Kiên Giang - Những người ngóng sếu bay về

img
Kiên Giang - Những người ngóng sếu bay về  - Ảnh 1.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Phú Mỹ, huyện Giang Thành, Kiên Giang. Ảnh: TTH

Duyên - cô gái mảnh dẻ, giao tiếp nhẹ nhõm như tên gọi đi cùng tôi vào ấp Trà Phô và thỏ thẻ trò chuyện:

"Tháng 11 năm nay, chắc cũng sẽ như 2 năm qua, đàn sếu đầu đỏ không về qua cánh đồng cỏ bàng Phú Mỹ nữa. Người dân ấp Trà Phô nói chớm đông năm rồi có thấy bóng những con chim to lớn có cái mào đỏ chót bay qua khi hoàng hôn. Nhưng có lẽ chúng bay về phía khu bảo tồn thiên nhiên của Campuchia kế bên. Biết bao nhiêu người dặn em hễ thấy sếu đầu đỏ bay về là gọi điện liền, mọi người sẽ tới chụp hình, nghiên cứu, bảo vệ, tìm kế cho chúng sinh sản... làm em cũng nôn nao ngóng. Hơn ai hết, em mong cánh đồng cỏ Phú Mỹ lại có sếu bay về. Bởi lẽ, giữ cho môi sinh đồng cỏ bàng Phú Mỹ hoang dã như vốn có đã là cố gắng của bao người. Họ đã bớt mình lại, làm nhỏ bé mình đi trước thiên nhiên, dù đó có là bớt cơm áo gạo tiền, là an phận với đời sống... để giữ thiên nhiên nguyên sơ cho sếu trú ngụ". 

Kiên Giang - Những người ngóng sếu bay về  - Ảnh 2.

Kiên Giang - Những người ngóng sếu bay về  - Ảnh 3.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan từ cỏ bàng trước khi xuất xưởng ở Phú Mỹ. Ảnh: TTH

Ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, Kiên Giang bên cánh đồng cỏ bàng đẹp như một bức tranh. Ảnh: TTH

Duyên là gương mặt đại diện cho một nhãn hàng sản xuất và bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cỏ bàng. Cô cũng đồng thời là đầu mối khai thác sản phẩm, phụ trách truyền thông và giám sát chất lượng hàng hóa. 

"Và em trông chừng cả việc thu hoạch cỏ bàng có làm tổn hại đến cánh đồng hoang hay không". Thông thường, cỏ bàng mọc xen với cỏ năn - là thức ăn của sếu đầu đỏ. Cỏ bàng cứ cắt mùa trước, mùa sau mới mọc thẳng đẹp và cỏ năn cũng nương theo đó phát triển. Cánh đồng ngập nước lợ lúc nào cũng xăm xắp, mênh mang. Mùa cỏ bàng tươi tốt, nước lênh láng mà cỏ cao lút đầu người. Những con sếu bay về ngụ ở đó cùng với những đôi chân dài và cặp mỏ sắc lẹm sục sạo trong các búi cỏ kiếm củ năn. 

"Trước đây em học xong đại học thì ở lại thành phố, sao rồi cuối cùng vẫn về lại nơi này, em cứ gắn bó với cánh đồng cỏ bàng rất khó cắt nghĩa lý do. Mùa chim di cư nào em cũng ngóng sếu về" - Duyên nói. 

Duyên của xưởng "Thom" và người thợ đan cỏ bàng lành nghề Thi Dền ở ấp Trà Phô, Phú Mỹ. Ảnh: TTH 

"Thom" trong tiếng Khmer có nghĩa là "Tự nhiên". Duyên dùng chữ "Thom" để đặt tên cho xưởng sản xuất của mình. Ngoài căn nhà xưởng nhỏ làm nơi tập kết nguyên vật liệu, thiết kế mẫu, xưởng sản xuất của "Thom" thật ra lớn rộng hơn nhiều, gồm cả ấp Trà Phô và ấp Cả Ngay của xã Phú Mỹ - nơi những cô bác, anh chị người Khmer ở đây biết làm nghề đan tay thủ công đồ mỹ nghệ từ cỏ bàng. Duyên thu mua sản phẩm của họ, tinh hay thô đều được, hoặc vẽ mẫu và đặt thợ trong ấp làm. Những món đồ có nguồn gốc ở nơi heo hút miệt Kiên Giang này bán chạy trên sàn thương mại điện tử, xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt đang "hot" nhất là mũ và túi xách đan bằng cỏ bàng.  

