Học viện Viettel - góc nhìn về học tập, đào tạo trong doanh nghiệp

PV
06:05 - 06/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Học viện Viettel vừa được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng quốc tế về đào tạo và phát triển LearningElite Award của tổ chức Chief Learning Officer. Đây là minh chứng cho việc học tập, đào tạo trong doanh nghiệp không chỉ quan trọng, cần thiết mà trở thành vấn đề cấp bách nhằm chủ động trong học tập, đào tạo, nâng cao năng lực nhân sự doanh nghiệp.

Ngày 15/10/2023 vừa qua, tại California (Hoa Kỳ), Học viện Viettel được vinh danh trong Lễ trao Giải thưởng quốc tế về đào tạo và phát triển LearningElite Award của tổ chức Chief Learning Officer (CLO) cùng 59 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như IBM, Dell, Siemens, Johnson & Johnson, KMPG,.... LearningElite Award là giải thưởng được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các tổ chức xuất sắc nhất trong lĩnh vực học tập và phát triển (L&D) trên toàn cầu. Liên tục sau 13 năm hoạt động, giải thưởng của Chief Learning Officer đã thu hút sự quan tâm từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới tham dự như Deloite, IBM, Verizon, GM, P&G, AT&T,.. với quy trình đánh giá nghiêm ngặt, chặt chẽ theo 5 nhóm tiêu chuẩn cùng hàng chục tiêu chí khắt khe. Hội đồng giám khảo gồm hàng trăm chuyên gia, giám đốc đào tạo, nhà quản lý, nhà khoa học uy tín đến từ nhiều tổ chức trên thế giới đã thực hiện đánh giá chéo nhằm đảm bảo chất lượng, khách quan và công bằng.
Học viện Viettel - góc nhìn về học tập, đào tạo trong doanh nghiệp  - Ảnh 2.

Học viện Viettel được vinh danh trong Lễ trao Giải thưởng quốc tế về đào tạo và phát triển LearningElite Award.

Đây là lần thứ hai liên tiếp Học viện Viettel đoạt giải thưởng quốc tế về đào tạo và phát triển LearningElite Award và hiện tại là đơn vị đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam đoạt giải thưởng này.

Giải thưởng này có ý nghĩa quan trọng đối với Học viện Viettel nói riêng và hoạt động học tập, đào tạo của Viettel nói chung, do bởi, ngoài việc kiểm chứng hoạt động đào tạo của Viettel phù hợp theo chuẩn quốc tế và các xu hướng chuyển dịch trong học tập, đào tạo, mà còn cho thấy hoạt động này của Viettel sánh cùng với nhiều thương hiệu danh tiếng toàn cầu.

Vậy, trong hành trình thực hiện mục tiêu "Đưa hoạt động đào tạo của Viettel trở thành điển hình cho các doanh nghiệp tại Việt Nam", Viettel đã có những bước đi sáng tạo và đột phá như thế nào?

Học viện Viettel: Không "dậm chân" trong thế giới VUCA

Trong chuyển động không ngừng của thế giới VUCA, Viettel đã nhanh chóng nắm bắt được việc học tập, đào tạo trong doanh nghiệp không chỉ quan trọng, cần thiết mà đã trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi phải có những tư duy nhận thức mới, phương thức tiếp cận, cách làm mới nhằm chủ động trong học tập, đào tạo nhằm nâng cao năng lực đội ngũ trong doanh nghiệp.

Xuất phát từ những khó khăn, thách thức phải đối mặt ngay từ khi tham gia thị trường, Viettel đã bắt tay ngay vào tìm lời giải cho những câu hỏi lớn trong việc phát triển đội ngũ nhân lực, như: Làm thế nào để tổ chức cho đông đảo cán bộ, nhân viên Viettel (CBNV) trên toàn cầu, đa dạng ngành nghề, khác nhau về trình độ nhận thức có thể chủ động, duy trì và nâng cao tốc độ học tập? Đâu sẽ là những giải pháp để CBNV có thể tự chủ động học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ của mình? Làm thế nào để nhân rộng, lan tỏa nguồn tri thức tiềm ẩn trong mỗi người Viettel? Làm thế nào để xây dựng Viettel thành một tổ chức học tập? Làm thế nào để đưa văn hóa học tập trở thành lợi thế cạnh tranh góp phần thu hút, gìn giữ nhân tài?

