Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội 6 (2021-2026)

Đắc Quang
20:54 - 13/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đây là một trong những nhiệm vụ của Hội Khuyến học Việt Nam cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023. Thông tin từ Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ tư, khóa 6, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa diễn ra tại Đà Nẵng chiều 13/7. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Tiếp tục thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội 6 (2021-2026) của Hội Khuyến học Việt Nam - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ tư, khóa 6, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Thành Văn.

Hội khuyến học các cấp phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác khuyến học – khuyến tài

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, các cấp hội khuyến học từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt phối hợp với nhiều cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang... triển khai tích cực thường xuyên 2 chương trình 387/QĐ-TTg và chương trình 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập.

Tiếp tục thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội 6 (2021-2026) của Hội Khuyến học Việt Nam - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Ảnh: Thành Văn

Công tác tuyên truyền và thi đua khen thưởng có nhiều điểm nổi bật, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu, các điển hình, nhân tố mới, cổ vũ phong trào thi đua, xây dựng xã hội học tập có sức lan tỏa trong toàn xã hội.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ của các tập thể, cá nhân để làm thủ tục đề nghị và xét khen thưởng cho hội khuyến học các tỉnh, thành phố, cụ thể: 3 cờ thi đua của Chính phủ cho Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh, Sóc Trăng và Vĩnh Long, 148 cờ thi đua xuất sắc cho hội Khuyến học các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc và 1.339 bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. 1.474 kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp khuyến học" cho cán bộ và hội viên hội Khuyến học các cấp.

Trong đó, Tạp chí Công dân và Khuyến học (cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam) tuy mới thành lập được một năm, nhưng đã kết nối với hầu hết hội Khuyến học của các tỉnh, thành phố giúp phản ánh kịp thời, hiệu quả các hoạt động khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Cùng với đó, công tác phối hợp với các bộ, cơ quan ban, ngành ở Trung ương và sở ban, ngành, đoàn thể chính trị ở địa phương về đẩy mạnh khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa ở các địa phương.

Uy tín của Hội Khuyến học được nâng cao trong toàn xã hội, được chính quyền các cấp ngày càng tạo điều kiện để hội hoạt động tốt hơn.

Công tác xây dựng và phát triển Quỹ Khuyến học các cấp tuy gặp khó khăn nhưng vẫn được duy trì và phát triển; năm sau cao hơn năm trước.

Qua đó, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng, phát triển quỹ khuyến học - khuyến tài, tích cực hỗ trợ các học sinh khó khăn duy trì học tập, tuyên dương khuyến khích tài năng trẻ, khen thưởng động viên người lớn tuổi có thành tích trong học tập, lao động sáng tạo góp phần phát triển kinh tế cho gia đình và xã hội.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay quỹ Khuyến học - khuyến tài cả nước đạt số dư trên 4.000 tỉ đồng.

Ngoài quỹ Khuyến học Trung ương Hội và quỹ khuyến học các địa phương, nhiều trường học, gia đình, dòng họ, chi hội, tổ dân phố, cơ quan cũng đều có quỹ Khuyến học. Nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ tích cực các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường giúp cho hàng nghìn trẻ em hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường học tập.

Tập trung triển khai toàn diện công tác khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Phát huy kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm 2023, hội khuyến học các cấp tập trung triển khai toàn diện công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Đồng thời xác định tiếp tục chỉ đạo thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội 6 (2021-2026) của Hội Khuyến học Việt Nam; tập trung củng cố công tác phát triển tổ chức hội và hội viên trong các trường cao đẳng, đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, phát triển hội viên là cán bộ đảng viên...

Bên cạnh đó, hội Khuyến học các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố chủ động triển khai thực hiện Chương trình 387/QĐ-TTg và Chương trình 677/QĐ-TTg theo kế hoạch đã được phê duyệt; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền việc thực hiện Kết luận 49-KL/TW và 2 chương trình đã được Chính phủ phê duyệt.

Các hội Khuyến học địa phương tăng cường cung cấp thông tin cho Tạp chí Công dân và Khuyến học, đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng chuyên mục, chương trình tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn.

Hội Khuyến học Việt Nam sẽ triển khai phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" do Thủ tướng Chính phủ phát động trong tất cả các cấp hội Khuyến học và hội viên.

Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học "Vai trò của gia đình, dòng họ trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập góp phần giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới"; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện, giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội 6 (2021-2026) của Hội Khuyến học Việt Nam - Ảnh 5.

Hội nghị đã được nghe Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Thị Hòe báo cáo đề án mô hình tổ chức hội khuyến học các cấp. Ảnh: Thành Văn

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra những vấn đề và bàn luận giải pháp giải quyết bất cập trong quá trình thực hiện công tác khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập như vấn đề kinh phí hoạt động của các cấp hội, phát triển hội viên…

Các đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thành Văn

Sẽ giải quyết vấn đề về hội đặc thù trong thời gian tới

Kết luận hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan nhận định, 6 tháng đầu năm 2023, tuy gặp phải nhiều khó khăn nhưng Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt là hoàn thành tốt công tác tham mưu, thực hiện các đề án 387/QĐ-TTg và 677/QĐ-TTg giai đoạn đầu tiên đạt nhiều kết quả tích cực và tất cả nhiệm vụ mà các cấp hội đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội 6 (2021-2026) của Hội Khuyến học Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội 6 (2021-2026) của Hội Khuyến học Việt Nam - Ảnh 7.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan tổng kết hội nghị. Ảnh: Thành Văn

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, các ý kiến trong hội nghị đều nhất trí cao về mô hình tổ chức hội, các tên gọi, sự kiêm nhiệm, giữ nguyên như hiện nay đến cuối nhiệm kỳ, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và đạt hiệu quả cao.

Ban Thường vụ Hội đồng tình với việc Hội Khuyến học Việt Nam sắp tới sẽ làm việc với Thường trực Ban Bí thư để thống nhất việc Đảng lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam, đảm bảo sự nhất quán trên cả nước.

Hội cũng sẽ kiến nghị Bộ Nội vụ để giải quyết vấn đề về hội đặc thù tại các địa phương.

Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các Sở giáo dục và đào tạo giúp đỡ Hội Khuyến học thực hiện triển khai công cụ đánh giá, công nhận danh hiệu Công dân học tập.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan khẳng định, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ có hướng dẫn các địa phương sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg và 677/QĐ-TTg; nghiên cứu vấn đề còn tồn tại của việc trao học bổng "Học không bao giờ cùng".

Đồng thời đề nghị các thành viên trong Ban Thường vụ đọc, góp ý về báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".

Bình luận của bạn

Bình luận