Khi thầy cô “sợ” học sinh
Gần đây, trên mạng xã hội và trên các diễn đàn chủ đề được bàn luận sôi nổi nhiều nhất về nghề giáo với “Áp lực khi phạt học sinh” hoặc “Nghề giáo là một nghề nguy hiểm”. Những ý kiến nhận về có cả hai phía, hiểu và thông cảm cho thầy cô giáo hoặc ngược lại.
Chúng ta cùng đề cập đến một vài góc nhìn khách quan về thái độ, hành vi ứng xử giữa thầy cô và học trò trong môi trường giáo dục hiện nay.
Học sinh vi phạm - thầy cô không phạt
Một facebook có tên là H.K viết: “Một lần họp cựu học sinh, thầy của tôi nói: Dạy mấy em hồi đó dễ, bây giờ khó lắm. Thí dụ, một học sinh nói chuyện, tôi chọi một cục phấn nhỏ cho em ấy im, nhưng nếu em ấy bụm mắt lên trình hiệu trưởng, thì tôi bị kiểm điểm.”
Một thầy giáo dạy cấp 3 với thâm niên trên 30 năm khi được hỏi: “Nếu gặp học sinh cứng đầu không chịu học thì làm sao? Thầy nói: Kệ. Nếu học sinh giỡn thì sao? Cũng kệ. Bởi nếu thầy mà nóng giận với học sinh, có những lời to tiếng, sẽ có video quay và quăng lên mạng, thầy sẽ bị kỷ luật vì “bạo hành tâm lý”".
Việc nâng cao quyền của học sinh, quyền trẻ em, quyền con người đôi khi biến các em thành một đẳng cấp bất khả xâm phạm, điều mà dù các em có sai, có lỗi, giáo viên cũng rất khó dạy, rất khó phạt và rất khó “đụng chạm”.
Không ai cấm giáo viên phạt học trò nhưng việc xử phạt phải nằm trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức. Viên phấn, miếng giẻ lau bảng hay cây thước…có thể vừa là công cụ dạy học, vừa là “vũ khí” tiện tay để trách phạt học trò. Vấn đề là, giáo viên phải hiểu và phải có ý thức về “ngưỡng” quyền hạn của mình đối với học trò. Thầy biết vai trò của thầy, học sinh biết giới hạn của chính mình.
Những tình huống, học sinh hư hỗn, phá phách, bất tuân chúng ta có quyền dạy dỗ, xử phạt nhưng chắc chắn không nên đánh đập, chửi mắng và chà đạp các con. Trường học có quy định của trường học, luật pháp có quy định về quyền con người, về bảo vệ danh dự và nhân phẩm, thầy cô muốn phạt học trò như một biện pháp răn đe để các em tiến bộ, cũng cần có nhận thức đúng và đủ về quy định, pháp luật. Và trên hết, là đạo đức người thầy, lòng trắc ẩn xuất phát từ trái tim để hiểu cho những hành vi ngỗ ngược do tâm lý tuổi dậy thì hoặc thông cảm cho cách ứng xử chưa đúng mực do hoàn cảnh khách quan gây nên.
Làm thầy rất khó, không chỉ dạy chữ, còn dạy làm người, nếu hành vi bạo lực được nhen nhóm từ chính tư tưởng của thầy cô khi nương vào thói quen rằng “thương cho roi cho vọt”, thì rất có thể tác dụng sẽ ngược lại, giống như “dùng xăng dập một đám cháy”.
Từ nỗi sợ "mơ hồ" đến thái độ “nửa vời” với sự nghiệp trồng người
Có nhiều bậc phụ huynh thông cảm với giáo viên, nhất là những phụ huynh thế hệ 7x, 8x, họ phần nào thấu hiểu được những tâm sự của người thầy của mình năm xưa. Đối với họ, và với chính thầy cô xưa, những phản ứng như đã thành thói quen sau hàng chục năm dạy học, cách ứng xử với học sinh ngỗ ngược, giờ các thầy cô thuộc thế hệ cũ đã trở nên lạc lõng với hình thức dạy mới, bởi vậy đa số sẽ chọn cách im lặng vì thời gian còn gắn bó trên bục giảng không còn bao nhiêu…
Các em học sinh ở lứa tuổi vị thành niên đang định hình tính cách, quan điểm nhà trường chỉ là môi trường học tập kiến thức là vô cùng sai lầm. Ngạn ngữ có câu: “Học thầy không tày học bạn” - một học sinh tới trường không chỉ học kiến thức ở thầy cô, mà chúng còn học trăm vạn điều khác ở những đứa bạn cùng trang lứa, học từ những điều mắt thấy, tai nghe. Bởi, nhà trường cũng chính là một môi trường xã hội đầu tiên mà trẻ tiếp xúc. Sẽ ra sao nếu như chúng thấy những điều mà người lớn chúng ta chướng mắt, chướng tai nhưng lại bị thầy cô thờ ơ, xem như không tồn tại chỉ vì ngại va chạm.
