Kiến nghị luân chuyển giáo viên giữa các địa phương, khả thi đến đâu?

Ly Hương
08:31 - 02/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ có chính sách luân chuyển giáo viên giữa các địa phương, cấp học nhằm khắc phục việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Kiến nghị chính sách luân chuyển giáo viên giữa các địa phương, khả thi đến đâu? - Ảnh 1.

Thừa thiếu giáo viên cục bộ đang là vấn đề nan giải của các địa phương. Ảnh: Hoàng Dũng/Báo Thanh Hóa

Thừa thiếu giáo viên cục bộ

Trong Báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, ký ngày 27/7, Đoàn giám sát nhận định đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố then chốt đảm bảo cho sự thành công trong triển khai chương trình mới. Việc xây dựng, củng cố đội ngũ nhà giáo đã được triển khai bài bản, đồng bộ nhưng vẫn còn một số bất cập.

Theo đó, bất cập về cơ cấu giáo viên dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Ngoài ra, nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng không tuyển được, đặc biệt là giáo viên dạy các môn nghệ thuật ở bậc trung học phổ thông.

Một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển khỏi ngành chủ yếu do định mức giáo viên chưa phù hợp; chế độ tiền lương, phụ cấp, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên mới rất thấp, không tương xứng với cường độ, áp lực công việc và trình độ đào tạo.

Vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ có chính sách luân chuyển giáo viên giữa các địa phương, giữa các cấp học; khắc phục tình trạng chưa tuyển đủ giáo viên theo biên chế; xác định lại định mức giáo viên cho phù hợp với thực tiễn và có lộ trình phù hợp để đạt định mức tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

Cùng với đó, Đoàn giám sát cũng kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng chính sách đãi ngộ hấp dẫn, thu hút giáo viên giỏi; chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên để giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Luân chuyển giáo viên giữa các địa phương sẽ có thêm nhiều giáo viên bỏ việc

Bàn về việc luân chuyển giáo viên giữa các cấp học, thầy giáo Phan Anh, giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, đề xuất này thiếu cơ sở khoa học và thiếu thực tế.

Bởi vì, giáo viên muốn dạy cấp nào, ngoài việc có bằng cấp phù hợp thì họ cần phải được trang bị kiến thức về chuyên môn, tâm lý lứa tuổi, phương pháp giảng dạy,... của cấp đó. Do đó, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông khó có thể dạy mầm non một cách hiệu quả được.

"Tôi đã từng hướng dẫn một giáo viên tập sự, trước đó cô giáo dạy bậc trung học cơ sở, sau đó cô giáo nghỉ việc và thi tuyển vào bậc trung học phổ thông. Về chuyên môn, cô giáo có kiến thức khá vững vàng, nhưng về phương pháp thì chưa ổn vì cô giáo dạy học sinh lớp 10 theo cách của lớp 6 khiến các em mất hứng thú. Qua vài năm giảng dạy, cô giáo mới có thể bắt nhịp cùng với các đồng nghiệp", thầy giáo Phan Anh chia sẻ.

Cũng theo thầy giáo Phan Anh, việc luân chuyển giáo viên giữa các địa phương (giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh này và tỉnh kia) là thiếu khả thi. Từ thời điểm 1/7/2023, lương giáo viên được tăng thêm 20,8%. Tuy vậy, theo tính toán, đồng lương này chỉ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu cuộc sống của họ ở mức tối thiểu.

Việc phải di chuyển xa, giáo viên không đủ chi phí cho các chi tiêu. Cùng với đó, phải dạy học xa nhà, giáo viên không thể chăm sóc con cái, cha mẹ già yếu. Bên cạnh đó, họ cũng không thể làm nghề tay trái, chẳng hạn làm nông, buôn bán,… để mưu sinh. Ngoài ra, việc di chuyển đường xa khiến giáo viên ốm đau, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Thầy giáo Phan Anh cho biết, giáo viên các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Ngữ văn… các cấp hiện nay đã bão hòa. Trường học chủ yếu thiếu giáo viên các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các bộ môn này, cần có chính sách dài hơi chứ không phải luân chuyển là được.

"Đối với bậc tiểu học, trung học cơ sở, địa phương cần đặt hàng các trường đại học đào tạo sinh viên môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) và cam kết đầu ra cho họ. Nghĩa là sinh viên sư phạm môn Nghệ thuật cần phải bảo đảm sẽ được tuyển dụng sau khi ra trường.

Còn bậc trung học phổ thông, rất ít học sinh chọn môn Nghệ thuật vì đây là môn năng khiếu nên cũng không đáng lo ngại. Chỉ cần địa phương tuyển dụng công khai, minh bạch thì sẽ thu hút được nhiều người có bằng Nghệ thuật (có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) tham gia thi tuyển", thầy giáo Phan Anh đề xuất giải pháp.

Riêng chuyện một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển khỏi ngành, thầy giáo Phan Anh đề xuất ngành giáo dục cần làm một khảo sát nghiêm túc, đó là hỏi ý kiến thầy cô giáo về: 1) chế độ tiền lương; 2) môi trường làm việc; 3) áp lực công việc; 4) cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.

"Trước mắt, chỉ cần giải quyết hai vấn đề khiến giáo viên bức xúc mà bỏ việc: môi trường làm việc và áp lực công việc, tôi tin chắc rằng, khoảng 2/3 giáo viên sẽ không bỏ việc, kể cả nhiều người sẽ quay lại với công việc dạy học", thầy giáo Phan Anh nói thêm.