Liên quan đến các vụ đại án - cảnh cáo ông Mai Tiến Dũng, buộc thôi việc ông Nguyễn Văn Trịnh

Quang Minh
20:30 - 13/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 9/3, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Mai Tiến Dũng - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Liên quan đến các vụ đại án - cảnh cáo ông Mai Tiến Dũng, buộc thôi việc ông Nguyễn Văn Trịnh  - Ảnh 1.

Ông Mai Tiến Dũng bị kỷ luật cảnh cáo. Ảnh: Chinhphu.vn

Kỷ luật cảnh cáo ông Mai Tiến Dũng

Ông Mai Tiến Dũng bị kỷ luật cảnh cáo do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Theo đó, thời gian thi hành kỷ luật với ông Mai Tiến Dũng tính từ ngày công bố Quyết định số 754 ngày 14/1/2023 của Ban Bí thư về thi hành kỷ luật.

Theo quyết định kỷ luật của Ban Bí thư, ông Mai Tiến Dũng trong thời gian giữ vị trí bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông Dũng cũng đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch COVID-19, để một số cán bộ Văn phòng Chính phủ tham mưu, đề xuất không đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Buộc thôi việc trợ lý nguyên phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Thủ tướng cũng vừa có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Văn Trịnh - nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ - tại Quyết định số 205.

Theo đó ông Nguyễn Văn Trịnh đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Ông Nguyễn Văn Trịnh đã bị Ban Bí thư khai trừ khỏi Đảng do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhận hối lộ; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội.

Trước đó, trong quá trình điều tra mở rộng vụ Công ty Việt Á, ông Nguyễn Văn Trịnh đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an xác định ông Nguyễn Văn Trịnh đã lợi dụng vị trí công tác can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm COVID-19 trái quy định pháp luật, giúp Công ty Việt Á tiêu thụ sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 tại các đơn vị, địa phương, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Liên quan đến vụ "chuyến bay giải cứu", Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 41 bị can tại 9 bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan. Nhóm bị can bị điều tra về 5 tội danh khác nhau, gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Riêng tại Bộ Ngoại giao, 10 bị can bị khởi tố, phần lớn về tội nhận hối lộ. Trong số này có ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và bà Nguyễn Thị Lan Hương, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự. Dính líu đến sai phạm còn có một loạt cựu cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia như Angola, Nhật Bản, Nga, Malaysia…

Tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, 3 bị can cùng bị khởi tố tội nhận hối lộ, trong đó có ông Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng. Tại Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải đều có 2 bị can bị khởi tố.

Văn phòng Chính phủ cũng có 3 bị can cùng bị khởi tố tội danh trên, trong đó có ông Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế. Vướng vòng lao lý còn có ông Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực.

Kết quả điều tra mở rộng đánh dấu sự liên quan của 2 địa phương, với việc Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cũng bị khởi tố về tội nhận hối lộ.