Không khan hiếm thuốc Tamiflu, tuy nhiên cần dùng theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ
Gần đây, bệnh nhân mắc cúm phải nhập viện tăng cao, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Người dân có xu hướng "săn lùng" thuốc Tamiflu, tuy nhiên bác sĩ cảnh báo không nên tự ý sử dụng loại thuốc này.

Tamiflu là thuốc kê đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Loạn giá thuốc Tamiflu, bác sĩ cảnh báo người dân không nên tự ý sử dụng
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc khan hiếm thuốc Tamiflu - thuốc kháng vi rút điều trị cúm A tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đến giá loại thuốc này bị đẩy lên cao. Có nơi bán với giá từ 520.000-690.000 đồng/hộp/10 viên dù Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công khai giá bán buôn dự kiến là 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Phòng quản lý kinh doanh dược, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, liên quan đến hoạt chất Oseltamivir, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir (điều trị cúm) hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung.
"Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp, công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000 hộp. Sắp tới công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp cho nhu cầu sử dụng.
Hiện nay trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên. Giá bán buôn vẫn giữ nguyên".
Trước thông tin nhiều cửa hàng tăng giá bán thuốc Tamiflu, đại diện Phòng Quản lý kinh doanh dược nhấn mạnh, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo quy định với số tiền phạt từ 50.000.000-80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần theo quy định.
Ngoài ra, theo quy định, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.
Tại Việt Nam, số ca mắc cúm đã có sự gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Trong đó, các chủng virus cúm phổ biến là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh sởi có xu hướng giảm so với tháng 12/2024 nhưng vẫn có sự gia tăng tại một số địa phương.
Hiện nay, điều kiện thời tiết mùa Đông - Xuân với khí hậu ẩm thấp là môi trường thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Cục Quản lý dược cũng đã có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện và các cơ sở xuất, nhập khẩu thuốc đề nghị đảm bảo cung ứng thuốc điều trị.
Đồng thời đề nghị các đơn vị lập kế hoạch dự trữ, mua sắm thuốc điều trị cúm để kịp thời điều trị cho bệnh nhân. Các cơ sở xuất nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược cũng đề nghị các sở y tế tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng thuốc, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc Tamiflu
Thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, có triệu chứng sốt và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.
Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi. Loại thuốc này cũng gây ra một số tác dụng phụ, trong đó, thường gặp nhất của thuốc Tamiflu là có thể gây nôn, tiêu chảy, nhức đầu, đặc biệt có thể gây độc thận ở những người có bệnh thận.
Tamiflu là thuốc kê đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Tùy theo cân nặng, độ tuổi và tình trạng bệnh của trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc, dạng thuốc và liều lượng phù hợp. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Trẻ em và trẻ vị thành niên mắc cúm có thể có nguy cơ cao hơn gặp phải các biểu hiện co giật, lơ mơ hoặc các hành vi bất thường trong thời gian mắc bệnh. Các tác dụng phụ này có thể diễn ra một thời gian ngắn sau khi dùng thuốc Tamiflu hoặc cũng có thể xảy ra bởi bệnh cúm chưa được điều trị đầy đủ. Các biểu hiện dạng này không thường gặp nhưng có thể dẫn đến các tổn thương do tai nạn xảy ra ở người bệnh.
Thuốc Tamiflu chống chỉ định dùng trong các trường hợp quá mẫn với Oseltamivir phosphat hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google