Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt nghiêm túc, tự giác

PV
13:34 - 03/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Cần khắc phục nhận thức không đúng cho rằng, thi hành kỷ luật trong Đảng càng nhiều, càng nặng là càng có thành tích, kỷ luật đảng càng được tăng cường; trái lại, Đảng ít phải thi hành kỷ luật hoặc không phải thi hành kỷ luật chứng tỏ kỷ luật của Đảng được chấp hành một cách nghiêm túc, tự giác.

Công dân và Khuyến học trích dẫn nội dung trong bài Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam của PGS.TS Lê Văn Cường - tại giáo trình Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Ngoài cách hiểu về kỷ luật là tổng thể các quy định thì kỷ luật còn được hiểu là: "Kỷ luật là hình thức phạt đối với người hoặc tổ chức vi phạm kỷ luật". Theo nghĩa này, kỷ luật trong Đảng được hiểu là: các tổ chức đảng có thẩm quyền được quyền áp dụng các hình thức phạt đối với tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật bằng một trong những hình thức kỷ luật được quy định tại Điều 35 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong một tổ chức, khi có đối tượng vi phạm những điều đã được quy định thì tùy theo nội dung, tính chất, mức độ, động cơ, tác hại và nguyên nhân của vi phạm, tổ chức có thẩm quyền được dùng hình thức phạt đối với đối tượng đó.
Như vậy, thi hành kỷ luật trong Đảng được hiểu là hoạt động của các tổ chức đảng có thẩm quyền áp dụng các hình thức kỷ luật đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định tại Điều 35 Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn hiện hành của các cơ quan có thẩm quyền nhằm xử phạt, răn đe, giáo dục, sàng lọc, rèn luyện các tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được thực hiện nghiêm túc và có kết quả cao.
Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt nghiêm túc, tự giác- Ảnh 1.

Phương châm thi hành kỷ luật của Đảng: "Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời" .

Theo đó, phạm vi thi hành kỷ luật trong Đảng là hoạt động nội bộ của Đảng, chỉ diễn ra trong sinh hoạt đảng.

Chủ thể thi hành kỷ luật trong Đảng gồm: chi bộ (bao gồm cả chi bộ trong đảng bộ cơ sở và chi bộ trong đảng bộ bộ phận), cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp.

Đối tượng thi hành kỷ luật trong Đảng là tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý.

Mục đích thi hành kỷ luật trong Đảng là giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được thực hiện nghiêm túc và có kết quả cao.

Hình thức kỷ luật của Đảng

Hình thức kỷ luật của Đảng theo quy định tại Điều 35 Điều lệ Đảng gồm:

Đối với tổ chức đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo.

Thi hành kỷ luật của Đảng: Không có ngoại lệ, không phân biệt chức vụ cao hay thấp, tuổi đảng nhiều hay ít

Phương châm thi hành kỷ luật của Đảng thể hiện rõ quan điểm, chính sách xử lý của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Điều 35 Điều lệ Đảng quy định: "Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời" .

Công minh, chính xác là: Khi thi hành kỷ luật phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm mà xem xét, quyết định hình thức kỷ luật cho phù hợp.

Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật đều phải thi hành kỷ luật, không có ngoại lệ, không phân biệt chức vụ cao hay thấp, tuổi đảng nhiều hay ít.

Trong xử lý, phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng để bảo đảm kết luận khách quan, chính xác, không bỏ sót vi phạm. Khi xem xét, xử lý, cần làm rõ nguyên nhân, phân biệt sai lầm, khuyết điểm do trình độ, năng lực hoặc động cơ vì lợi ích chung mà dẫn đến phạm sai lầm, khuyết điểm hay vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý làm trái; vi phạm nhất thời hay có hệ thống; đã qua giáo dục, ngăn chặn vẫn làm trái; không tự giác nhận lỗi, không bồi hoàn vật chất hoặc có hành vi đối phó với việc kiểm tra; phân biệt người khởi xướng, tổ chức, quyết định với người bị lôi kéo, đồng tình làm sai.

Đối với đảng viên là người dân tộc thiểu số, công tác, sinh hoạt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn, đảng viên theo tôn giáo vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì tùy theo tình hình thực tế mà vận dụng xử lý cho phù hợp.

Kỷ luật của Đảng không thay thế cho kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại. Cấp ủy quản lý đảng viên phải chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng và kỷ luật về hành chính hoặc đoàn thể được kịp thời. Trường hợp không thuộc thẩm quyền của mình thì phải kiến nghị với tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Khi các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đình chỉ công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên và đảng viên thì chủ động thông báo cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó để xem xét, xử lý kỷ luật. Sau khi giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng, nếu có thay đổi hình thức kỷ luật, tổ chức đảng có thẩm quyền phải chỉ đạo việc xem xét lại hình thức kỷ luật của Nhà nước và của tổ chức chính trị - xã hội cho phù hợp.

Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển cơ quan pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật, không được giữ lại để xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của tập thể, của người khác thì phải bồi hoàn.

Trường hợp đảng viên vi phạm kỷ luật khi đang công tác, nhưng sau khi chuyển công tác hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm thì vẫn xem xét, kết luận. Nếu có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm mà áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp.

Đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu nếu có vi phạm khi đang công tác, nay mới phát hiện thì thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng được thực hiện như đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ diện cấp ủy các cấp quản lý đang đương chức; nếu có vi phạm kỷ luật khi đã nghỉ hưu thì do tổ chức đảng quản lý đảng viên đó xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.

Đảng viên sau khi chuyển công tác sang tổ chức đảng khác, nếu phát hiện vi phạm kỷ luật ở nơi công tác cũ mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các tổ chức đó xem xét, xử lý theo phân cấp quản lý cán bộ.

Công minh, chính xác còn có nghĩa là việc xử lý kỷ luật phải đúng người, đúng mức độ vi phạm. Phải khắc phục tình trạng ô dù, bao che lẫn nhau làm cho việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước không nghiêm; khắc phục tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới" để các hiện tượng tiêu cực phát triển, gây thắc mắc, bất bình trong Đảng và trong nhân dân.

Kịp thời là việc xem xét, thi hành kỷ luật phải khẩn trương, đúng lúc, không để chậm trễ, kéo dài, gây thêm khó khăn cho việc thẩm tra, xác minh, kết luận, xử lý, làm giảm tác dụng giáo dục và không đáp ứng yêu cầu phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Kịp thời còn có nghĩa là, sau khi tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định kỷ luật thì phải công bố ngay quyết định ấy cho tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, không được trì hoãn với bất cứ lý do gì.

Để chủ động phòng ngừa vi phạm và việc thi hành kỷ luật được kịp thời, các tổ chức đảng, đặc biệt là chi bộ phải thường xuyên nắm chắc tình hình đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật Nhà nước; khi phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì kịp thời xem xét, kết luận và xử lý kỷ luật ngay, nếu có vi phạm đến mức phải xử lý.

Vai trò của việc thi hành kỷ luật trong Đảng

Kỷ luật của đảng là kỷ luật sắt nghiêm túc, tự giác. Tất cả các tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành kỷ luật của đảng. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những tổ chức đảng và đảng viên chấp hành tốt kỷ luật đảng vẫn còn không ít tổ chức đảng và đảng viên chấp hành không tốt, thậm chí vi phạm kỷ luật đảng, làm giảm sút năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng.

Những tổ chức đảng và đảng viên chấp hành tốt kỷ luật Đảng cần được khen thưởng, động viên kịp thời, những tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật đảng phải giúp đỡ họ sửa chữa khuyết điểm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng mức.

Việc thi hành kỷ luật trong Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mọi tổ chức đảng và đảng viên, nhằm đề cao ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, giữ vững kỷ cương của Đảng, ngăn chặn và loại trừ những nhân tố làm giảm sức mạnh của kỷ luật sắt của Đảng, tạo điều kiện để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Vai trò, tác dụng to lớn của việc thi hành kỷ luật trong Đảng là nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật Đảng, nâng cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng, hoàn thành chức trách nhiệm vụ trên từng cương vị công tác của đảng viên. Thi hành kỷ luật một tổ chức đảng hay một đảng viên cũng là nhằm giúp đỡ họ tiến bộ.

Cần khắc phục nhận thức không đúng cho rằng, thi hành kỷ luật trong Đảng càng nhiều, càng nặng là càng có thành tích, kỷ luật đảng càng được tăng cường; trái lại, Đảng ít phải thi hành kỷ luật hoặc không phải thi hành kỷ luật chứng tỏ kỷ luật của Đảng được chấp hành một cách nghiêm túc, tự giác, Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. 

Vì vậy, tăng cường kỷ luật của đảng phải tăng cường giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật Đảng một cách nghiêm túc và tự giác cho các tổ chức đảng và đảng viên.