Khởi động dự án cứu hộ gấu lớn nhất cả nước tại Vườn quốc gia Bạch Mã

Quỳnh Giang
07:31 - 16/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã được khởi động từ ngày 15/7/2022 và sẽ hoàn thiện vào năm 2026.

Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu cơ sở 2 sẽ cứu hộ, chăm sóc hơn 300 cá thể gấu 

Ngày 15/7, tại Vườn quốc gia Bạch Mã thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm phối hợp Tổ chức Động vật Châu Á và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khởi động Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2.

Khởi động Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã - Ảnh 1.

Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và Tổ chức Động vật Châu Á chụp ảnh lưu niệm cùng lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Bạch Mã. Nguồn: Báo Nhân dân

Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã là dự án thiết yếu trong việc cứu hộ và chăm sóc nhân đạo cho toàn bộ các cá thể gấu vẫn đang sống mòn trong các trang trại nuôi gấu lấy mật - ngành kinh doanh đang đẩy gấu chó và gấu ngựa, hai loài động vật thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng. 

Đây sẽ là trung tâm cứu hộ gấu lớn nhất Việt Nam.

Theo Cục Kiểm lâm, hiện còn khoảng 870 cá thể gấu đang được nuôi trong các cơ sở tư nhân và các hộ gia đình, ngoại trừ hơn 300 cá thể gấu đã được đưa về các trung tâm cứu hộ gấu do Nhà nước quản lý. Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 do Tổ chức Động vật Châu Á viện trợ không hoàn lại 10,5 triệu USD (tương đương 242,5 tỷ Đồng), được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Khởi động Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã - Ảnh 2.

Mô hình Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Nguồn: Báo Chính phủ

Với quy mô hơn 12ha, bao gồm 6 nhà gấu đôi và 12 khu bán hoang dã, có bệnh viện thú y hiện đại, khu chế biến thức ăn cho gấu, khu giáo dục truyền thông, khu xử lý chất thải, nước thải theo tiêu chuẩn hiện đại nhất, không gây ô nhiễm môi trường, Trung tâm sẽ cứu hộ, chăm sóc hơn 300 cá thể gấu được tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân và các vụ vi phạm. Trung tâm sẽ hoàn thiện vào năm 2026.

Việt Nam phấn đấu chấm dứt nuôi gấu trong cơ sở nuôi nhốt gia đình

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, Việt Nam là một trong những nước tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ rất sớm (năm 1994). 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã coi tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật mẫu vật động vật hoang dã là một trong những thách thức đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học; cùng với đó là hàng loạt các hành động nhằm đấu tranh, ngăn chặn và giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng đã được triển khai, bao gồm cả việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng và tăng cường thực thi luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Khởi động Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại buổi khởi động dự án. Nguồn: Báo Nhân dân

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, dự án Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 được triển khai thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ các quy định của những Công ước quốc tế liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động vật hoang dã mà Việt Nam đã tham gia.

Thông qua thực hiện dự án, Việt Nam phấn đấu chấm dứt việc nuôi gấu trong cơ sở nuôi nhốt của hộ gia đình, cá nhân vào cuối năm 2026. Loài gấu tại Việt Nam sẽ được bảo tồn bền vững qua việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ loài gấu và lồng ghép vào chương trình nghiên cứu tái thả và bảo tồn loài gấu trong tự nhiên.

Việc đưa vào vận hành các Trung tâm này sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu cơ sở chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã do người dân tự nguyện trao trả, do tịch thu hoặc xử lý các vụ án, vụ việc vi phạm. Các hoạt động của dự án sẽ được lồng ghép vào hoạt động du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Bạch Mã, là điểm đến hấp dẫn lớn đối với khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người lao động địa phương.

Khởi động Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã - Ảnh 4.

