Khánh thành bệnh viện gần 6.000 tỉ đồng tại thành phố Hồ Chí Minh

09:59 - 16/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2) được xây dựng tại phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức, có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư 5.845 tỉ đồng.

Tăng cường đầu tư cho công tác tầm soát, phát hiện sớm để chủ động điều trị bênh ung thư

Ngày 15/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2).

Dự án Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2) đã nghiệm thu đưa vào sử dụng khối phòng khám vào tháng 10/2020. Tháng 7/2021, khu điều trị nội trú của bệnh viện được tạm chuyển đổi công năng thành Trung tâm Hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường.

Khánh thành bệnh viện gần 6.000 tỉ đồng tại thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 đáp ứng về tiêu chuẩn bệnh viện hiện đại với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản; hệ thống trang thiết bị hiện đại; không gian khám chữa bệnh khang trang, sạch đẹp, là nơi mà bệnh nhân cảm thấy an tâm, thoải mái, “trao niềm tin, nhận lại hy vọng”.

Với bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế và ngành y tế tăng cường đầu tư cho công tác tầm soát, phát hiện sớm để chủ động điều trị; tăng cường hệ thống quản lý các loại bệnh, trong đó có ung thư; điều trị, chăm sóc chu đáo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao năng lực, tay nghề các y bác sĩ. Thực tế hiện nay, đa số bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh muộn, nên việc điều trị rất khó khăn; nếu được phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng có hiệu quả.

Khánh thành bệnh viện gần 6.000 tỉ đồng tại thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế và ngành y tế tăng cường đầu tư cho công tác tầm soát, phát hiện sớm để chủ động điều trị bệnh ung thư. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền về các đề xuất, kiến nghị để Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2) có điều kiện thuận lợi tiếp tục phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân; góp phần xây dựng mạng lưới cơ sở y tế chất lượng cao.

Thủ tướng đề nghị thành phố Hồ Chí Minh phát huy thế mạnh là đầu tàu kinh tế, là trung tâm y tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, quan tâm hơn nữa, tập trung đầu tư, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng bệnh và chữa bệnh nói chung, các bệnh nan y nói riêng, trong đó có bệnh ung thư. Chú trọng phát triển y tế dự phòng và y tế cơ sở để chủ động phòng ngừa, khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.

Với Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, theo Thủ tướng, cần xác định ung thư là bệnh đặc biệt, người bị ung thư là bệnh nhân đặc biệt, điều trị bệnh không chỉ bằng các biện pháp y học đơn thuần mà phải quan tâm giải quyết các vấn đề tâm lý của người bệnh.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế của ngành Y tế nói chung, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với tinh thần “luôn đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết”, tiếp tục nỗ lực, cống hiến, mãi thắp sáng ngọn đuốc truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân.

Rà soát, bố trí thêm nguồn vốn để hoàn thành 3 bệnh viện lớn

Cùng ngày, Thủ tướng đã đi khảo sát tình hình thực hiện dự án xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, do Thành phố làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 1.915 tỉ đồng.

Tại đây, Thủ tướng cũng nghe báo cáo về quy hoạch, đầu tư 5 bệnh viện cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh gồm Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động được 5 năm, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh vừa được khánh thành, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức.

Khánh thành bệnh viện gần 6.000 tỉ đồng tại thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 4.

Thủ tướng khảo sát tình hình thực hiện dự án xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự kiến, Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Củ Chi và Bệnh viện Hóc Môn sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đầu tư cho trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Trong đó, Bệnh viện Thủ Đức khởi công tháng 11/2021, có quy mô 1.000 giường và quy mô lưu bệnh là 500 giường hiện đại, chất lượng cao, hình thành các chuyên khoa sâu với các thiết bị y khoa đồng bộ, hiện đại, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật và trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực thành phố Thủ Đức và các vùng lân cận.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đã có các văn bản kiến nghị Trung ương quan tâm xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ là Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng (mỗi dự án đề xuất bố trí 1.500 tỉ đồng).

Thủ tướng đề nghị Thành phố tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thành sớm việc giải ngân khoản vốn đầu tư công 1.500 tỉ đồng trong năm 2023 dành cho các Bệnh viện Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, bảo đảm đúng quy định, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh sớm rà soát, xem xét, điều tiết nguồn vốn từ các dự án khác chậm giải ngân hoặc từ kế hoạch vốn năm 2024 để bố trí thêm ngân sách cho các dự án.

Nguồn: Báo Chính phủ