Công dân khuyến học

Khuyến học Quảng Nam - Đà Nẵng nối dài mạch nguồn truyền thống hiếu học

Khuyến học Quảng Nam - Đà Nẵng nối dài mạch nguồn truyền thống hiếu học

16:49 - 21/07/2025
Công dân & Khuyến học trên

Quảng Nam quê tôi cũng là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, hiếu học, đáng tự hào. Từ ngàn xưa đã nổi danh với truyền thống "Ngũ phụng tề phi", "Tứ Kiệt", "Tứ Hổ" – những biểu tượng cho sự đỗ đạt, cho tinh thần học tập và khát vọng làm rạng danh quê hương.

Khuyến học Quảng Nam - Đà Nẵng nối dài mạch nguồn truyền thống hiếu học - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố Đà Nẵng trao thưởng cho hai anh em song sinh Nguyễn Trí Hiền, Nguyễn Trí Hậu cùng đạt Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán Quốc tế năm 2025.

Mỗi độ thu về, khi đất trời chuyển mình trong tiết giao mùa, cũng là lúc lòng những người làm công tác khuyến học lại rộn ràng một niềm xúc cảm. Ngày 2 tháng 10 sắp đến – ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam – không chỉ là một dấu mốc lịch sử, mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại hành trình đã qua, lắng nghe tiếng gọi của lương tri và tiếp tục thắp sáng ngọn đèn tri thức trong từng mái nhà, từng phận người.

Năm nay, trong niềm vui hân hoan kỷ niệm 29 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (02/10/1996-02/10/2025), trong tôi dâng lên một niềm tự hào sâu sắc. Bởi chính quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng thân yêu của mình là vùng đất đã sớm đón nhận ngọn lửa khuyến học từ rất lâu – khi Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập từ ngày 26/10/1991, tức trước Trung ương Hội đến 5 năm. 

Nơi đây, từ trong gian khó, tinh thần hiếu học đã bén rễ và lớn lên như một dòng mạch ngầm bền bỉ. Những người thầy, người mẹ, người ông... nơi làng quê xa xôi đã làm khuyến học bằng tất cả tấm lòng son sắt và hy vọng cho tương lai con cháu.

Tôi hiểu sâu sắc điều đó hơn bất kỳ ai – bởi tôi là một đứa trẻ được sinh ra, lớn lên nơi làng quê bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, của đất cảng Hải Phòng – quê ngoại xa xôi. Tôi cũng đã từng sống trong nghèo khó, từng thức dậy từ hơn bốn giờ sáng, đi bộ gần chục cây số để đến trường vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước. 

Tôi từng run run khi ôm cặp sách cũ với cái bụng đói băng qua những chiều mưa đông giá lạnh của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ để đến trường. Nếu không có tình yêu con chữ mãnh liệt, có động lực vượt khó để đến trường, nếu không có sự ân cần giúp đỡ của thầy cô và sự bao bọc của bạn bè nơi mái trường cấp 3 Phục Lễ (nay là Trường Trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Phòng), chắc tôi đã chẳng bao giờ có thể đứng vững giữa cuộc đời và có được như ngày hôm nay.

Chính vì thế, tôi luôn mang trong mình một niềm tri ân sâu nặng với khuyến học, không chỉ vì trách nhiệm công việc, mà còn vì sự đồng cảm tự đáy lòng.

Mỗi khi gặp một em học trò nghèo nuôi giấc mơ đến trường, tôi như thấy lại chính mình của ngày xưa. Mỗi lần trao suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, tôi biết đó không chỉ là món quà vật chất, mà còn là lời thì thầm động viên: "Con ơi, hãy cố lên! Ánh sáng phía trước đang chờ con đó!".

Không phải ngẫu nhiên mà Nghệ An – quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lại được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chọn làm nơi tổ chức Lễ trao học bổng "Học không bao giờ cùng" lần thứ 5 vào ngày 18/7/2025.

