Kết quả học tiếng Anh trong nhà trường có đáng lo ngại?
Môn tiếng Anh, môn học được đầu tư nhiều nhất, học thêm rầm rộ nhất nhưng lại là môn có tỷ lệ trượt trung bình cao nhất trong kỳ thi Trung học phổ thông 2025. Câu hỏi đặt ra: Có gì đó đang sai trong cách chúng ta dạy và học tiếng Anh hiện nay?

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm trung bình môn Tiếng Anh trong kỳ thi trung học phổ thông năm 2025 là 5,38, điểm trung vị là 5,25.
Nếu xét riêng về điểm trung bình 5,38 điểm, nhiều người sẽ cho rằng đó là một kết quả 'không quá thấp', nhất là trong bối cảnh đề thi năm nay được đánh giá là có độ khó cao, đòi hỏi năng lực vận dụng ngôn ngữ thực tế tương đương trình độ B1 – B2 theo khung châu Âu.
Với mức độ yêu cầu như vậy, việc hơn 60% học sinh đạt từ trung bình trở lên phần nào phản ánh nỗ lực và tiến bộ của một bộ phận học sinh có ý thức tự học tốt.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở điểm trung bình mà bỏ qua một con số đáng suy nghĩ là gần 40% học sinh dưới trung bình thì sẽ là một cái nhìn quá dễ dãi.
Bởi tỷ lệ này không hề thấp nên không thể xem nhẹ. Đây là tấm gương phản chiếu trung thực nhất cho chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường hiện nay.
Gần một nửa học sinh chưa đạt được mức điểm tối thiểu, nghĩa là các em không đủ kỹ năng cơ bản để sử dụng tiếng Anh trong tình huống học tập hoặc giao tiếp đơn giản.
Và đây chính là tín hiệu cảnh báo đỏ cho hệ thống giáo dục phổ thông: từ chương trình, thời lượng, phương pháp giảng dạy cho đến chất lượng đội ngũ giáo viên.
Thực tế dạy và học tiếng Anh trong trường học còn nhiều rào cản
Trong thực tế hiện nay, môn tiếng Anh đang được nhiều gia đình đầu tư cho con nhiều nhất. Có học sinh chia sẻ thật lòng: Con học trung tâm buổi tối, học thêm cô giáo chủ nhiệm vào cuối tuần nhưng đến khi thi, con vẫn chỉ được 4,6 điểm tiếng Anh.
Điều này khiến nhiều người băn khoăn: Nếu các em chỉ học trong nhà trường thì kết quả môn học sẽ ở mức nào? Trước kết quả này, chúng ta cần phải nhìn lại cách dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông để có những giải pháp hữu hiệu nhất.
Một thực tế phải nhìn nhận là việc học tiếng Anh trong nhà trường hiện nay còn nhiều bất cập. Trước hết là trình độ giáo viên không đồng đều. Có nơi giáo viên trẻ, năng động, biết ứng dụng công nghệ. Nhưng cũng có nơi, giáo viên dạy theo kiểu cũ, nặng lý thuyết, ít giao tiếp.
Sĩ số lớp học quá đông từ 45 đến 50 học sinh khiến thời lượng thực hành mỗi em gần như không có. Có học sinh bày tỏ: "Vài tiết học chưa được thầy cô gọi phát âm một lần". Chương trình học đại trà, không cá nhân hóa, càng làm tình hình thêm trầm trọng.
Giải pháp nào cho việc dạy học tiếng Anh hiệu quả trong nhà trường đạt hiệu quả?
Muốn học sinh không cần học thêm bên ngoài mà vẫn đạt kết quả tốt, thì điều đầu tiên cần thay đổi chính là chất lượng và cách tổ chức dạy học trong nhà trường phổ thông. Sau đây là chia sẻ của một giáo viên dạy tiếng Anh một trường trung học phổ thông tại Lâm Đồng.
Thứ nhất, giáo viên cần chuyển từ dạy để thi sang dạy để sử dụng nhấn mạnh kỹ năng thực tế như nghe, nói, đọc, viết. Chấp nhận sai để học sinh dám nói, dám dùng.
Thứ hai, giảm sĩ số lớp học hoặc tăng thời lượng học. Tối ưu hơn là chia nhóm học luân phiên khi thực hành kỹ năng.
Thứ ba, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên không chỉ học phương pháp, mà còn tiếp xúc môi trường tiếng Anh sống động, ứng dụng công nghệ, AI, tài liệu gần gũi thực tế.
Thứ tư, đầu tư trang thiết bị, phòng học ngoại ngữ, thư viện nghe nhìn, phần mềm học tiếng Anh thông minh và miễn phí.
Thứ năm, thay đổi cách tiếp cận: Đừng xem tiếng Anh là môn thi, mà hãy xem nó là chiếc chìa khóa mở ra thế giới. Dạy tiếng Anh qua phim, âm nhạc, hội thoại, CLB ngoại ngữ, giao lưu trực tuyến... để học sinh thấy việc học là thú vị và cần thiết.
Cuối cùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng đề án phát triển tiếng Anh toàn quốc, kết nối giữa trường học, trung tâm, nền tảng công nghệ và cộng đồng. Có như vậy, tiếng Anh mới không còn là 'nỗi sợ' mà là hành trang của mỗi học sinh.
Hãy để tiếng Anh trở thành một phần tự nhiên trong hành trình trưởng thành dù học sinh ấy sống ở thành phố hay nông thôn, dù học thêm hay không. Và điều ấy, cần bắt đầu từ ngay chính ngôi trường phổ thông nơi gieo mầm cho những giấc mơ bay xa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google