Khởi tố, bắt tạm giam cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex

Trúc Lâm
12:54 - 28/07/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ông Võ Thành Tiên, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex liên quan đến vụ án lừa đảo tại đơn vị này

Ngày 27/7, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Võ Thành Tiên (sinh năm 1962, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex). 

Liên quan đến vụ án tại Công ty Cadovimex, trước đó Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Ngô Văn Phăng (sinh năm 1968, ngụ Cà Mau, cựu Chủ tịch HĐQT Cadovimex); khởi tố cho tại ngoại đối với các bị can: Võ Hùng Cường (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex); Dương Văn Tường (cựu Kế toán trưởng Công ty Cadovimex).

Cũng liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố một số cán bộ ngân hàng nhưng cho tại ngoại gồm các ông Nguyễn Văn Khẩn, Trần Minh Đức, Trần Hữu Cường, Phan Đình Cường và Trần Thị Hồng.

Riêng 2 cán bộ ngân hàng khác là Nguyễn Hùng Cường và Lê Kim Hùng đã bỏ trốn và đang bị truy nã. Các cán bộ này bị khởi tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cadovimex

Trước đó, vào ngày 9/11/2023, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố 5 bị can liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Công ty Cadovimex. Trong số đó, 3 người được cho tại ngoại và 2 người bị khởi tố. 

Cụ thể, 2 người bị khởi tố, bắt tạm giam là Tăng Gia Phong, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau và Phạm Thị Hường, cựu Tổng Giám đốc Cadovimex.

Ba người bị khởi tố, cho tại ngoại là Dương Ngọc Thới (SN 1976), cựu Tổng Giám đốc Cadovimex; Trần Hoàng Giang, cựu Tổng Giám đốc Cadovimex và Trần Minh Hoàng, cựu Phó Tổng Giám đốc Cadovimex.

Những người này bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các khoản vay tại Ngân hàng Quân đội.

Cadovimex được thành lập vào những năm 1980, là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Giai đoạn trước năm 2010, Công ty này có các hoạt động vay vốn tại Ngân hàng Quân đội chi nhánh Cà Mau...
Khởi tố, bắt tạm giam cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản CADOVIMEX.

Theo thông tin từ Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cũng đã khởi tố và bắt tạm giam Ngô Văn Phăng, cựu Chủ tịch HĐQT Cadovimex. Đồng thời, khởi tố cho tại ngoại Võ Hùng Cường, cựu Phó tổng Giám đốc và Dương Văn Tường, cựu kế toán trưởng Công ty Cadovimex.

Ông Tăng Gia Phong bị bắt về những sai phạm liên quan trong thời gian ông này còn công tác ở Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex, liên quan đến hồ sơ vay vốn của Công ty này với một ngân hàng Quân đội và mất khả năng chi trả.

Theo Báo Chính phủ, từ năm 2005 đến tháng 7/2008, ông Phong làm Kế toán trưởng của Công ty Cadovimex. Tháng 8/2008, ông Phong giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Cadovimex. Sau đó, ông Phong về làm cán bộ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau. Thời gian sau, ông Phong được bổ nhiệm làm Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho đến đến nay.

Tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” bị xử phạt thế nào? 

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng với các khung hình phạt như sau:

- Khung hình phạt cơ bản: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Thực hiện một trong các hành vi gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, gồm:

+ Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng.

+ Cấp tín dụng không có đảm bảo hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật.

+ Vi phạm quy định về tỉ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

+ Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp có tài sản bảo đảm.

+ Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng.

+ Cấp tín dụng vượt quá giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

+ Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng.

+ Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả.

+ Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép.

+ Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.

- Khung hình phạt thứ hai: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

(Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng).

- Khung hình phạt thứ ba: Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

(Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng).

- Khung hình phạt thứ tư: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm

(Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng).

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời còn phải chịu thêm các hình phạt bổ sung hoặc khung hình phạt sẽ thấp, cao hơn nếu có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Bình luận của bạn

Bình luận