Câu trả lời đã được đội ngũ làm công tác đào tạo trong Tập đoàn Viettel đồng tâm hiệp lực, tích cực, chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đổi mới, sáng tạo đồng bộ trong công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho người lao động đáp ứng yêu cầu, xu thế chuyển dịch.

Học viện Viettel - góc nhìn về học tập, đào tạo trong doanh nghiệp  - Ảnh 3.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu Viettel nói chung và Học viện Viettel nói riêng vươn tầm quốc tế.

Cụ thể: Hàng năm Học viện Viettel của Tập đoàn Viettelđã tổ chức đào tạo hàng trăm khóa học cho hàng vạn nhân sự Viettel tham gia học tập với nhiều nội dung, hình thức khác nhau; Chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, xây dựng nhiều tính năng ứng dụng và nền tảng (Platform) học tập; Tăng cường hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo uy tín trong nước, nước ngoài để tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hội thảo; Chủ động đồng hành cùng các Tổng Công ty trực thuộc Viettel tổ chức nhiều khóa đào tạo cho nhiều doanh nghiệp là khách hàng, đối tác đem lại cơ hội, cách tiếp cận kinh doanh mới cho Viettel.

Cùng với đó, Học viện Viettel cũng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đẩy mạnh qua ứng dụng quản lý sau đào tạo (ATM), qua đó rất nhiều hành động cụ thể đã được đăng ký vận dụng kiến thức từ mỗi khóa học được ứng dụng vào thực tiễn tại các đơn vị trong Tập đoàn.

Để không "dậm chân" trong thế giới VUCA, ngoài việc đưa hoạt động đào tạo đem lại những giá trị tích cực cho Tập đoàn, Học viện Viettel nỗ lực đưa công tác đào tạo chuyển mình theo chuẩn quốc tế để phù hợp với các xu thế chuyển dịch. Học viện Viettel đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu cách thức, mô hình, xu hướng chuyển dịch đào tạo trên thế giới ứng dụng vào thực tiễn. 

Việc mạnh dạn tham gia giải thưởng quốc tế LearningElite Award cũng là nhằm tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức, doanh nghiệp và kiểm chứng phương thức, mô hình hoạt động, công cụ triển khai học tập, đào tạo tại Viettel. Hơn thế nữa, khẳng định sự tự tin, góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu Viettel nói chung và Học viện Viettel nói riêng vươn tầm quốc tế.

5 xu hướng chuyển dịch của Học viện Viettel

Nhận thức rõ việc nhận diện những xu hướng chuyển dịch trong học tập, đào tạo không chỉ tạo nên những thay đổi trong tư duy, nhận thức mà còn là cơ sở cho việc sáng tạo và tạo ra cách tiếp cận mới của hoạt động đào tạo trong doanh nghiệp, Học viện Viettel đã đưa lĩnh vực đào tạo, học tập trong doanh nghiệp chuyển dịch theo 5 xu hướng.

Cụ thể: Chuyển từ đào tạo truyền thống sang đào tạo kỹ thuật số (digital training), báo cáo của Brandon Hall Group (2022) cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ để thực hiện đào tạo tăng từ 23% năm 2017 lên 48% năm 2021;

Chuyển dịch từ đào tạo định kỳ sang đào tạo liên tục, theo khảo sát của ATD Research, có tới 70% nhân viên muốn được đào tạo liên tục hàng tuần hoặc hàng tháng;

Chuyển từ đào tạo đại trà sang đào tạo cá nhân hóa, riêng biệt dựa trên năng lực, sở thích và mục tiêu của từng nhân viên, nghiên cứu của McKinsey cho thấy có đến 56% công ty có kế hoạch linh hoạt về nội dung đào tạo tới từng nhân viên;

