Loạt sai phạm của 5 nhà máy điện gió Gia Lai
Thanh tra Chính phủ phát hiện, chỉ rõ sai phạm tại 5 dự án điện gió tại tỉnh Gia Lai. Đồng thời yêu cầu tỉnh Gia Lai tiếp tục kiểm tra, chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận số 263, ngày 19/7, về việc Thanh tra trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thời kỳ thanh tra từ năm 2016-2020.
Dự án điện gió Gia Lai, có trường hợp nhượng cổ phần sau 1 tháng được cấp phép đầu tư
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai phạm của 5 dự án điện gió tại Gia Lai. Cụ thể, dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi do Công ty Cổ phần điện gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Công ty điện gió 1) và dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên do Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông làm chủ đầu tư (Công ty điện gió 2); công suất mỗi dự án là 50MW, tổng mức đầu tư 2 dự án nói trên lần lượt là 1.916 tỉ đồng và 1.917 tỉ đồng và được xây dựng tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. Điểm chung của cả 2 công ty là đều đăng ký vốn điều lệ là 25 tỉ đồng, cổ đông chi phối là bà Nguyễn Thị Sen - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chè Bàu Cạn.
Trong quá trình triển khai dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai và các sở ngành chức năng không tổ chức thẩm định năng lực tài chính của Công ty Điện gió 1 và Công ty Điện gió 2, đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 325 và Quyết định số 326 ngày ngày 21/7/2020 cấp chủ trương đầu tư trong khi chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính (không có tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, không có tài liệu chứng minh vốn góp chủ sở hữu 20% tổng mức đầu tư của dự án), vi phạm quy định pháp luật.
Dẫn đến sau khi được cấp chủ trương đầu tư, chưa hoàn thành thủ tục đất đai, chưa đầu tư nhưng trong vòng 1 tháng, 2 công ty điện gió trên đã bắt đầu chuyển nhượng cổ phần. Đến tháng 11/2021, 2 công ty này đã bán 99,7% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (Công ty EPVN W2 (HK) Company Limited).
Bên cạnh đó, chủ đầu tư sử dụng lao động nước ngoài thực hiện các công việc về xây dựng mà lao động trong nước hoàn toàn đủ điều kiện nhưng không báo cáo và cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý, không xử phạt vi phạm.
Tới nay hai dự án chậm tiến độ, hết thời hạn đầu tư nhưng cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, không tham mưu thu hồi tiền ký quỹ 16 tỉ đồng. Tại dự án này, cơ quan chức năng chỉ ra chủ đầu tư cũng sai phạm khởi công dự án khi chưa được bàn giao đất thực địa, chưa thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công làm ảnh hưởng đến công tác bồi thương, chưa đủ khởi công theo quy định.
Để xảy ra sai phạm tại các dự án điện gió Gia Lai, trách nhiệm thuộc về ai?
Ngoài hai dự án trên, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra loạt sai phạm tại 3 dự án điện gió: nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai; dự án nhà máy điện gió Chơ Long; dự án nhà máy điện gió Yang Trung.
Dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phong điện Gia Lai làm chủ đầu tư tại xã Chư Krey và Yang Trung, huyện Kông Chro, công suất 100MW, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư không tổ chức thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư nhưng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cấp chủ trương đầu tư (không có tài liệu chứng minh vốn góp chủ sở hữu tương đương 20% tổng mức đầu tư dự án).
Ngoài ra, dự án này không nằm trên các xã Yang Bắc, An Thành, Hà Tam (huyện Đăk Pơ) theo Văn bản 795/TTg-CN, 991/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ nhưng các sở, ngành vẫn tham mưu và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ra quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, bổ sung phần diện tích các xã Yang Bắc, An Thành, Hà Tam mà không xin ý kiến của Thủ tướng, dẫn đến việc một phần dự án thực hiện trên đất không có quy hoạch năng lượng.
Dự án nhà máy điện gió Chơ Long (công suất 155MW, tổng mức đầu tư 6.246 tỉ đồng) và dự án nhà máy điện gió Yang Trung (công suất 145MW, tổng mức đầu tư 6.593 tỉ đồng) xây dựng tại huyện Krông Chro, quá trình thực hiện các dự án này, chủ đầu tư không có vốn góp chủ sở hữu tương ứng với 20% tổng mức đầu tư.
Người đại diện pháp luật 2 dự án này là ông Nguyễn Nam Chung có vi phạm về sử dụng đất và đã bị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình xử lý năm 2020 về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích (xây dựng cây xăng, siêu thị không phép) nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cấp chủ trương đầu tư là thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định.
Đặc biệt, chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án khi chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho thuê đất là hành vi chiếm đất bị nghiêm cấm, chưa được bàn giao đất ngoài thực địa, chưa phê duyệt thiết kế kĩ thuật, bản vẽ thi công và không thực hiện lập kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi thực hiện dự án nhưng cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý.
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cấp chủ trương đầu tư dự án có 98.533,1m2 đất quy hoạch lâm nghiệp là không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, chủ đầu tư đã thi công dự án điện gió trên đất quy hoạch lâm nghiệp trước khi chuyển mục đích sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai nhưng cơ quan chức năng của tỉnh buông lỏng quản lý, không phát hiện xử lý theo quy định.
Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm để xảy ra các sai phạm nói trên thuộc về Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; Ủy ban nhân dân huyện Chư Prông, Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro; Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công thương và các tổ chức, cá nhân liên quan qua các thời kỳ.
Để phục vụ điều tra, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp các thông tin, tài liệu các dự án điện gió trên để làm rõ, xử lý theo pháp luật.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google