Sự thờ ơ, bàng quan trước lỗi sai của học sinh vì “sợ" những "camera" giám sát xung quanh, sợ phụ huynh ý kiến, sợ những video được tung hê trên mạng hay là “sợ” chính mình đang làm sai - sẽ khiến cho lứa học sinh bị thui chột ý chí phấn đấu, bị rơi vào cách nghĩ sai lầm: dù hư hay ngoan, làm tốt bài vở hay bỏ bê thì tất cả đều giống nhau, sao cũng được. Theo đó, môi trường giáo dục thực sự không còn là nơi hướng thiện, “trồng người”; thầy cô không còn là điểm tựa, là tấm gương để các em “học theo”, nghe theo.
Tranh luận về vấn đề này, không ít phụ huynh mong muốn thầy cô, nhà trường cần nghiêm khắc hơn đối với chính con em của họ. Nhưng là những người làm giáo dục, không thể với học sinh này thầy cô hà khắc vì được phụ huynh cho phép, với học sinh khác lại thờ ơ, bỏ qua những vi phạm nhỏ, thậm chí ngại va chạm với học sinh vì biết đó là cậu ấm, cô chiêu của gia đình quyền thế.
Từ góc độ người làm cha làm mẹ, chúng ta cũng có những nỗi lo trước việc thầy cô không nghiêm khắc uốn nắn con em chúng ta. Việc giáo dục nhân cách không chỉ là nhiệm vụ của gia đình, như đã nói bên trên, môi trường nhà trường chính là xã hội đầu tiên mà trẻ tiếp xúc, góp phần lớn vào hình thành nhân cách.
Nếu như không có những quy chế, chế tài rõ ràng và những “nỗi sợ” vô hình trở thành áp lực đối với thầy cô, thầy cô không biết phạt sao cho đúng, làm thế nào cho chừng mực, thì phải chăng, thầy cô cũng cần phải học - những bài học trong cuộc sống, bài học về nghề giáo; bài học để phạt làm sao cho học sinh tâm phục, khẩu phục chứ không phải dùng nhục hình bêu rếu hay bạo lực?
Trước khi phạt, hãy nghĩ đến tâm lý trò sẽ bị tổn thương thế nào trước các bạn cùng lớp, cùng trường? Hay nếu không phạt, thì có công bằng với những trò ngoan, trò giỏi; có công bằng với chính học trò vi phạm hay không? Các em đến trường là để được giáo dục, dạy dỗ, để trở nên tốt hơn mỗi ngày, để thành người có ích; nếu sai không được uốn nắn, nếu lười biếng không được đốc thúc, thì các em đến trường để làm gì?
Đây là một chủ đề vô cùng nóng, nhận được sự quan tâm của cả xã hội. Những vụ việc đáng tiếc về hành xử của cả cô và trò như trong thời gian qua gây nên cả sự phẫn nộ và cảm thông. Chúng ta có thể đứng trên góc độ của người thầy để thấu hiểu những khó khăn mà họ đang phải đối mặt trong một xã hội diễn biến nhanh như vũ bão; đồng thời cũng đứng trên góc độ của những em học sinh, để nói lên những đòi hỏi, những yêu cầu chính đáng về một môi trường giáo dục trách nhiệm, yêu thương và nhân văn. Hơn nữa, ở góc độ của những bậc cha mẹ, của người làm quản lý giáo dục để thấy cần phải uốn nắn, giáo dục con em mình từ gia đình ra sao, cần thay đổi những gì trong công tác quản lý giáo dục.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google