Hội Khuyến học Đà Nẵng: Tọa đàm kinh nghiệm triển khai các mô hình học tập

PV
11:04 - 28/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhân kỷ niệm 31 năm ngày thành lập Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng (26/10/1991-26/10/2022), Hội Khuyến học Đà Nẵng tổ chức lễ kỉ niệm đồng thời tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm nhằm triển khai nhân rộng các mô hình học tập trong thời gian tới.

Hội Khuyến học Đà Nẵng: Tọa đàm kinh nghiệm triển khai các mô hình học tập - Ảnh 1.

Hội Khuyến học Đà Nẵng tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Kinh nghiệm triển khai hiệu quả việc xây dựng các mô hình học tập thúc đẩy phong trào học tập suốt đời”.

Sáng 26/10, Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm hướng đến triển khai các mô hình học tập: Công dân học tập (theo Chương trình 677 của Thủ tướng Chính phủ); các mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập cấp thôn/tổ dân phố; Đơn vị học tập cấp xã/ phường (theo chương trình 387 của Thủ tướng Chính phủ); mô hình Đơn vị học tập cấp quận/huyện và thành phố (theo Thông tư 22 của Bộ GDĐT) và mô hình Cộng đồng học tập cấp xã/phường (theo Thông tư 44 của Bộ GD ĐT).

Dự tọa đàm có Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận và Phó giám đốc Sở Trần Nguyễn Minh Thành, các ông bà trong Ban Thường vụ Thành Hội Khuyến học, Chủ tịch Hội Khuyến học quận/huyện và một số Chủ tịch Hội Khuyến học xã/ phường tiêu biểu. Ông Trần Đình Liễn, Chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng và Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, đã có 10 ý kiến phát biểu kinh nghiệm triển khai ở cấp quận/huyện và cấp xã/phường, nhất là kinh nghiệm triển khai từ phường/xã đến tổ dân phố/thôn và từ tổ dân phố đến nhân dân. Các đại biểu cũng nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai như sự phối hợp chưa kịp thời từ giữa Hội Khuyến học và Phòng Giáo dục và Đào tạo, về chỗ làm việc và phương tiện làm việc (máy vi tính, máy in) của Hội khuyến học xã/phường, về kinh phí cần phải có cho việc triển khai (in ấn biểu mẫu, hội nghị, kiểm tra, đánh giá, công nhận, xếp loại...).

Ngoài ra còn có ý kiến về bộ tiêu chí đánh giá công nhận, xếp loại các mô hình học tập, về hệ thống biểu mẫu phục vụ cho việc đánh giá và báo cáo; về sự cần thiết phải có một hội nghị triển khai chương trình 387 và 677 cấp thành phố do UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì với hệ thống chính trị để trên cơ sở đó tham mưu UBND các quận huyện có hội nghị triển khai.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận hoan nghênh sự hỗ trợ của Hội khuyến học các cấp đối với ngành Giáo dục trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; khẳng định thành công của việc triển khai luôn là kết quả của sự phối hợp tham mưu và chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận khẳng định sẽ chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ và kịp thời với Hội khuyến học quận /huyện trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình học tập, tạo điều kiện để các trường trên địa bàn các xã/phường hỗ trợ chỗ làm việc và phương tiện cho Hội Khuyến học xã/ phường nếu nơi nào UBND xã/ phường không bố trí được chỗ làm việc cho các Hội Khuyến học xã/phường.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng thông tin sẽ cùng với Hội Khuyến học tham mưu UBND thành phố tổ chức hội nghị triển khai các mô hình học tập trong giai đoạn 2021-2030 theo các quyết định và kế hoạch của UBND thành phố.

Đúc kết lại các ý kiến phát biểu và qua kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án 281, Chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng Trần Đình Liễn đã giải đáp một số kiến nghị từ cơ sở và nêu 7 mục tiêu cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới:

1. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với việc triển khai phong trào học tập suốt đời theo quan điểm: “Đảng lãnh đạo, Chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận và các Hội đoàn thể vận động, trong đó Hội Khuyến học thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo làm nòng cốt tham mưu” theo chỉ thị 39/CT-TU của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Đây là nhân tố quyết định tạo nên sự thành công trong triển khai phong trào học tập suốt đời tại Đà Nẵng trong thời gian tới.

2. Sự vào cuộc của chính quyền khi triển khai phong trào học tập suốt đời với tâm thế mới là người chủ trì tổ chức thực hiện, Hội Khuyến học Đà Nẵng và ngành giáo dục có vai trò tham mưu đã tạo nên sự chuyến biến trong toàn hệ thống chính trị.. Phong trào thi đua xây dựng các danh hiệu học tập đã trở thành một bộ phận của phong trào thi đua yêu nước, các danh hiệu học tập do chính quyền quyết định công nhận. UBND thành phố đã chủ trì triển khai thì chính quyền các cấp từ quận huyện xã phường cũng đã và sẽ chủ trì tích cực triển khai kịp thời phong trào một cách bài bản với sự tham mưu của Hội Khuyến học Đà Nẵng và ngành giáo dục các cấp.

3. Mặt trận Tổ quốc địa phương và các hội đoàn thể đã phối hợp với Hội Khuyến học và ngành Giáo dục triển khai phong trào học tập suốt đời đến các tổ chức trực thuộc và hội đoàn viên bằng văn bản, qua các hội nghị và có hội đoàn thể có chương trình riêng hỗ trợ công tác khuyến học. Các ngành có liên quan cũng đã hưởng ứng phong trào bằng việc tăng cường trách nhiệm trên lĩnh vực được phân công phối hợp thực hiện phong trào.

4. Hội Khuyến học thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực tham mưu và tham mưu có hiệu quả cho UBND thành phố Đà Nẵng ra các quyết định kịp thời sâu sát, có các hướng dẫn và chương trình, lộ trình triển khai từng quý và năm. Hội Khuyến học và Phòng Giáo dục luôn phối hợp trong công tác tham mưu, kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo xây dựng các mô hình học tập. Những kết quả trên cho thấy nhận thức được nâng lên đã tác động đến tinh thần trách nhiệm thực thi công việc của các cấp hội và ngành giáo dục.

5. Coi trọng việc triển khai chủ trương xây dựng các mô hình học tập từ UBND phường/xã đến các tổ dân phố và thôn và từ tổ dân phố/ thôn đến nhân dân. Đây là khâu quyết định chất lượng các mô hình học tập, vì vậy cần có biện pháp linh hoạt để Tổ trưởng dân phố/ Thôn trưởng và Chi hội trưởng khuyến học khu dân cư nắm bắt kịp thời chủ trương xây dựng các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030.

6. Khai thác mọi biện pháp để sử dụng các thiết chế văn hóa (thư viện, tủ sách, nhà văn hóa...), các thiết chế giáo dục cho người lớn như Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng để tạo điều kiện cho người lớn học tập thường xuyên, học tập suốt đời

7. Để triển khai có kết quả phong trào học tập suốt đời, phải đảm bảo kinh phí tối thiểu cho việc tổ chức thực hiện ở các cấp nhất là cấp cơ sở; chú ý đến công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phường xã, tổ dân phố và cán bộ hội các cấp và có chế độ động viên cán bộ Hội ở cơ sở gắn bó với phong trào.