Bàn về Tiên tửu, Cuồng tửu, Dâm tửu, Tà tửu và Ngộ tửu

Lê Nguyên Hợp
10:25 - 10/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Có một dạo, ngộ độc rượu xảy ra liên tục ở nhiều địa phương. Hà Nội cũng đã có vài người chết vì ngộ độc rượu. Đây là loại rượu giả, được pha chế từ "rượu gỗ" methanol CH3OH, một hóa chất cực độc, chỉ một lượng cực nhỏ (0,1%) đã có thể gây mù mắt, lớn hơn sẽ gây chết người.

Bàn về Tiên tửu, Cuồng tửu, Dâm tửu, Tà tửu và Ngộ tửu- Ảnh 1.

Một bức tượng tạc thần rượu nho Dionysus. Nguồn: flickr.com

Những ngày gần đây, rượu lại là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, làm chết nhiều người. 

Rượu là tên do con người đặt ra để chỉ thứ nước cay cay, nồng ấm, làm say biết bao kiếp người từ cổ chí kim, ở mọi quốc gia, với mọi dân tộc. Có người cho rằng rượu đã có từ 6-7 ngàn năm nay. Chẳng có gì để khẳng định điều đó nhưng chắc chắn là rượu có trước con người, qua việc con người phát hiện ra sự lên men của hoa quả bị dập nát trong tự nhiên mà sinh ra rượu. 

Người Việt Nam không thờ thần rượu nho Dionysus như người Hy Lạp hay Bacchus như người La Mã, cũng không tôn là Thánh một ông Lưu Linh cả đời say lướt khướt như người Tàu, mặc dù người Việt đã uống rượu từ rất lâu đời. Sách "Lĩnh Nam chích quái" viết: "Buổi mới dựng nước... lấy hèm làm rượu gạo, lấy bột quang lang làm bánh...". 

Sau những buổi lao động cực nhọc ngoài đồng ruộng, trong những dịp lễ lạt, cưới hỏi, ma chay... người Việt thường uống rượu, mời nhau uống rượu. Người ngoài Bắc uống rượu nhiều vào mùa đông, khi đó trời lạnh giá, uống rượu sẽ làm ấm người và uống nhiều cũng ít bị say. Uống rượu trên Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai) thì dễ "quên say" lắm. Trong Nam, trời nóng quanh năm nên ban đêm là thời điểm ngừng việc làm để làm việc nhậu. Phần lớn phụ nữ Việt Nam không biết (hoặc không muốn) uống rượu, nhưng người nào đã uống thì cánh đàn ông đừng hòng dám tranh hơn thua. 

Các địa phương trên khắp Việt Nam đều có rượu ngon. Nhiều nơi cả làng, cả xã nấu rượu và rượu ngon tới mức được mang danh địa phương: Rượu Kim Sơn (Ninh Bình), rượu Làng Vân (Bắc Giang), rượu Lạc Đạo (Hưng Yên), rượu Bó Nặm (Bắc Cạn), rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), rượu Bắc Hà (Lào Cai), rượu Bàu Đá (Bình Định), rượu Gò Đen (Long An)... Đặc biệt là rượu cần, đặc sản của đồng bào dân tộc ít người ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Bắc và Tây Bắc. 

Phần lớn rượu được chế biến từ gạo, ngô, sắn, kê, bobo. Một số loại rượu được nấu từ mật mía, rỉ đường mía hoặc rượu không chưng cất mà lên men từ hoa quả (mít, sim, nho)... nhưng người Việt phần lớn thích uống rượu được chưng cất từ ngũ cốc và gọi đó là rượu quê, rượu ngang, rượu đế. Rượu được cho là ngon khi có độ tinh khiết cao (trong như mắt mèo), sủi tăm, thơm, cay nồng, êm và không gắt, không gây đau đầu. Rượu nấu từ gạo nếp thì thơm hơn, ngon hơn nấu từ gạo tẻ.

Vì sao đàn ông thích uống rượu?

Rượu giúp người ta giảm bớt mệt mỏi, quên đi nỗi sầu muộn và cũng giúp cho niềm vui thêm vui hơn. Với đàn ông, hiếu thắng đã là bản tính thì uống rượu hơn người cũng được xem là kẻ có bản lĩnh cao cường. Đã ngồi vào mâm rượu thì nhất định phải uống vì không uống sẽ bị bạn nhậu coi thường, bị xếp ở "chiếu dưới" và từ sau lần từ chối uống rượu đó sẽ ít được mời tụ tập nữa. 

