Làm sao giữ nét đẹp văn hóa giao tiếp trong giới trẻ ngày nay?

Tuyết Mai
15:12 - 24/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cuối tuần, trong một quán phở bận rộn, ồn ào, trong tiếng tới tấp quát nạt nhân viên của cô chủ và tiếng lao xao của khách gọi phở, 3 cô cậu thanh niên đi vào cùng 1 chú chó...

Trong quán phở còn duy nhất 1 bàn còn trống 1 chiếc ghế, hai chiếc còn lại có đồ của khách. Mặc dù rất muốn ngồi nhưng không ai trong số 3 cô cậu chịu mở lời xin chiếc ghế...

Cả 3 người trẻ chỉ cầm điện thoại lướt và chờ cho vị khách tự dẹp đồ mới ngồi "phịch" xuống, chẳng buồn nói lời cảm ơn! Một trong số cô cậu vẫn chờ thêm một chiếc ghế... để cho chú chó ngồi, nhưng không có bất cứ hành động nào, như thể nghiễm nhiên sẽ có. Đáng chú ý là cả ba vẫn lướt điện thoại và chẳng ai nói với ai câu gì!

Có lẽ xã hội loài người càng tiến hóa, ngôn ngữ/văn hóa giao tiếp càng ít phát triển?

Thực tế, trong xã hội, bất cứ nhu cầu nào đều phải xuất phát từ bên trong tâm trí và phải thể hiện bằng ngôn ngữ, giao tiếp giữa các đối tượng. Từ đó, xã hội mới có thể phát triển, thăng tiến. Nhưng, dường như đối với lớp trẻ ngày nay, lớn lên được bao phủ bởi một không gian ảo nhiều chiều trên mạng Internet. Từ lâu, các bạn đã bỏ quên những giao tiếp ngôn ngữ thông thường. Thậm chí, có rất nhiều trẻ em lứa tuổi thanh, thiếu niên mắc chứng bệnh tự kỷ mà không hề hay biết.

Được biết, "bệnh tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển có liên quan đến sự phát triển chức năng của não, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về kỹ năng giao tiếp xã hội, ngôn ngữ hành vi, sở thích bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại", thực tế trong xã hội gần đây đã xuất hiện nhiều trường hợp người trẻ mắc căn bệnh "khiếm khuyết" này trong giao tiếp xã hội, đặc biệt với lớp người ở thế hệ cũ.

Sự xung đột này có thể dẫn tới những đối lập trong suy nghĩ, công việc hợp tác giữa các thế hệ. Thậm chí, nó có thể làm thay đổi những nhận định về các cặp giá trị bị đảo lộn giữa các thế hệ như tốt và xấu, hiền và ác, giàu và nghèo, chiến tranh và hòa bình... Từ đó, có thể gây ra những hệ lụy khó lường.

Từ thực tế sinh hoạt, giao tiếp và giữa các mối quan hệ ngày càng phức tạp đã làm cho các cặp phạm trù ngày càng lớn lên, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, va chạm, hình thành các mặt đối lập. Không thể dung hòa và dẫn đến sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động.

Sự hoán đổi các giá trị và khái niệm giữa các thế hệ

Một trong những khái niệm đã có sự thay đổi, khách biệt trong cách đánh giá, đó là khái niệm cái đẹp: giữa các thế hệ đang có sự khác biệt khá lớn.

Giữa cái xấu và cái đẹp tuy phân biệt rõ ràng song không phải ai cũng dễ thống nhất về khái niệm nhận thức, đánh giá và đồng thuận. Đặc biệt, khi đã có sự thay đổi trong nhận thức giữa các thế hệ, lớp người được sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau.

Nếu như, ở thời phong kiến, câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người" đã nói lên quan niệm của người xưa đánh giá nội dung hơn hẳn hình thức. Tuy nhiên, các thế hệ trẻ hiện nay cũng có người quan niệm khác hẳn. Họ đánh giá hình thức quan trọng đến mức chỉ chọn đẹp, thậm chí hình thức đẹp còn có thể đại diện cho nội dung bên trong...

Đối với giới trẻ ngày nay, có nhiều cách để tạo ra hình thức đẹp thông qua phẫu thuật thẩm mỹ và các áp dụng khoa học tiên tiến. Tuy nhiên, những giá trị bền vững thì không thể tự tạo bởi các kỹ thuật y khoa.

Như vậy, ở thời nào, thì giá trị thực chất phải nằm ở các nội dung lâu dài. Mặc dù, theo thời gian, cái đẹp cũng sẽ chóng qua, chóng hết, tuy nhiên giá trị tốt đẹp là điều không thể thay đổi từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Một trong những vấn đề được bàn luận khá sôi nổi trên các diễn đàn mạng và truyền thông đại chúng hiện nay là việc sử dụng ngôn ngữ trong văn hóa giao tiếp thường ngày của giới trẻ (nhắn tin trên điện thoại, chat trên mạng, hội thoại ngoài đời sống…).

Giới trẻ đã sáng tạo ra cho mình một kiểu loại ngôn ngữ riêng không theo quy chuẩn của tiếng Việt, thường được gọi là "ngôn ngữ teen" hay "ngôn ngữ chat", "ngôn ngữ @"...

Văn hóa giao tiếp của người Việt Nam hiện nay nói chung, đặc biệt là văn hóa giao tiếp của giới trẻ nói riêng đang có những biến động sâu sắc. Sự biến động đó xuất phát từ làn sóng quốc tế hóa và toàn cầu hóa ở Việt Nam.

Mặt khác, sự trải rộng của mạng xã hội và internet đã bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống, khiến các bạn trẻ có những thói quen hoàn toàn trái ngược với đời sống của người Việt Nam trong quá khứ.

Phải làm sao để giữ được những nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam? Đó là một câu hỏi lớn, cần chúng ta cùng suy ngẫm và chia sẻ. Không ít người phê phán cho rằng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay là “xa lạ với tiếng phổ thông” và điều này ảnh hưởng tới cả lối sống, sự giao tiếp, phong cách của người trẻ.

Song, bên cạnh đó, cũng có những bình luận tích cực, coi đó như là nhu cầu phát triển ngôn ngữ tất yếu của giới trẻ trong xã hội hiện đại.

Tóm lại, ở thời nào thì mục tiêu của giao tiếp cuối cùng vẫn chính là sự thúc đẩy cho xã hội phát triển, tiến bộ, linh hoạt và hiệu quả hơn. Ở mỗi thế hệ, con người cần thống nhất, sử dụng chung một bộ công cụ giao tiếp làm sao để mang lại hiệu quả, bảo đảm các yếu tố an toàn, phổ quát và giúp tạo ra sự vận hành thông suốt các hoạt động trong đời sống.

Dù là người trẻ hay thế hệ trước, chúng ta cũng cần tìm hiểu, luôn có sự quan sát và điều chỉnh cho phù hợp, để các giá trị được củng cố và gia tăng giá trị, tạo ra sự thúc đẩy cho phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, trở thành công cụ hữu ích cho đời sống con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai.