Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Phân cấp triệt để để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Minh Châu
16:55 - 16/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, không tạo ra các rào cản mới; có ý nghĩa lâu dài, làm cơ sở đánh giá tổng kết chương trình trong giai đoạn sau...

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Phân cấp triệt để để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 16/1/2024, Quốc hội thảo luận "dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia" và "Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, căn cứ Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023, số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Theo đó, các vị đại biểu tiến hành thảo luận ở hội trường về: (1) "dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia"; (2) "bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn".

Sáng nay (16/1), Quốc hội đã nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết và đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này với hơn 100 ý kiến thảo luận. Các ý kiến cơ bản thống nhất với chính sách Chính phủ trình, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn.

Phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, nhằm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Phân cấp triệt để để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến việc phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm quy định tại Khoản 1, Điều 4, đại biểu Nguyễn Quốc Luận thống nhất với quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng Chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy một số nội dung dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành, do đó không còn đối tượng để thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng chưa đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định. Trong khi đó, các nhiệm vụ, nội dung chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất cần thiết, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định: "Cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới", để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu Nguyễn Quốc Luận lựa chọn phương án 1 là "Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Việc xác định từng loại tài sản cụ thể cho từng đối tượng cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định khi phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất".

Theo đại biểu, phương án này sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhất là tại cấp cơ sở, thuận lợi hơn trong công tác theo dõi, giám sát đối với các tài sản này.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 2. Theo đại biểu, với phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và đảm thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh.

Việc quy định Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp là phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Đồng thời, tôi đề nghị trong Nghị quyết cần quy định thêm: "Trên cơ sở kết quả phân cấp, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định phân cấp thêm cho các huyện khác nhưng không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn".

Làm rõ điều kiện về "Trường hợp thật cần thiết" để thống nhất tại các địa phương

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Phân cấp triệt để để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 3.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Về thẩm quyền ban hành nghị quyết, đại biểu cho biết, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo luật số 63 của Quốc hội, thì Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là đúng thẩm quyền.

Về hồ sơ trình Quốc hội, căn cứ vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ vào hồ sơ trình Quốc hội, đại biểu cho rằng hồ sơ trình Quốc hội đủ điều kiện để Quốc hội xem xét và thông qua tại một kỳ họp.

Về tên dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, nên xem lại tên của dự thảo Nghị quyết, bởi Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách nhưng nội dung của Nghị quyết là các cơ chế để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; không có nội dung nào đề cập tới chính sách mới. Theo các tờ trình của Chính phủ đều đề cập tới 8 cơ chế đặc thù trong Nghị quyết. Do vậy, nên điều chỉnh lại tên nghị quyết như sau: Nghị quyết về một số cơ chế đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Về nội dung nghị quyết, tại khoản 5 đưa ra 2 phương án, đại biểu cho rằng nên quy định theo Phương án thứ nhất, để tổ chức thực hiện được ngay giai đoạn 2024-2025. Tại điểm c khoản 1 có quy định "Trường hợp thật cần thiết", đại biểu đề nghị cần làm rõ điều kiện hoặc nguyên tắc về "Trường hợp thật cần thiết" để thống nhất tại các địa phương.

Ngoài ra, tại điểm b khoản 4 quy định "... cơ quan tài chính cùng cấp hoặc Ủy ban Nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường"; đại biểu đề nghị làm rõ về phương pháp xác định giá thị trường để có sự thống nhất giữa các địa phương.

Làm rõ một số nội dung đảm bảo khi ban hành các địa phương có thể thực hiện ngay

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Phân cấp triệt để để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại hội trường, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao các cơ quan của Chính phủ đã nghiêm túc, tiếp thu tối đa những ý kiến của đoàn Giám sát của Quốc hội; Hội đồng dân tộc và các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra kỹ lưỡng, toàn diện các Quy định về một số cơ chế đặc thù nhằm thể chế hóa đầy đủ các quy định, chính sách về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đoạn 2021 - 2025 theo hướng tăng cường phân cấp, trao quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu từng chương trình theo yêu cầu của Quốc hội…

Cụ thể, tại điểm c, khoản 1, Điều 4 quy định về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm có nêu: "Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng Chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia".

Bình luận của bạn

Bình luận