Câu nói "Học không bao giờ cùng" chính là lời dạy của Bác Hồ – người đã suốt đời tự học, học mọi lúc, mọi nơi để làm cách mạng, để phục vụ nhân dân. Và cũng chính từ vùng đất giàu truyền thống cách mạng và tri thức ấy, tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết: Học tập không chỉ là con đường đến với tri thức, mà là cách chúng ta rèn nhân cách, giữ đạo làm người, khơi mở hy vọng và kiến tạo tương lai.

Quảng Nam quê tôi cũng là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, hiếu học, đáng tự hào. Từ ngàn xưa đã nổi danh với truyền thống "Ngũ phụng tề phi", "Tứ Kiệt", "Tứ Hổ" – những biểu tượng cho sự đỗ đạt, cho tinh thần học tập và khát vọng làm rạng danh quê hương. 

Và có lẽ ít ai biết, cụ Huỳnh Thúc Kháng – một trong những bậc đại trí thức của đất nước – từ năm 1934 đã khởi xướng phong trào khuyến học với lời kêu gọi được khắc lên bia đá tại Tiểu chủng viện Làng Sông: "Dù nhà nghèo, cũng phải học để nên người".

Từ mạch nguồn ấy, hôm nay, biết bao học sinh – sinh viên Quảng Nam, Đà Nẵng đã chinh phục đỉnh cao tri thức. 

Chúng ta tự hào về Em Đỗ Phú Quốc - học sinh lớp 12 chuyên Hóa Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Thánh Tông, Quảng Nam, xuất sắc đoạt huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2024. 

Hai anh em sinh đôi Nguyễn Trí Hiền và Nguyễn Trí Hậu, học sinh lớp 11 chuyên Toán, trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam, đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ II, được tổ chức tại Turkmenistan năm 2025... Những gương mặt ấy không chỉ là niềm tự hào của vùng đất học, mà còn là minh chứng sống động cho hiệu quả của phong trào khuyến học, khuyến tài mà chúng ta đang dày công vun đắp.

Tôi xúc động khi nghĩ về đội ngũ những người làm công tác khuyến học từ thành phố đến từng khu dân cư, thôn xóm. Hầu hết họ là cán bộ nghỉ hưu, nhiều người là giáo viên lớn tuổi – những con người âm thầm, tâm huyết, kiên trì vận động, kết nối và nâng đỡ từng học sinh khó khăn. Dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế, nhưng họ vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ cho sự nghiệp khuyến học, bởi trong tim họ luôn cháy mãi một tình yêu với con chữ, một niềm tin vào thế hệ tương lai.

Tôi cũng rất tin tưởng vào sự đổi thay của phong trào khuyến học trong giai đoạn mới – sau khi Chủ tịch nước Lương Cường - người đứng đầu Nhà nước có buổi gặp mặt với đội ngũ cán bộ khuyến học tiêu biểu toàn quốc vào ngày 10/7/2025 tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội. Đó là một tín hiệu mạnh mẽ, cho thấy khuyến học – khuyến tài không còn là "phong trào" đơn thuần, mà là quốc sách, là động lực căn bản của phát triển bền vững.

Tôi mong sao ngày càng có thêm nhiều người tham gia vào hành trình gieo chữ thiêng liêng này. Từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đến những người lao động bình thường – ai cũng có thể trở thành người bạn đồng hành cùng khuyến học. Hãy chung tay để mỗi ngọn đèn nhỏ trong đêm không tắt lịm, mỗi ước mơ của trẻ em nghèo không phải dang dở vì thiếu điều kiện đến trường. Trong hành trình nâng bước tới trường không có trẻ em nghèo nào bị bỏ lại phía sau...

Và xin được gửi lại những vần thơ như một lời nhắn nhủ chân thành từ trái tim của người đã đi qua gian khó để chạm vào tri thức, một người đang dốc lòng cho sự nghiệp tiếp lửa yêu học, yêu người: "Học trò nghèo dựng ước mơ/ Bước qua giông bão, vẫn chờ ánh mai/ Khuyến học – lặng lẽ miệt mài/ Như ngọn đèn nhỏ, thắp hoài không nguôi…"

Bài viết của tác giả Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon