Hội Khuyến học Đoan Hùng, Phú Thọ sở hữu nhiều mô hình khuyến học hay
Đoan Hùng đã xây dựng được nhiều mô hình khuyến học hay như “Cây bưởi khuyến học”; “Tiếng trống khuyến học”; “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm khuyến học”; mô hình “1+n” của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cộng với nguồn quỹ khuyến học khuyến tài “Trái bưởi vàng”... đã giúp phong trào khuyến học Đoan Hùng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Hội khuyến học huyện Đoan Hùng có 31 hội cơ sở, trong đó 22 hội khuyến học xã, thị trấn, 2 chi hội khuyến học khối cơ quan, 6 chi hội khuyến học trường học và 1 chi hội Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.
Toàn huyện có tổng số 340 chi hội trực thuộc hội khuyến học cơ sở, trong đó 220 chi hội khu dân cư, 120 chi hội cơ quan, trường học. Tổng số hội viên 34.876 người, tỉ lệ 30% so với số dân.
Hội khuyến học Đoan Hùng tiêu biểu trong số các hội khuyến học của tỉnh Phú Thọ làm tốt công tác khuyến học trong nhiệm kỳ vừa qua. Hội tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện ban hành 21 văn bản chỉ đạo về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó, tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Thông tri số 10-TT/HU ngày 14/01/2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện Đoan Hùng.
Hội đã tham mưu với UBND huyện Đoan Hùng triển khai thực hiện các quyết định, kế hoạch, hướng dẫn của Chính phủ, tỉnh Phú Thọ về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời giai đoạn 2021-2030. Tham mưu với Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ xem xét, hỗ trợ cho giáo dục Đoan Hùng như: Trao học bổng, tặng quà, chăn ấm, quần áo đồng phục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Hội khuyến học Đoan Hùng hỗ trợ 150 triệu xây “Mái ấm khuyến học” cho em Nguyễn Văn Quyết trường Tiểu học Quế Lâm; hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị phòng tin học cho trường Trung học cơ sở Tiên Phong, Tiểu học Quế Lâm, Tiểu học Tiêu Sơn trị giá hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ kế hoạch rõ ràng và việc làm cụ thể thiết thực về khuyến học, Đoan Hùng đã có những con số ấn tượng:
Mô hình “Gia đình học tập”: Tổng số gia đình: 30.276; số đăng ký: 29.617; số đạt: 25.162, tỷ lệ 84,9%. Vượt 4,9%.
Mô hình “Dòng họ học tập”: Tổng số dòng họ: 513; số đăng ký 472; số dòng họ đạt: 420, tỷ lệ 88,9%. Vượt 28,9%.
Mô hình “Cộng đồng học tập”: Tổng số khu dân cư 220; số đăng ký: 189; số đạt khu dân cư học tập: 176, tỷ lệ 93,1%. Vượt 8,1%.
Mô hình “Đơn vị học tập”: Tổng số đơn vị: 158; số đăng ký: 136; số đạt: 130, tỷ lệ 95,6%. Vượt 5,6%.
Trung tâm học tập cộng đồng được củng cố và hoạt động tích cực
Trong công tác xây dựng, củng cố, phát triển Trung tâm học tập cộng đồng, Hội Khuyến học Đoan Hùng phối hợp chặt chẽ với phòng Giáo dục – Đào tạo huyện, UBND các xã, thị trấn kiện toàn tổ chức, bộ máy, hướng dẫn nội dung, hình thức hoạt động, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên, tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại các Trung tâm.
Hội phối hợp vận động học viên ra lớp, vận động hỗ trợ cơ sở vật chất cho các Trung tâm. Đến nay, 100% các trung tâm học tập cộng đồng có đủ bàn ghế âm ly, loa đài; nhiều nơi đã có máy vi tính nối mạng, có ti vi, sách báo, tranh ảnh, sân khấu phục vụ cho giảng dạy, học tập, hội họp.
Bình quân hàng năm thu hút hàng trăm lượt học viên theo học các chuyên đề về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống bạo lực trong gia đình; về thời sự, chính sách, pháp luật; tham gia tư vấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao... tại các trung tâm này.
Hoạt động của các trung tâm đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo của nông thôn, thu hút nhiều lực lượng tham gia sinh hoạt, gắn kết tình làng nghĩa xóm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Kết quả xếp loại, có 15/22 trung tâm hoạt động tốt, tỷ lệ 68,2%, có 7/22 trung tâm xếp loại khá, tỷ lệ 31,8%.
Nhân rộng mô hình học tập
Công tác Triển khai nhân rộng một số mô hình đạt hiệu quả cao trên địa bàn cũng được quan tâm trú trọng, Mô hình “Dòng họ học tập” tiêu biểu được nhân rộng từ 5 dòng họ ở 5 xã lên 35 dòng họ ở hầu hết các xã trong huyện. Điển hình như dòng họ Đỗ ở xã Minh Tiến, họ Nguyễn Hữu ở xã Yên Kiện, họ Lê ở xã Chí Đám, họ Hoàng, họ Nguyễn ở xã Hợp Nhất, họ Bùi ở xã Hùng Long...
