Khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII
Sáng 2/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã khai mạc trọng thể. Dự kiến, Hội nghị sẽ làm việc tới ngày 8/10.
Mở đầu hội nghị, Trung ương dành 1 phút tưởng niệm cố Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các nạn nhân bị thiệt mạng bởi thiên tai, hoả hoạn vừa qua.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng điều hành phiên khai mạc.
Tại Hội nghị này, Trung ương sẽ bàn và cho ý kiến kết luận về các vấn đề sau: Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc Trung ương xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024 được đặt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi và so với dự báo, đã ảnh hưởng tiêu cực, rất nặng nề đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong khi ở trong nước, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài đối với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta, và những tồn tại, hạn chế, yếu kém nội tại, kéo dài từ lâu của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.
“Đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu thật kỹ Tờ trình và các Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua; chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 với tinh thần thật sự khách quan, toàn diện. Từ đó, xác định rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024; trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024”, Tổng Bí thư đề nghị.
Đề cập về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ do Đại hội XIII của Đảng đề ra, Trung ương cần tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao về nhận định, đánh giá tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này. Từ đó, phân tích, dự báo một cách có cơ sở khoa học về bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới; xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân trong thời kỳ mới.
Liên quan việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Trung ương cần phân tích, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới, sự phát triển và thay đổi về nhu cầu, lợi ích của các giai tầng xã hội hiện nay; tinh thần là những kết quả, thành tựu chủ yếu cần tiếp tục được phát huy; những hạn chế, khuyết điểm cần sớm được khắc phục, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được rút ra, và chủ trương, chính sách tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Nghị quyết mới và những nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị quyết về "Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc".
Vấn đề thứ 4 được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập là việc xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, khẳng định trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà - Nguyên khí của quốc gia, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết quan trọng này là việc làm hết sức cần thiết để Trung ương phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tình hình và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực đã và đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Đề nghị, Trung ương tập trung phân tích, đánh giá thật khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu.
Chỉ rõ những mục tiêu, quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp nào đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn, cần tiếp tục kiên trì, nghiêm túc thực hiện, Tổng Bí thư đề nghị: “Cần phân tích thật thấu đáo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, thấy rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho phù hợp với tình hình mới. Tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ hội cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức phải vượt qua để chủ động từ sớm, từ xa, trong mọi tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, cho ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết mới của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Một vấn đề quan trọng nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị đó là việc cho ý kiến về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV, nêu rõ xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tổng Bí thư cho biết, ngày 7/7/2023 vừa qua, căn cứ vào quy chế làm việc và Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/TW về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031, trong đó xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc; mục đích yêu cầu; tiêu chuẩn; số lượng và cơ cấu; đối tượng và độ tuổi; quy trình giới thiệu, phê duyệt quy hoạch và hồ sơ nhân sự; số lượng phát hiện, giới thiệu đưa vào quy hoạch...
“Thời gian qua, trên cơ sở phát hiện, giới thiệu của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031 đã khẩn trương, nghiêm túc phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương rà soát, thẩm định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho định hướng hoàn thiện thêm một bước dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV để trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị lần này. Đề nghị các đồng chí phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thật sự khách quan, công tâm, thể hiện chính kiến của mình đối với Tờ trình và dự kiến Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Dự kiến hội nghị làm việc đến ngày 8/10.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google