Kỷ niệm 74 năm ngày Hồ Chủ tịch ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc"

Nguyễn Năng Lực
16:49 - 10/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 11/6/1948, Hồ Chủ tịch ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc". Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước còn mãi giá trị trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta

Hồ Chủ tịch ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" giữa lúc cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước sang thời kỳ phản công. Người kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ tích cực thi đua diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, nhằm mục tiêu dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc. Lời kêu gọi như lời hịch động viên chiến sĩ ngoài mặt trận hăng hái thi đua giết giặc, đồng bào hậu phương thi đua sản xuất. 

Kỉ niệm 74 năm ngày Hồ Chủ tịch ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" - Ảnh 1.

Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

"Mục đích thi đua là:

Diệt giặc đói,

Diệt giặc dốt,

Diệt giặc ngoại xâm.

Cách làm là: dựa vào:

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân, 

để gây:

Hạnh phúc cho dân.

Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:

Làm cho mau,

Làm cho tốt

Làm cho nhiều.

Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện một khẩu hiệu:

Kỉ niệm 74 năm ngày Hồ Chủ tịch ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" - Ảnh 2.

Bác Hồ với bộ đội Phòng không - Không quân. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Toàn dân kháng chiến,

Toàn diện kháng chiến.

Trong Thi đua ái quốc, chúng ta:

Vừa kháng chiến,

Vừa kiến quốc.

Kết quả đầu tiên của Thi đua ái quốc sẽ là:

Toàn dân đủ ăn đủ mặc,

Toàn dân biết đọc, biết viết,

Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm,

Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.

Thế là chúng ta thực hiện:

Dân tộc độc lập,

Dân quyền tự do,

Dân sinh hạnh phúc.

Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra.

Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin:

Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,

Kỉ niệm 74 năm ngày Hồ Chủ tịch ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" - Ảnh 3.

Bác Hồ với nông dân. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng bào công nông thi đua sản xuất,

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,

Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,

Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.

Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi.

Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.

Hỡi toàn thể đồng bào,

Hỡi toàn thể chiến sỹ,

Tiến lên!

HỒ CHÍ MINH

(Theo: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tập 5, tr. 556-558).

Kỉ niệm 74 năm ngày Hồ Chủ tịch ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" - Ảnh 4.

Đến thăm nhà máy xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức thi đua xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam. Ảnh: Bảo tàng Hò Chí Minh

Bằng lời lẽ giản dị, mộc mạc, Hồ Chủ tịch giải thích cặn kẽ cho người dân mọi tầng lớp hiểu rõ mục đích của thi đua, nội dung thi đua, cách làm thi đua...

Còn nhớ, trong những năm tháng nhân dân cả nước thi đua thực hiện hai mục tiêu chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai ở miền Nam, thống nhất đất nước, có hai câu khẩu hiệu dễ nhớ về thi đua do chính Hồ Chủ tịch đề ra.

Câu thứ nhất: "Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Người khẳng định, thi đua là phẩm chất đạo đức cơ bản của người cách mạng, của người dân yêu nước.

Câu thứ hai: "Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua. Ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Người khẳng định, một khi toàn dân sôi nổi thi đua, thường xuyên, liên tục thi đua, nhất định sẽ tạo nên sức mạnh, sự nghiệp cách mạng nhất định sẽ thắng lợi.

Nghe theo lời kêu gọi của Người, các tầng lớp nhân dân hai miền Nam Bắc đã ra sức thi đua với những khẩu hiệu, nội dung thiết thực. Bộ đội "Thi đua giết giặc lập công". Công nhân "Thi đua làm việc bằng hai". Nông dân thi đua "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Năm tấn thóc, mười tấn khoai, hai con lợn" trên mỗi héc ta gieo trồng. Hưởng ứng phong trào gửi tiết kiệm: "Tiết kiệm nhà nước hô hào/Các bạn đã gửi đồng nào hay chưa?".

Đúng như tiên đoán của Người, nhờ phong trào, khí thế thi đua sôi nổi của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai đã thắng lợi hoàn toàn, đất nước đã trọn vẹn niềm vui thống nhất.

"Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất".
Lời Hồ Chủ tịch

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, coi "dân là gốc" còn mãi giá trị trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Thi đua yêu nước là một trong những động lực, cội nguồn sức mạnh của dân tộc, đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất non sông và trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, hùng cường.

Ngày nay, trong mặt trái của cơ chế thị trường, xuất hiện tư tưởng, thái độ sống ganh đua, giành giật những giá trị tốt hơn cho riêng mình. Tư tưởng, thái độ ganh đua ấy rất tinh vi, biến tướng dưới nhiều dạng, đang là lực cản cho xã hội phát triển lành mạnh. Nạn chạy việc, chạy chức, chạy quyền khá phổ biến, trở thành tệ nạn, ảnh hưởng đến sức mạnh của hệ thống chính trị, đến uy tín của Đảng, của Nhà nước.

Ôn lại "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp lãnh đạo càng phải nghiêm túc gạn lọc, tiếp thu, học tập tư tưởng của Người về thi đua, coi "dân là gốc" để phát huy nội lực, tổ chức, vận hành xã hội phát triển lành mạnh.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bình luận của bạn

Bình luận