Mô hình “Đơn vị học tập” được cấp ủy Đảng, thủ trưởng nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, cán bộ, công chức, viên chức nhiệt tình hưởng ứng đăng ký, phấn đấu đạt các tiêu chí. Chính nhờ có phong trào này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch vững mạnh. Điển hình như: Cơ quan Dân Đảng, cơ quan UBND huyện, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương…
Mô hình “1+n” của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đạt hiệu quả cao. Hiện nay, Bệnh viện đang tài trợ cho 21 học sinh đang theo học phổ thông và đại học với mức 1,5 đến 2 triệu đồng/em/tháng đến khi học xong đại học. Bệnh viện dành trên 300 triệu đồng cho hoạt động khuyến học, tổ chức ôn tập kiến thức cho hàng trăm lượt học sinh, hỗ trợ kinh phí để cán bộ, y bác sỹ tham gia học tập nâng cao trình độ, mời chuyên gia về bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho y bác sĩ...
Mô hình “Cây bưởi khuyến học” xuất phát từ mô hình “Câu lạc bộ những người trồng bưởi khuyến học” ở khu dân cư Ánh Hồng xã Hùng Xuyên với 34 hộ, mỗi hộ dành từ 01-02 cây bưởi cho khuyến học đã được nhân rộng ra 10 xã, điển hình như: xã Vân Đồn có trên 200 cây bưởi do chính bàn tay học sinh chăm bón theo hướng dẫn của cha mẹ, số tiền thu hoạch từ các cây bưởi khuyến học sử dụng vào chuẩn bị sách vở, mua sắm đồ dùng học tập cho các cháu học sinh.
Mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Hằng năm vào dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới, các chi hội phụ nữ các khu dân cư phối hợp với các chi hội Khuyến học tổ chức Ngày hội mổ lợn nhựa tiết kiệm với tinh thần hào hứng, sôi nổi.
Hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường đạt được những kết quả tích cực, Hội Khuyến học huyện và cơ sở đã tích cực tham gia phong trào xã hội hóa giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, phong trào “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; góp phần đưa chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, đỗ đại học năm sau cao hơn năm trước.
Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đồng hành với các chương trình “Tết cho học sinh nghèo”, “Tiếp sức học sinh nghèo đến trường”, “Vì em hiếu học”, “Chắp cánh ước mơ”; “Mái ấm khuyến học”, hỗ trợ xây dựng trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Trao 500 suất quà và học bổng cho học sinh, tặng nhiều xe đạp, quần, áo, chăn ấm, tặng nhà “Mái ấm khuyến học” cho học sinh nghèo…
Hội Khuyến học là cầu nối để các chương trình học bổng đến với học sinh, trong đó 20 em được thụ hưởng học bổng “Lá xanh”; từ 50 đến 80 em được nhận học bổng “Tiếp sức học sinh đến trường”; hàng năm có 13 em nhận học bổng “Quỹ khuyến học Đất Tổ”, 6 em hưởng học bổng “1+N”, 10 thầy cô giáo được tặng quà trong dịp tết...
Hội Khuyến học các xã, thị trấn đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tặng hàng trăm suất quà trị giá hàng trăm triệu đồng cho học sinh trong các dịp lễ tết, Ngày Đại đoàn kết các dân tộc 18-11 hàng năm.
Trong việc thực hiện các nhiệm vụ, Hội Khuyến học huyện đã ký kết các Chương trình phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu, khen thưởng học sinh, giáo viên có thành tích cao và hỗ trợ học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn nhân Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam 18/11 hàng năm với tổng trị giá trên 1 tỉ đồng mỗi năm; trao góc học tập cho 20 cháu học sinh có gia đình hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Hội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai phong trào “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” với số tiền thu được bình quân trên 5 tỷ đồng/năm, số tiền này được đầu tư mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng, phương tiện, thiết bị học tập cho các cháu học sinh.
Chương trình phối hợp với Hội Cựu Chiến binh huyện bằng việc trao học bổng “Trái bưởi vàng” cho con cháu Cựu chiến binh. Trong 5 năm qua đã trao 125 suất, trị giá mỗi suất 500 trăm ngàn đồng với tổng số 62,5 triệu đồng.
Đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh niên của huyện trong quản lý học sinh trong dịp hè, hỗ trợ xây “Mái ấm khuyến học”, báo công kết quả học tập và rèn luyện tại khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tượng đài Chiến thắng sông Lô.
Hội phối hợp với Bệnh viện đa khoa Hùng Vương tặng học bổng 1+N cho học sinh có hoàn cảnh khó khan, bình quân mỗi năm có từ 5 đến 7 học sinh được tài trợ với số tiền từ 9 đến 15 triệu đồng/học sinh một năm.
Hội Khuyến học huyện Đoan Hùng sẽ tiếp tục tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện, phối hợp các ban ngành đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Tổ chức thực hiện chất lượng, hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập giai đoạn 2021 - 2030, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phấn đấu đưa huyện Đoan Hùng trở thành xã hội học tập.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google