Chuyển từ đào tạo lý thuyết sang đào tạo thực hành, nghiên cứu của Josh Bersin đã chỉ ra đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp năng suất làm việc tăng 50% so với chỉ đào tạo lý thuyết;

Chuyển từ đào tạo do chuyên gia giảng dạy sang đào tạo chia sẻ trong nội bộ, khuyến khích đào tạo giữa các đồng nghiệp, khảo sát của LinkedIn cũng cho thấy 70% nhân viên muốn được học hỏi từ đồng nghiệp có kinh nghiệm hơn họ.

Cùng với đó, Học viện cũng cho ra đời các mô hình học tập có giá trị ứng thực tiễn cao như: Mô hình tổ chức học tập trong doanh nghiệp; Mô hình phương thức học tập hằng ngày By day Learning hay; Các tính năng trong ứng dụng công nghệ số; Các ấn phẩm có giá trị, đã tạo dựng nên những bước chuyển dịch riêng biệt, độc đáo trong hoạt động đào tạo và đem lại giá trị trong phát triển năng lực đội ngũ tại Viettel.

Học viện Viettel - bước chuyển mình đáng khâm phục

Học viện Viettel - góc nhìn về học tập, đào tạo trong doanh nghiệp  - Ảnh 4.

Hoạc viện Viettel tiếp tục sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa để đồng hành cùng một Viettel toàn cầu theo tôn chỉ "Đào tạo suốt đời - Tự học kịp thời".

TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel đã chia sẻ những bước chuyển mình của Học viện Viettel trong hành trình thực hiện mục tiêu "Đưa hoạt động đào tạo của Viettel trở thành điển hình cho các doanh nghiệp tại Việt Nam".

Theo đó, thứ nhất, Học viện Viettel chuyển từ đơn vị thuần về sử dụng các phần mềm có sẵn, sang đơn vị chủ động sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, xây dựng nền tảng (platform) như: quản lý áp dụng sau đào tạo ATM; Ứng dụng chatbot/callbot AI; Xây dựng nền tảng học tập hằng ngày By day Learning,…

Trong đó, By Day Learning chính là minh chứng rõ nét nhất cho một phương thức học tập, đào tạo mới, hiệu quả ra đời trong bối cảnh chuyển đổi số, tạo nên sự khác biệt giữa Viettel và các tổ chức, doanh nghiệp khác. Cụ thể, By Day Learning với các bài học video ngắn được Hội đồng giải thưởng đánh giá cao vì mang lại nhiều lợi ích cho cả tổ chức và người lao động. Đây được coi là môi trường học tập nổi bật tạo ra sự khác biệt, thể hiện sự sáng tạo, cam kết của người đứng đầu với công tác đào tạo trong tổ chức.

Theo TS. Bùi Quang Tuyến, trong xây dựng tổ chức học tập, việc ứng dụng công nghệ số sẽ là chìa khóa giúp đông đảo người học tiếp cận kiến thức, kỹ năng một cách nhanh chóng, đồng thời và có thể chủ động học tập mọi lúc mọi nơi, tạo nên thói quen học tập, góp phần xây dựng văn hóa học tập trong doanh nghiệp. Thông qua các bài học ngắn, phù hợp với các nhân sự tại Viettel, hiện nay By day Learning đã có hơn 60 nghìn người dùng, hàng chục triệu lượt học chỉ sau 2 năm ra đời, giúp người Viettel duy trì thói quen học tập hàng ngày.

Thứ hai, Học viện Viettel chuyển từ đơn vị đơn thuần chỉ thuê, hoặc mua nội dung học tập, đào tạo sang đơn vị có thể chủ động tự xây dựng nhiều nội dung và trực tiếp đào tạo lực lượng nội bộ trong Viettel, qua đó hàng ngàn nội dung học tập được số hóa.