Từ cây cỏ dại, người thợ biến thành chiếc mũ trắng tinh yêu kiều trên đầu thiếu nữ hoặc chiếc giỏ xách phong cách cổ điển - vintag thu hút. Người ta ưa chuộng đồ mỹ nghệ cỏ bàng không chỉ vì sản phẩm nguyên liệu tự nhiên mà còn ở chỗ đó là đồ thủ công do bàn tay khéo léo mang theo cảm xúc của người thợ ở đó. 

Không chừng, mỗi món đồ cỏ bàng còn dung chứa cả câu chuyện như cổ tích về cụm dân cư êm đềm bên cánh đồng cỏ. Ở đó, cứ mỗi mùa chim di cư, ai cũng đều trông ngóng đàn sếu trở về.

Duyên tiết lộ rằng thành công nhất của cô là săn lùng được những "tay đan" kì cựu độc nhất vô nhị. Những bà lão Khmer khéo tay nhất trong ấp nắm giữ được cách đan cỏ bàng khó nhằn nhất, những họa tiết khù khoằn nhất mà ngoài họ ra không ai bắt chước nổi. Duyên nói đó là bí kíp của cô khi muốn có những mặt hàng độc lạ, lại hàm chứa tri thức dân gian trong văn hóa - nghệ thuật. 

Tài năng của mỗi người thợ như trầm tích, có khi họ không có cơ hội thể hiện. Vì thế những kiểu đan hoa văn hiếm, lạ bằng cỏ bàng khi không được ưa thích nên dần mai một đi. Duyên luôn sợ rằng kho tàng văn hóa dân gian lâu đời của người Khmer ở Trà Phô, sự khéo léo từ đôi tay người thợ thủ công mỹ nghệ đan cỏ bàng là một gia tài mà cô chưa đủ kinh nghiệm để tô sáng lên, khơi gợi và khai thác. Nhưng điều Duyên lo lắng đã không xảy ra.

Kiên Giang - Những người ngóng sếu bay về  - Ảnh 6.

Cô đã từng cả ngày lăn lê ở cánh đồng cỏ và các xưởng gia công chế tác cỏ bàng quy mô gia đình ở Trà Phô để tìm nghệ nhân. Thợ nào khéo, sâu lắng, chăm chỉ cô đều biết hết. Nhìn sản phẩm của họ là ra con người. 

Cỏ bàng bây giờ không giã giập rồi phơi khô như ngày xưa. "Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi" trong bài ca về đồng trũng Nam Bộ giờ không còn nữa. Các xưởng lớn đầu tư máy ép. Cỏ thu hái còn tươi cao chừng 1m mang phơi 3 ngày trên sào, ngoài bãi, sau đó ép qua máy cho giập dẹp rồi qua vài công đoạn chống mốc, chống ẩm nữa mới mang đan. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ dùng các nan cỏ đã sơ chế cho loại hàng cao cấp, trung cấp, thấp cấp. Có những món hàng tỉ mỉ, phải đan hoa văn đặc trưng thì chỉ có thợ lành nghề, lâu năm làm được.

Duyên rất yêu kính Thi Dền. Bà là một phụ nữ Khmer lớn tuổi nắm bí kíp đan họa tiết đặc biệt. Nghe đâu người phụ nữ này từng được truyền nghề từ bà ngoại, có cả việc theo học nghệ nhân Khmer vốn là một thầy cúng. Thi Dền không thể làm nhanh, nhưng làm tỉ mỉ, cẩn thận. Mỗi sản phẩm bà làm ra đều đẹp tinh xảo. Bà không nhớ hết cách đan nhiều hoa văn cổ được truyền dạy nhưng có sáng tạo ra nhiều cách đan khéo và đẹp, sẵn sàng dạy lại các kỹ thuật khó. Cả đời gắn bó với những thân cỏ mềm mại bẻ, kéo vặn xoắn, người phụ nữ này rất ít lời, chỉ cười và nói: "Cả đời ăn ngủ trên trảng cỏ bàng, ngày này ngày khác đều nhìn cầm nó, không đẹp sao được".

Còn các phụ nữ Khmer trẻ được truyền nghề thường đan tấm chiếu, đệm ngồi hoặc vài món hàng thủ công mỹ nghệ thông thường. Mặt hàng bán chạy thông dụng là đồ gia dụng cho các căn hộ hiện đại. 

Kì diệu là cánh đồng cỏ bàng đã khiến người dân ấp Trà Phô lâu nay không ai phải tha phương cầu thực, đi làm ăn xa. Họ sinh ra lớn lên ở đây, gắn bó với nghề đan cỏ bàng nên xóm ấp rất ấm áp, nhà nào cũng rộn rã tiếng cười có việc làm, có thu nhập. Những năm gần đây, các xưởng thu mua sản phẩm và đặt hàng bà con sinh ra ngày càng nhiều vì xu hướng mới người ta ưa thích tự nhiên, ưa thích sự thân thiện với môi trường và các sản phẩm mang dấu ấn cá nhân, trình diễn được văn hóa người dân tộc thiểu số nên bán được nhiều hơn.

Kiên Giang - Những người ngóng sếu bay về  - Ảnh 7.

Những người trẻ như Duyên không chỉ theo phong trào khởi nghiệp từ nông thôn, mà còn đại diện cho một thế hệ thanh niên quay lại với nguồn cội, khai thác vốn quý từ văn hóa dân tộc. Trà Phô đã từng được Dự án bảo tồn, khai thác bền vững đồng cỏ bàng Phú Mỹ nhắm tới từ năm 2004 và dự án kéo dài đến năm 2017 mới kết thúc. Dự án nhằm nghiên cứu, bảo tồn đồng cỏ - sinh cảnh của sếu đầu đỏ và quản lý, khai thác, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng dưới hình thức hợp tác xã làng nghề. 

Trà Phô trở thành một xóm ấp có nghề, sản xuất đại trà hàng hóa sau khi đã được tập huấn kỹ năng, phổ biến tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là người dân nhận thức và tư duy biến chuyển bằng cách canh tác cỏ bàng, thu hoạch, đan lát sau đó có cả tiếp thị và kinh doanh sản phẩm của mình quy mô gia đình. Đây cũng chính là mô hình hướng đi ao ước của rất nhiều làng quê Việt Nam muốn đi lên nông thôn mới, muốn có sản phẩm hàng hóa để gia nhập Chương trình mỗi làng xã một sản phẩm (OCOP) như Phú Mỹ. 

Riêng Phú Mỹ thiên nhiên đã ban tặng cả đồng cỏ, việc của con người là bảo tồn sinh cảnh để suy trì sinh kế của mình bền vững.

Kiên Giang - Những người ngóng sếu bay về  - Ảnh 8.

Mùa cỏ bàng an vui ở Trà Phô. Ảnh: TTH

Nhờ có những dự án từ nhiều hiệp hội, hội bảo tồn thiên nhiên, hội bảo tồn sếu…, Phú Mỹ dần trở thành cái tên được nhiều chuyên gia bảo tồn thiên nhiên biết tới. Đồng cỏ bàng được bảo vệ khỏi sự xâm lấn của đô thị. 

Kiên Giang - Những người ngóng sếu bay về  - Ảnh 9.

Trước đây, Phú Mỹ từng rất nóng việc người ta lật lên các vùng đất ngập mặn nhiễm phèn vốn là diện tích đồng cỏ để xây nhà, xây công trình, giờ đây không còn chuyện đó. Nghề đan cỏ bàng nhờ thế cũng được khôi phục lại, không chỉ giữ được nghề còn phát triển nghề hơn nữa. Người dân có thu nhập thì ắt sẽ giữ cánh đồng nguyên liệu của họ. Nhờ đó, môi sinh nguyên vẹn, sẽ còn chỗ để cho sếu trở về. Đó là kế sách một hướng đi, nhiều mục đích được thỏa mãn.

Phú Mỹ sẽ còn xán lạn hơn nữa vì Duyên và nhiều bạn trẻ khác - một thế hệ thông thạo công nghệ, có tri thức, có thể khai thác mạng xã hội, để quảng bá hình ảnh và lan truyền động lực nhanh, hiệu quả. Họ hiểu rằng, môi trường, cánh đồng cỏ là nguồn gốc của mọi vấn đề, là sinh kế của cộng đồng. Khi đàn sếu bay về cũng là lúc mùa cỏ bàng nở hoa. 

Kiên Giang - Những người ngóng sếu bay về  - Ảnh 10.