Kiểm tra học kì sớm, cắt xén chương trình là vi phạm quy chế chuyên môn

Ly Hương
10:17 - 11/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều trường phổ thông cho học sinh kiểm tra học kì 2 của năm học quá sớm dẫn đến có trường hợp giáo viên cắt xén chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn.

Kiểm tra học kì sớm khiến học sinh lơ là việc học

Thời điểm này, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã lên lịch kiểm tra học kì 2 năm học 2022-2023 cho học sinh. 

Đáng nói, nhiều trường cho các em kiểm tra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 dẫn đến thầy trò lơ là chuyện dạy và học, mặc dù năm học chưa kết thúc.

Thông thường các nhà trường sẽ cho học sinh kiểm tra ở lớp các môn học ít tiết như Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất… vào tuần cuối tháng 4. 

Đến tuần thứ nhất đầu tháng 5, học sinh được kiểm tra tập trung các môn nhiều tiết như Toán, Vật lí, Hóa học, Ngoại ngữ, Ngữ văn.

Kiểm tra học kì sớm, cắt xén chương trình là vi phạm quy chế chuyên môn - Ảnh 2.

Các nhà trường phổ thông có xu hướng cho học sinh kiểm tra học kì 2 của năm học quá sớm so với quy định. Ảnh: Đỗ Ngọc Ánh

Sau khi kiểm tra học kì xong, có trường cho học sinh nghỉ một tuần để giáo viên chấm bài nhưng đa số các nhà trường vẫn yêu cầu dạy và học theo thời khóa biểu. 

Cùng với đó, việc quản lí học sinh vào lúc này là rất vất vả. Mệt nhất là giáo viên chủ nhiệm, sau đó là giám thị và giáo viên bộ môn. Dễ nhận thấy là học sinh thường xuyên vi phạm nội quy kỉ luật như đi học trễ, ăn mặc không đúng quy định, gây mất trật tự trong giờ học…

Không lẽ đụng đến việc gì giáo viên chủ nhiệm cũng gọi điện cho phụ huynh nên thầy cô rất áp lực.

Học sinh có lực học khá giỏi, đa số các em có ý thức học, còn lại học sinh yếu kém thì gần như không mấy ai quan tâm đến bài vở. Nhiều em đi học đầy đủ chỉ vì sợ bị thầy cô hạ hạnh kiểm. 

Nhiều giáo viên than rằng, sau kì kiểm tra năm học, họ chẳng khác gì kiêm luôn việc giữ trẻ cho phụ huynh. Học trò chểnh mảng, thầy cô hết hơi. Học sinh các cấp đều biết, sau kì kiểm tra thì giáo viên không lấy điểm vào sổ nữa nên các em rất lơ là, sao nhãng trong việc học.

Cắt xén chương trình là vi phạm quy chế chuyên môn

Theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT (Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT) quy định đối với giáo viên trung học phổ thông có "37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học".

Tuy nhiên thực tế, từ sau khai giảng (thường là ngày 5/9/2022) đến khi kết thúc năm học (trước ngày 31/5/2023) có hơn 38 tuần đã bao gồm 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán nên còn 37 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục (trong đó số đó có 35 tuần thực học, 2 tuần dự phòng).

Quy định là thế nhưng vì học sinh lơ là việc học sau kiểm tra học kì dẫn đến có không ít giáo viên chỉ dạy đối phó với chương trình, thậm chí họ bỏ bài, cắt tiết, mặc dù nội dung bài học vẫn được thể hiện đầy đủ trong sổ đầu bài khiến hoạt động dạy học thiếu nghiêm túc, có dấu hiệu vi phạm quy chế chuyên môn.

Bên cạnh đó, Điều 31 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định giáo viên, nhân viên không được làm những điều sau đây: "Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục."

Giáo viên là viên chức làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục, nếu vi phạm pháp luật (làm sai quy chế chuyên môn theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thì sẽ bị kỉ luật theo các mức sau tùy vào mức độ vi phạm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Thiết nghĩ, các nhà trường phổ thông nên cho học sinh kiểm tra từ thời điểm 15/5 là phù hợp. Việc tổ chức kiểm tra chỉ cần một tuần là xong và sau đó giáo viên chấm bài, vào điểm, hoàn thành sổ sách và lãnh đạo thống kê báo cáo, rồi họp hội đồng sư phạm cuối năm là xong.