Hiếm có ông nào có thể nói nhiều, nói suốt ngày, hết chuyện nọ sang chuyện kia mà thường là mọi niềm vui, nỗi buồn, những băn khoăn, trăn trở đều giấu kín trong lòng. Nhờ có rượu, đàn ông trở nên cởi mở hơn để giãi bày suy nghĩ. Khi đã uống sương sương, các ông thường mạnh bạo chạm chén và đồng thanh "không say không về", hệt như người vùng cao vẫn nói "Bố mau bố mừa". 

Đơn giản hơn là đối với những người có chất giọng khê nồng và nốt nhạc bẻ tư không biết, thì rượu cũng cho họ lòng dũng cảm để cất lời trong những buổi vui karaoke. Đối với người lính ở sa trường xưa, rượu vừa giúp khuây khỏa nỗi nhớ gia đình, quê hương vừa giải tỏa được nỗi buồn chiến tranh: "Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" (Sa trường say ngủ xin anh chớ cười, Xưa nay chinh chiến có mấy người về đâu).

Tùy cách uống rượu mà cánh đàn ông tự chia thành nhiều loại. Khi có rượu, tâm hồn các nghệ sĩ bay bổng sẽ sáng tác được những vần thơ, những áng văn chương, những khúc nhạc tuyệt vời: Văn Cao với chén rượu trên tay, bên chiếc dương cầm đã để lại cho đời những nhạc phẩm bất hủ. Với người thường thì khi đó cũng nói những lời hay ý đẹp hoặc đơn giản hơn là đi...ngủ. Những người bạn hiểu tâm sự của nhau, rượu không làm họ say: "Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu" (Uống rượu với bạn tri kỷ thì nghìn chén vẫn ít), họ chỉ uống rượu khi có bạn: "Rượu ngon không có bạn hiền / Không mua không phải không tiền không mua" (Nguyễn Khuyến), đó là Tiên tửu

Uống rượu để vui vẻ, phấn khích hơn, để giải tỏa mệt nhọc, tăng thêm sinh lực cho một ngày lao động mới... đó là Tục tửu (Tục là tầm thường, thông thường - danh từ. Không phải là thô tục, tục tĩu - tính từ). 

Nếu uống mà say khướt (không kể uống nhiều hay ít chén) rồi đập làng phá xóm, chửi vợ đánh con, nói năng bạt mạng, hành động lỗ mãng, phóng xe điên cuồng thì đó là Cuồng tửu, là kẻ nát rượu, luôn bị người đời khinh bỉ. Trong Cuồng tửu, người ta còn căn cứ vào hành động, lời nói của kẻ uống rượu mà chia nhỏ nữa, thành các loại Dâm tửu, Tà tửu, Ngộ tửu... Chính vì những tác hại khôn lường do những kẻ để cho rượu sai khiến nên uống rượu là một giới trong ngũ giới của nhà Phật.

Uống rượu thế nào cho đúng cách?

Khi uống rượu, Tiên nhiều, Tục lắm song Cuồng cũng không ít. Mà sự đời thì thường cái hay, cái tốt ít được nhớ; cái dở, cái xấu lại sống dai như cỏ dại. Vì thế, người uống rượu cũng phải cố mà tu luyện mới có thể thành Tiên tửu. 

Khác với thuốc lá toàn mang tác hại thì rượu lại có nhiều lợi ích. Rượu có mặt trong hầu hết các hoạt động của đời sống con người: Trong các lễ, hội, trên mâm cơm thờ cúng tổ tiên, trong hôn lễ (rượu hợp cẩn), trong chế biến thực phẩm, trong thuốc thang... Do vậy, khó có thể loại bỏ rượu được. 

Trừ những người tu hành, những người là Phật tử thì mọi người đều có thể được uống rượu. Vấn đề là phải biết chừng mực, căn cứ vào nồng độ nặng, nhẹ của loại rượu đang uống và tửu lượng của riêng mình mà uống. 

Đừng nên ép nhau uống. Đừng nên uống đến say bí tỉ suốt ngày. Đừng nên uống khi làm việc. Đặc biệt là không được uống khi lái xe, vì khi đã uống mà lái xe là lúc đem tính mạng mình, tính mạng của nhiều người trên xe và rất nhiều người trên đường để đánh đố với thần chết. Đừng nên... 

Nói chung là đừng nên uống quá sức mình bởi vì cái gì quá cũng không tốt. Kể cả tốt quá, có đúng vậy không nhỉ?