TS Jill Robinson MBE, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á phát biểu tại buổi lễ Khởi động Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Nguồn: Báo Nhân dân

TS. Jill Robinson MBE, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á chia sẻ: Việt Nam là quốc gia đầu tiên cấm hoàn toàn nuôi nhốt gấu lấy mật, và hôm nay Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm và tầm nhìn để hiện thực hóa việc đóng cửa các trại nuôi gấu lấy mật và cứu hộ hết toàn bộ gấu còn bị nuôi nhốt. Thay mặt những người yêu và ủng hộ công tác bảo tồn gấu trên toàn thế giới, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Việt Nam, ngày hôm nay đã thể hiện rõ quyết tâm hợp tác và hỗ trợ Tổ chức Động vật Châu Á trong những năm qua.

Khởi động Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã - Ảnh 5.

Ngày 27/5/2022, tại Vườn quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế), Cục Kiểm lâm Việt Nam cùng Tổ chức Động vật châu Á và Vườn quốc gia Bạch Mã đã tổ chức lễ ra mắt giới thiệu Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Nguồn: Báo Chính phủ

Trước đó, ngày 27/5, tại Vườn quốc gia Bạch Mã, Cục Kiểm lâm Việt Nam cùng Tổ chức Động vật châu Á và Vườn quốc gia Bạch Mã đã tổ chức ra mắt giới thiệu Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam II với năng lực nuôi cứu hộ hơn 300 cá thể gấu trong môi trường bán tự nhiên.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, cho biết: "Với quy mô nuôi hơn 300 cá thể gấu tại Trung tâm cứu hộ gấu ở Bạch Mã, tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật; và quan trọng hơn là các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt sẽ được chuyển về đây và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ có thêm địa chỉ tham quan, thêm mô hình học tập và nâng cao nhận thức cho du khách và cộng đồng địa phương về trách nhiệm và sự tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và các loài gấu nói riêng".

Tổ chức Động vật châu Á là gì?

Tổ chức Động vật châu Á- AAF (Animals Asia Foundation ) được thành lập từ năm 1998 do Tiến sỹ Jill Robinson, quốc tịch Anh sáng lập và được cấp Giấy phép hoạt động tại Việt Nam theo quyết định AT 114/UB-DA ngày 25/8/2016 bởi Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. 

Tổ chức Động vật châu Á là một tổ chức từ thiện đăng ký với chính phủ, có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), văn phòng đại diện tại nhiều nước như Anh, Mỹ, Đức, Ý, Úc và hai Trung tâm cứu hộ gấu tại Việt Nam và Trung Quốc. 

Tổ chức Động vật châu Á là nơi quy tụ những chuyên gia có chuyên môn và tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn và chăm sóc động vật, đặc biệt là gấu. Thông qua việc hợp tác với các chính phủ và thiết lập các chương trình cộng đồng địa phương, tổ chức hoạt động nhằm hướng tới chấm dứt mọi sự tàn ác đối với động vật tại châu Á.

Tổ chức Động vật Châu Á bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2006. Đến nay, Tổ chức này đã cứu hộ và chăm sóc 251 cá thể gấu ngựa và gấu chó tại Việt Nam; trong đó, có 202 cá thể đang được chăm sóc trong an toàn và tự do tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam (Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Đến thời điểm này, Tổ chức Động vật Châu Á đã đầu tư hơn 18,5 triệu USD để xây dựng, vận hành và duy trì Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.

Tổ chức Động vật Châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước và đưa toàn bộ gấu về các cơ sở cứu hộ, lộ trình từ năm 2017 tới năm 2022. Trong khi đó, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam do Tổ chức Động vật Châu Á đang vận hành và tài trợ tại Tam Đảo đang dần vận hành hết công suất cứu hộ. 

Mặc dù trên cả nước, hiện có một số Trung tâm Cứu hộ khác có khả năng cứu hộ gấu, nhưng không một trung tâm nào có thể đảm bảo công suất cứu hộ với số lượng toàn bộ 300 cá thể còn lại.