vàng đơn sơ, trên vòm hang treo tấm biển nền đỏ chữ vàng giới thiệu lịch sử di tích. Những mong chính quyền, nhân dân và ngành Văn hóa địa phương có biện pháp tu bổ, bảo quản để di tích bảo vật quốc gia được trường tồn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.


Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Ông là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, nhà thơ, nhà lập pháp, có tài kinh bang tế thế, là một trong mười "Người phò tá có công lao tài đức" đời Trần cùng với Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán (Nhân vật chí, Lịch triều hiến chương loại chí - Phan Huy Chú). Trải 4 đời vua, làm quan đến chức Nhập nội Hành khiển (Tể tướng), Nguyễn Trung Ngạn là một trong những danh nhân được thờ phụng nhiều nhất ở Kinh thành Thăng Long với 7 di tích trong khu vực phố cổ Hà Nội ngày nay và nhiều đến thờ ở những nơi ông trị nhậm, nhất là ở Nghệ An.


Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận