Luật Dầu khí (sửa đổi): Xem xét bổ sung quy định về giải quyết xung đột pháp luật

PV
15:15 - 15/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 15/6, tại Hội trường Diên Hồng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Xem xét bổ sung quy định về giải quyết xung đột pháp luật - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Luật Dầu khí được Quốc hội thông qua vào năm 1993 và đã trải qua hai lần sửa đổi vào năm 2000 và 2008. Đến nay, trước sự thay đổi toàn diện của ngành công nghiệp Dầu khí, nhiều quy định trong Luật hiện hành đã trở nên lỗi thời, thậm chí có những quy định vượt khung đã gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí...

Cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho sửa đổi Luật Dầu khí. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai ngay.

Việc sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, một trong những ngành quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

Việc xây dựng dự án Luật đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Xem xét bổ sung quy định về giải quyết xung đột pháp luật - Ảnh 2.

Ngành Dầu khí Việt Nam ngày càng vươn xa trong bối cảnh quốc tế nhiều phức tạp. Ảnh: IT

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhát là sự chồng chéo giữa Luật Dầu khí với nhiều luật khác có liên quan. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần phải giải quyết được xung đột, chồng chéo trong Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Trong đó, cần quy định rõ pháp luật nào được áp dụng đối với các nội dung về hoạt động dầu khí, vì điều tra cơ bản về dầu khí, về dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này. Cần xem xét quy định rõ trong dự thảo luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Theo đại biểu, trong dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí. Theo đó, quy định rõ việc lựa chọn nhà thầu dầu khí áp dụng theo quy định của Luật Dầu khí, không áp dụng Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư để lựa chọn nhà thầu dầu khí, bảo đảm việc áp dụng luật một cách thống nhất.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Quốc hội đã làm việc tích cực, dân chủ, nghiêm túc, khẩn trương, có 23 ý kiến phát biểu. Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có giải trình làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Các ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đồng bộ hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực hiệu quả trong quản lý nhà nước về dầu khí, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Nguồn: Cỏng thông tin điện tử Quốc hội
Bình luận của bạn

Bình luận