Lãnh đạo EVN lo khó giữ chân người lao động do lương thấp
Lỗ 2 năm liên tiếp, tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp nhiều khó khăn dù đã tăng giá điện 2 lần trong năm 2023.
Tăng giá điện 2 lần vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất điện
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra ngày 2/1, Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết doanh thu bán điện toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2023 ước đạt 497.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.
Trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện. Do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp. Con số lỗ cụ thể chưa được EVN công bố.
Lãnh đạo EVN nhìn nhận cung ứng điện vẫn khó khăn do phụ thuộc diễn biến bất thường thời tiết, mất cân đối cung cầu giữa các miền. Chẳng hạn, miền Bắc không có dự phòng về nguồn nhưng lại là nơi có nhu cầu sử dụng điện tăng 9-10% mỗi năm.
Các tập đoàn Nhà nước chỉ quản lý trên 47% nguồn điện, trong đó EVN là 37,5%, còn lại phụ thuộc vào các nguồn điện bên ngoài. Điều này gây khó khăn trong quản lý vận hành hệ thống điện.
Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng các dự án nguồn, lưới điện vẫn khó khăn về thủ tục, vốn, bố trí quỹ đất và bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Liên quan tình hình tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết sau hai lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2023, thêm 7,5%, vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao.
Cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thủy điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện. Cùng với đó, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.
EVN và các Tổng công ty phát điện (các Genco) chỉ chủ động được khoảng 37,5% nguồn điện; còn lại (62,5%) phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Tỉ trọng mua điện chiếm 80% chi phí giá thành. EVN còn 20% để điều tiết các khâu còn lại như truyền tải, phân phối, nên rất khó khăn trong tối ưu tài chính, không muốn nói là bất khả thi.
EVN lo ngại tình hình tài chính không cải thiện, lương thấp, nhiều cán bộ sẽ rời ngành
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực EVN Đặng Hoàng An nhấn mạnh thiếu điện là bài học đắt giá cho EVN. Đề cập đến vấn đề tài chính rất khó khăn, chưa biết khi nào hết lỗ, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực EVN cho rằng nếu tình hình tài chính không sớm cải thiện thì đời sống người lao động ảnh hưởng, nhiều cán bộ lương quá thấp sẽ rời ngành ra đi.
Bày tỏ những vụ việc bị xử lý gần đây là "nỗi đau đớn và sự xấu hổ của ngành điện", ông Đặng Hoàng An khẳng định EVN phải đi theo hướng quản trị quốc tế là minh bạch, có trách nhiệm giải trình cao, từ thị trường điện, đàm phán giá điện, chi phí, mua bán, tránh tình trạng nhìn vào tập đoàn như một hộp đen để khi dư luận hỏi về báo cáo tài chính, các đơn vị phải hết sức công khai.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google