Khởi tố nhóm đối tượng gặp thanh niên nào "không vừa mắt" là cầm dao phóng lợn đuổi đánh

Minh Châu
16:08 - 10/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Nhóm 9 đối tượng này hễ gặp thanh niên nào trên đường "không vừa mắt" là cầm dao phóng lợn đuổi đánh. Hành vi của 9 đối tượng thể hiện sự coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Khởi tố nhóm đối tượng gặp thanh niên nào "không vừa mắt" là cầm dao phóng lợn đuổi đánh- Ảnh 1.

Nhóm đối tượng tại Cơ quan Công an. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Khởi tố 9 đối tượng gây rối trật tự công cộng

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 8/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố 9 bị can về tội Gây rối trật tự công cộng.

Các đối tượng gồm: Lương Văn Sang, Lương Quang Quyền (cùng sinh năm 2006, cùng trú tại thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách), Đặng Hoàng Việt, Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Văn Hưng (cùng sinh năm 2006, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Xuân Khải, cùng sinh năm 2004, Nguyễn Sỹ Pho, sinh năm 2005, cùng trú tại xã Nam Trung, huyện Nam Sách), Lương Viết Phúc Sơn (sinh năm 2006, trú tại xã An Bình, huyện Nam Sách).

Khoảng 21 giờ ngày 19/11/2023, nhóm 9 thanh niên trên tụ tập, mang theo 4 dao phóng lợn, điều khiển 5 xe mô tô với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bấm còi inh ỏi trên các đoạn đường dẫn cầu Hàn, đường tỉnh lộ 390, đường liên xã Hợp Tiến - Thanh Quang, đường liên xã Nam Chính - Quốc Tuấn thuộc các xã Nam Trung, Nam Chính, Hiệp Cát, Quốc Tuấn, huyện Nam Sách nhằm tìm nhóm thanh niên có mâu thuẫn từ trước để đánh trả thù.

Đi đến gần ngã ba chợ La, xã Hiệp Cát, nhóm 9 đối tượng này tách ra thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 5 đối tượng cầm theo 2 dao phóng lợn chạy tốc độ cao, lạng lách đi lên đoạn cổng Ủy ban Nhân dân xã Hợp Tiến, thấy anh Trần Ngọc Khang (sinh năm 2008, trú tại xã Hợp Tiến) và Phan Văn Việt Anh (sinh năm 2007, trú tại xã Hiệp Cát) đang ngồi uống nước ở quán rìa đường, đã đe dọa đuổi đánh.

Nhóm thứ hai gồm 4 đối tượng điều khiển 2 xe mô tô chạy tốc độ cao, cầm 2 dao phóng lợn kéo lê xuống đường tạo tia lửa đuổi đánh, đe dọa 5 thanh niên khác gồm: Lê Khả Đức, Nguyễn Văn Cung, Lê Khả Tú (cùng sinh năm 2006), Doãn Thế Chuyền, Trần Thế Ánh Dương (cùng sinh năm 2005), đều trú tại xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách. Do sợ hãi, Chuyền và Dương bỏ chạy, bị ngã xe mô tô. Hậu quả Dương bị thương nặng; Chuyền bị chấn thương phần mềm; xe máy của Dương và Chuyền bị hư hỏng nặng.

Đáng chú ý, Chuyền, Dương và những thanh niên bị nhóm 9 đối tượng trên đuổi đánh không hề có mâu thuẫn từ trước với nhóm này. Nhóm 9 đối tượng này hễ gặp thanh niên nào trên đường "không vừa mắt" là cầm dao phóng lợn đuổi đánh.

Hành vi của 9 đối tượng thể hiện sự coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý các đối tượng theo quy định.

Tội gây rối trật tự công cộng bị xử phạt như thế nào?

Gây rối trật tự công cộng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại cho lợi ích nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân.

Hành vi gây rối trật tự công cộng có thể thể hiện qua một số các hành vi như sau:

Dùng lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một hoặc nhiều người;

Hành vi phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị ở nơi công cộng;

Hò hét, tạo tiếng động gây ầm ĩ, đua xe máy trái phép;

Tụ tập ẩu đả, đánh nhau ở nơi công cộng.

Những hành vi khác...

Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại về vật chất; hoặc phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội. Vì vậy, đối với hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ có những chế tài xử phạt riêng biệt nhằm co hẹp cơ hội hành vi này có thể phát sinh trong tương lai.

Xử phạt hành chính đối tượng gây rối trật tự công cộng

Căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thì hành vi gây rối trật tự công cộng bị xử lý như sau:

Người có hành vi gây rối trật tự công cộng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Mức hình phạt thấp nhất là từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng và mức hình phạt cao nhất lên đến 40.000.000 đồng đối với các hành vi được cho là gây rối trật tự công cộng.

Người có hành vi gây rối trật tự công cộng còn có thể phải chịu một số hình thức xử phạt bổ sung như:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

Tước quyền sử dụng giấy phép của cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng

Tước quyền sử dụng phép bay từ 3 tháng đến 6 tháng

Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính;

Người có hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ phải thực hiện một trong số các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn ;

Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm;

Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;

Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh

Xử lý hình sự đối tượng gây rối trật tự công cộng

Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, Điều 318 quy định Tội gây rối trật tự công cộng như sau: 

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

  • Tham khảo thêm

    Báo động tình trạng thanh thiếu niên tham gia giao thông không an toàn, gây rối trật tự công cộng

    Báo động tình trạng thanh thiếu niên tham gia giao thông không an toàn, gây rối trật tự công cộng