Lộ trình Ukraine thành ứng cử viên EU trở nên ngắn nhất trong lịch sử

Trúc Phong
10:02 - 24/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/6 vừa qua đã chính thức trao tư cách ứng cử viên EU cho hai quốc gia là Ukraine và Moldova. Gruzia - quốc gia nộp đơn cùng với Moldova vào ngày 3/3 chưa được chấp nhận.

Lộ trình Ukraine trở thành ứng cử viên EU trở nên ngắn nhất trong lịch sử - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: VOV

Theo tin TASS đã đưa, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/6 vừa qua đã trao tư cách ứng cử viên EU cho Ukraine. Với quyết định này, Ukraine đã trở thành ứng cử viên EU có thời gian được xem xét, chấp nhận tư cách ứng viên ngắn nhất trong lịch sử. Bắc Macedonia nhận được quyền ứng cử trong 21 tháng. Còn với Ukraine, quá trình này chỉ kéo dài bốn tháng. Ngày 1 tháng 3 năm 2022, EU nhận được đơn xin gia nhập của Ukraine theo thủ tục đẩy nhanh. 

Quyết định này của EU được đánh giá là động thái thể hiện sự ủng hộ dành cho Kiev và Chisinau trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Hội đồng châu Âu thông báo: "Hội đồng châu Âu gồm các nhà lãnh đạo EU (EUCO) vừa ra quyết định cấp quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine và Moldova. Một thời khắc lịch sử. Ngày hôm nay đánh dấu một bước tiến quan trọng trên lộ trình hướng tới EU của các bạn. Chúc mừng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Moldova Maia Sandu, cũng như nhân dân Ukraine và Moldova. Tương lai của chúng ta song hành cùng nhau".

Tư cách ứng viên là bước khở đầu cho quá trình đàm phán để trở thành thành viên EU. Sau khi nhận được tư cách ứng cử viên, nước này bắt đầu đàm phán gia nhập EU. Tuy nhiên, Brussels cũng lưu ý rằng Kiev sẽ chỉ có thể tham gia Liên minh sau khi xung đột vũ trang kết thúc.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của EU về việc nhất trí chấp thuận cấp quy chế ứng cử viên cho nước này, gọi đây là "một thời khắc độc nhất và mang tính lịch sử" trong mối quan hệ giữa Kiev và liên minh gồm 27 quốc gia thành viên. Trên trang Twitter cá nhân, ông Zelensky chia sẻ: "Tương lai của Ukraine là nằm trong EU".

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Andriy Yermak khẳng định, Kiev sẽ nỗ lực hết sức để nhanh chóng thực thi kế hoạch cho phép triển khai tiến trình đàm phán gia nhập EU.

Theo tin đã đưa của TASS, người đứng đầu Hội đồng châu Âu, Charles Michel, gọi việc trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine là "một thời khắc lịch sử". Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lưu ý , Ukraine, cũng như Moldova và Gruzia, hiện cần "làm rất nhiều bài tập về nhà" để thực hiện những cải cách quan trọng và tiến xa hơn trên con đường gia nhập EU. Bà nhấn mạnh rằng những cải cách mà Brussels yêu cầu đối với các quốc gia này "không chỉ cần thiết cho việc gia nhập, mà còn sẽ đóng góp vào sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh của các quốc gia này."

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với những người tham gia Hội nghị thượng đỉnh EU rằng nước này có khả năng trở thành thành viên đầy đủ của cộng đồng.

Quốc gia ứng cử viên phải đưa luật pháp của mình càng gần với quốc gia châu Âu càng tốt và phải được sự chấp thuận của Ủy ban châu Âu và chỉ có thể trở thành thành viên đầy đủ của EU sau khi nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên. 

TASS đưa tin cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng quá trình Ukraine gia nhập EU có thể sẽ kéo dài trong nhiều thập niên. Thủ tướng của một nước ứng cử viên khác - Albania - Edi Rama cho rằng cũng không nên ảo tưởng rằng sự hội nhập sắp xảy ra: "Bắc Macedonia đã là ứng cử viên trong 17 năm, nếu tôi không nhầm, và Albania đã được tám năm". Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên bang Nga Dmitry Medvedev chắc chắn rằng, việc kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu chỉ thực sự có thể xảy ra vào giữa thế kỷ này.

Hội đồng châu Âu sẽ thực hiện các bước tiếp theo sau khi các nước ứng cử viên đáp ứng những điều kiện do Ủy ban châu Âu đưa ra. 

Với Gruzia, Chủ tịch Hội đồng châu Âu - ông Charles Michel cho biết, Hội đồng châu Âu cũng quyết định công nhận quan điểm châu Âu về Gruzia và tái khẳng định sẵn sàng cấp quy chế ứng cử viên khi những vấn đề còn tồn tại được giải quyết.

Liên minh Châu Âu được thành lập năm 1993 trên cơ sở Cộng đồng Kinh tế châu Âu theo Hiệp ước Maastricht (Hiệp ước EU, ký ngày 7 tháng 2 năm 1992, có hiệu lực ngày 1 tháng 11 năm 1993). Vào thời điểm thành lập, EU bao gồm 12 quốc gia. Hiện nay, sau 7 đợt mở rộng, EU có 27 quốc gia thành viên (trước khi Vương quốc Anh rời khỏi EU vào năm 2020, Liên minh có 28 quốc gia).

Kể từ năm 2020, Brussels đã thông báo tạm dừng quá trình kết nạp thành viên mới.

    Các tiêu chí để trở thành thành viên EU ("Tiêu chí Copenhagen"):

  • Quốc gia phải thuộc về nền văn minh châu Âu, không phụ thuộc vào vị trí địa lý của quốc gia.
  • Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước EU, đặc biệt là các nguyên tắc dân chủ, tự do, các quyền và tự do của con người và công dân.
  • Đảm bảo sự hoạt động ổn định và phát triển của các cơ quan nhà nước và công cộng.
  • Là một nhà nước dân chủ và cung cấp cho công dân của mình những bảo đảm về dân chủ.
  • Đảm bảo pháp quyền và pháp luật, tuân thủ các quyền con người và quyền công dân, bao gồm cả việc bảo vệ các dân tộc thiểu số.
  • Có nền kinh tế thị trường đang vận hành bình thường và tình hình tài chính ổn định.
  • Tất cả các thành viên tiềm năng phải đưa luật của mình phù hợp với các nguyên tắc của luật châu Âu.