Loại ngân hàng câu hỏi thi khỏi danh mục bí mật quốc gia tiềm ẩn gia tăng tội phạm

Phan Anh
14:12 - 25/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Việc ngân hàng câu hỏi bị loại khỏi danh mục bí mật quốc gia sẽ tạo kẽ hở cho nhiều người sử dụng các câu hỏi này mà không lo vi phạm.

Loại ngân hàng câu hỏi thi khỏi danh mục bí mật quốc gia tiềm ẩn gia tăng tội phạm - Ảnh 1.

Loại ngân hàng câu hỏi ra khỏi danh mục bí mật quốc gia tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tội phạm trong lĩnh vực này. Minh hoạ: IT/image

Ngân hàng câu hỏi bị loại khỏi danh mục bí mật quốc gia

Ngày 31/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2016/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong ngành giáo dục và đào tạo.

Theo đó, tại khoản 5 Điều 1 quy định danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật trong ngành giáo dục và đào tạo gồm các tin, tài liệu thuộc phạm vi sau:

"Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án, thang điểm bài thi, địa điểm ra đề thi, địa điểm sao in đề thi và các tài liệu liên quan đến các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố."

Tuy nhiên, từ năm 2020, các tài liệu liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã bị đưa ra khỏi danh mục này.

Cụ thể, theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 10/6/2020, danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo chỉ còn: "Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai."

Một chuyên gia khảo thí đã từng phân tích: "Quyết định số 59/2016/QĐ-TTg quy định rõ "các tài liệu liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia" là bí mật Nhà nước độ tối mật – là rất chặt chẽ.

Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông quy định rõ "thư ký sử dụng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được xây dựng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi làm nguồn tham khảo để soạn thảo đề thi". Như vậy, rõ ràng ngân hàng câu hỏi phục vụ cho việc ra đề là tài liệu liên quan đến kỳ thi.

Đến năm 2020, quy định này đã bị gỡ bỏ. Điều này tạo điều kiện cho ngân hàng câu hỏi có thể được thoải mái lưu hành ở nhiều nơi, giáo viên luyện thi thoải mái sử dụng các câu hỏi này luyện cho học sinh mà không vi phạm gì.

Ngoài ra, nhiều ý kiến của giáo viên, chuyên gia giáo dục đánh giá việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành quy chế bảo mật khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và loại ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khỏi danh mục các tài liệu liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một vấn đề cần xem lại.

Bộ Công an kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân vi phạm

Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập, sơ hở, thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trên thực tế đã có những bất thường trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 khiến Bộ Công an khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Sự việc liên quan tới 2 cựu nhà giáo đã bị khởi tố. Vấn đề là một quy định quan trọng đã bị bỏ đi tạo nên lỗ hổng lớn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo đó, tháng 6/2022, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, đã khởi tố điều tra vụ án hình sự án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Kết quả điều tra xác định ngoài hành vi sai phạm của bị can Bùi Văn Sâm và bị can Phạm Thị My (nguyên là giáo viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trong quá trình tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, Cơ quan điều tra còn phát hiện một số tồn tại, bất cập, sơ hở, thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cụ thể, quá trình điều tra xác định trong thời gian tham gia các công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa năm 2021, tại đợt 1 và đợt 2, bị can Phạm Thị My đã mang các thông tin, tài liệu liên quan đến ngân hàng câu hỏi ra khỏi khu vực quy định, vi phạm quy định của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi và các quy định về bảo mật tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để xảy ra hành vi vi phạm này, ngoài yếu tố chủ quan từ việc bị can Phạm Thị My đã không chấp hành các quy định, cam kết về công tác bảo mật thì cũng có trách nhiệm của cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát được phân công trong các đợt công tác và trách nhiệm chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Đồng thời, nguyên nhân cũng do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản hướng dẫn, phân công công việc, trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân tham gia công tác giám sát, chưa có biện pháp chủ động trong công tác phòng ngừa các vi phạm của thầy cô giáo khi tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi.

Trong quá trình tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ ra đề thi năm 2019, ông Đỗ Thế Chuẩn, cán bộ Trung tâm khảo thí quốc gia, đã thực hiện việc chỉnh sửa phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi để đạt được yêu cầu rút tổ hợp câu hỏi thi theo chỉ đạo của ông Sái Công Hồng, khi đó là Trưởng Ban chỉ đạo công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Việc chỉnh sửa đã làm thay đổi cơ chế rút đề của phần mềm từ ngẫu nhiên thành rút theo thứ tự sắp xếp ưu tiên, ông Chuẩn đã báo cáo ông Hồng về việc này qua email nhưng ông Hồng không có ý kiến chỉ đạo, nên sau đó phần mềm đã bị chỉnh sửa vẫn được sử dụng trong quá trình ra đề thi tại Hội đồng ra đề từ 2019 đến 2021, không theo cơ chế ngẫu nhiên, vi phạm quy chế thi các năm 2019 đến 2021.

Cơ quan an ninh điều tra cho biết, việc chỉnh sửa phần mềm làm mất tính năng rút ngẫu nhiên của phần mềm, sau đó được sử dụng để hỗ trợ công tác ra đề thi trong khu vực cách ly là không đảm bảo quy định của Quy chế thi và tạo ra sơ hở để các bị can lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Việc phân công nhiệm vụ cho các chuyên gia, giáo viên viên tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cũng chưa hợp lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công các thầy cô giáo vừa làm công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi vừa tham gia công tác ra đề thi là chưa khách quan, dễ dẫn đến lộ lọt thông tin, tài liệu liên quan đến các câu hỏi.

Để khắc phục những sơ hở, thiếu sót và tồn tại nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân vi phạm về quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đồng thời, kết quả thực hiện đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi để Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an biết phục vụ việc xử lý vụ án.