Lồng ghép kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa cho học sinh
Tại phiên họp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện phòng cháy, chữa cháy với các bộ ngành, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã chỉ đạo các địa phương lồng ghép việc phổ biến kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Sáng 14/6, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức, Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống và chữa cháy giai đoạn 2020-2022" tổ chức phiên họp của Đoàn giám sát làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế.
Xây dựng 3 bộ tài liệu, giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, tại phiên họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 99/2029/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống và chữa cháy giai đoạn 2020 - 2022.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó chú trọng "lồng ghép việc phổ biến kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học".
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, tổ chức xây dựng 3 bộ tài liệu, giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm trong cơ sở giáo dục cho bậc học mầm non, bậc tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được các địa phương tích cực triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục. Cụ thể như các cơ quan, cơ sở giáo dục đều xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy, thành lập đội phòng cháy, chữa cháy, đội xung kích thanh niên của trường sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy nổ xảy ra. Cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn chủ động kiểm tra nguồn điện khi sử dụng và hết giờ làm việc.
Tăng cường giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các địa phương và các bộ ngành liên quan
Bên cạnh những kết quả đạt đươc, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm và đề xuất với Quốc hội cần tăng cường giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các địa phương và các bộ ngành liên quan.
Đối với các bộ ngành Trung ương, đề nghị Bộ Công an tăng cường phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành các tài liệu và triển khai tổ chức tập huấn đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục…
Cũng tại phiên họp, đại diện Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống và chữa cháy giai đoạn 2020 - 2022.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google