Lãi suất của FED có thể sẽ giảm chậm, chứng khoán phản hồi tích cực

PV
10:42 - 25/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tháng 11 vừa được công bố hôm 23/11 cho thấy, hầu hết các nhà chức trách của FED đều cảm thấy các mức tăng lãi suất khiêm tốn hơn sẽ trở nên phù hợp khi nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu.

Lãi suất của FED sẽ giảm chậm sau thời gian tăng mạnh - Ảnh 1.

Các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất. Ảnh minh họa: IT

Sớm có khả năng tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại

Phần lớn các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí rằng "có khả năng sẽ sớm" làm chậm tốc độ tăng lãi suất trong bối cảnh những tranh luận về việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ lan rộng.

Tại cuộc họp đầu tháng 11/2022, mà FED đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp, hầu hết các quan chức nhìn nhận rằng họ có thể điều chỉnh biên độ lãi suất ở mức nhỏ hơn và cân nhắc hơn trong bối cảnh nền kinh tế điều chỉnh theo mức lãi suất cao và lo ngại về tình trạng "quá cao" dường như gia tăng.

Theo biên bản được công bố, việc tăng lãi suất với mức thấp hơn cho phép Ủy ban Thị trường mở Liên bang thuộc FED đánh giá tiến độ đạt được các mục tiêu về việc làm và ổn định giá cả.

Độ trễ và mức độ không ổn định do tác động của các chính sách tiền tệ đối với hoạt động kinh tế và lạm phát là một trong những lý do được nêu ra.

Điều quan trọng hơn là quy mô của các đợt tăng lãi suất sắp tới đang nhận được nhiều sự quan tâm, khi mà lãi suất cần phải tăng đến mức nào để có thể hạ nhiệt lạm phát, và sự cần thiết phải hiệu chỉnh điều đó một cách cẩn thận trong những tháng tới.

Điểm dừng cuối cùng của chính sách lãi suất sẽ phụ thuộc rất nhiều vào biểu đồ lạm phát trong những tháng tới và liệu các chỉ số thấp hơn dự kiến gần đây có trở thành một xu hướng đi xuống hay không.

Các nhà kinh tế của FED đã nâng dự báo lạm phát cho các quý tới, đồng thời lưu ý rằng một cuộc suy thoái "gần như có khả năng xảy ra" vào năm 2023, và triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Tuy nhiên, những đồn đoán rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Mỹ và đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ đi xuống.

Chỉ số S&P 500 đã nới rộng mức tăng lúc đầu phiên 23/11 và đóng cửa gần mức cao nhất trong hai tháng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỳ kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm với những dự báo lãi suất của FED, đã giảm xuống 4,49%. Lợi suất trái phiếu dài hạn hơn cũng giảm.

Đồng USD, vốn tăng mạnh trong năm nay nhờ chính sách lãi suất của Fed mà các ngân hàng trung ương khác không thể theo kịp, đã giảm so với rổ tiền tệ chính.

Các nhà đầu tư vẫn đặt cược rằng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách ngày 13-14/12 tới.

Biên bản cuộc họp của FED cũng cho thấy trong nội bộ FED cũng đang nổi lên cuộc tranh luận về những rủi ro mà việc thắt chặt chính sách lãi suất nhanh có thể gây ra đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng có rất ít tiến triển về lạm phát và lãi suất vẫn cần phải tăng.

Trong khi "một số người tham gia" cho biết việc tăng lãi suất chậm hơn có thể làm giảm rủi ro đối với hệ thống tài chính, "một số người tham gia khác" lưu ý rằng bất kỳ sự chậm lại nào trong tốc độ thắt chặt chính sách của FED đều nên chờ đợi "các dấu hiệu cụ thể hơn cho thấy áp lực lạm phát đang giảm đáng kể".

Tại cuộc họp chính sách tháng 12, ngoài thông báo về chính sách lãi suất, FED cũng sẽ đưa ra các dự báo mới của các nhà hoạch định chính sách về lộ trình lãi suất, lạm phát và thất nghiệp.

Thị trường chứng khoán ảnh hưởng tích cực

Thị trường chứng khoán thế giới hầu hết đi lên trong phiên giao dịch 24/11 với thông tin FED có thể giảm biên độ tăng lãi suất.

Tại thị trường châu Âu, chỉ số EURO STOXX 50 tăng 0,4%, lên 3.961,99 điểm. Tại thị trường Paris của Pháp, chỉ số CAC 40 tăng 0,4%, lên 6.707,32 điểm. Tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX tăng 0,8%, lên 14.539,56 điểm. Trong khi tại thị trường London (Anh), chỉ số FTSE 100 đi ngang ở mức 7.466,60 điểm.

Ông Stephen Innes của SPI Asset Management cho biết: “Cam kết hướng tới chính sách tiền tệ hạn chế vẫn còn nguyên vẹn, nhưng Fed đã sẵn sàng làm chậm lại lộ trình hướng tới cái đích đó". Ông nói thêm rằng, việc Fed bớt “diều hâu” hơn "sẽ mở đường cho sự cất cánh ở châu Á”, được thúc đẩy bởi kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại vào tháng 3/2023.

Các chỉ số kinh tế mới nhất cho thấy lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ tiếp tục giảm trong tháng trước, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên.

Diễn biến này cho phép các nhà giao dịch ở Phố Wall bắt đầu kỳ nghỉ lễ Tạ ơn với một phiên tăng vọt. S&P 500 kết thúc ở mức cao nhất trong hai tháng khi giới đầu tư tìm thấy “tia sáng cuối đường hầm” sau một năm thê thảm.

Vào đầu tháng 11, Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ 4 liên tiếp, đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Các chuyên gia kinh tế chủ yếu kỳ vọng mức nâng lãi suất của Fed sẽ là 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12/2022.

Bất kỳ thông tin nào có thể thay đổi câu chuyện xung quanh việc nâng lãi suất trong tương lai đều quan trọng đối với thị trường, vốn cũng đang chứng kiến khối lượng giao dịch thấp do tuần giao dịch bị rút ngắn vì nghỉ lễ Tạ ơn.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên 24/11 VN-Index tăng 1,71 điểm lên 947,71 điểm; toàn sàn có 218 mã tăng, 214 mã giảm và 72 mã đứng giá. HNX- Index tăng 0,22 điểm lên 191,22 điểm; toàn sàn có 75 mã tăng, 99 mã giảm và 46 mã đứng giá.

Bình luận của bạn

Bình luận