TS. Bùi Quang Tuyến cho biết, nếu như trước đây, 100% nội dung đào tạo (qua hình thức số hóa) đều do việc phối hợp với đối tác cung cấp, thì giờ đây tỷ lệ này chỉ còn là 30%. Hoạt động này ngoài việc đóng góp vào kho tri thức Viettel, lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm còn làm lợi cho Viettel hàng chục tỷ đồng.

Học viện Viettel đã tích cực, chủ động tham gia hoạt động nghiên cứu, cho ra đời nhiều ấn phẩm có giá trị, được các hội đồng khoa học, các doanh nghiệp đánh giá cao về tính thực tiễn trong hoạt động đào tạo trong tổ chức, doanh nghiệp thời chuyển đổi số như: Cẩm nang "Tư vấn chuyển đổi số cho tổ chức, doanh nghiệp"; Sách chuyên khảo như: "Năng lực động trong cạnh tranh hiện đại", "Hành trình tri thức thời kinh tế số", "Phát triển năng lực - Kiến tạo tương lai" cùng hàng chục ấn phẩm nội bộ được đúc kết từ nhiều chương trình học tập, làm tiền đề cho việc xây dựng, số hóa nội dung học tập và lưu giữ, lan tỏa tri thức Viettel. Hoạt động này góp phần vào việc đóng góp của Viettel cho cộng đồng về giá trị tri thức.

Thứ ba, Học viện Viettel chuyển từ đơn vị chỉ thực hiện tổ chức đào tạo bên trong nội bộ Viettel sang hợp tác tổ chức các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Người đứng đầu Học viện Viettel cũng chia sẻ, Học viện đã nhận được rất nhiều đặt hàng là các chương trình đào tạo từ các đơn vị trong Viettel nhằm tạo dựng cơ hội kinh doanh, gắn kết với khách hàng tiềm năng. Hàng chục lớp học đã được tổ chức, có thể kể đến Học viện Viettel đã hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ về năng lực số cho hàng trăm học viên, chương trình được đánh giá cao từ người học. Cùng với đó, nền tảng học tập hằng ngày By Day Learning không chỉ khai thác hiệu quả trong nội bộ Viettel mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp đặt vấn đề hợp tác, chuyển giao sau khi được trải nghiệm sử dụng thực tế và nhận diện được tính ưu việt của ứng dụng.

Hội đồng giải thưởng LearningElite đánh giá rất cao bước chuyển mình đáng khâm phục của Học viện Viettel trong hành trình thực hiện mục tiêu "Đưa hoạt động đào tạo của Viettel trở thành điển hình cho các doanh nghiệp tại Việt Nam".

Trong đó, với doanh nghiệp, Học viện Viettel đã thể hiện được vai trò là trung tâm dẫn dắt hoạt động đào tạo tại Viettel, thể hiện ở các bước chuyển đang thể hiện rõ sự phù hợp theo chuẩn quốc tế trong đào tạo tại doanh nghiệp; Phù hợp xu hướng chuyển dịch trong đào tạo tại tổ chức, doanh nghiệp; Phù hợp với thực tiễn đào tạo của các doanh nghiệp nói chung và Viettel nói riêng, đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo phải đồng hành và có ảnh hưởng tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh; Bám sát mục tiêu chiến lược đào tạo và phát triển của Viettel; Phát huy được nội lực sáng tạo, ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của cán bộ nhân viên Học viện Viettel nói chung và những người làm công tác đào tạo tại Viettel nói riêng.

Quay trở lại một trong các câu hỏi ở đầu bài viết: "Làm thế nào để xây dựng Viettel thành một tổ chức học tập?" – câu trả lời chính là tư duy, cách làm và thành tựu của Học viện Viettel đã và đang đạt được.

Những người làm công tác đào tạo tại Học viện Viettel khẳng định, những bước chuyển của Học viện và việc đoạt giải thưởng quốc tế về đào tạo và phát triển LearningElite Award chỉ là những thành công ban đầu, những người làm công tác đào tạo tại Học viện Viettel sẽ tiếp tục sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa để đồng hành cùng một Viettel toàn cầu theo tôn chỉ "Đào tạo suốt đời - Tự học kịp thời".

Đây cũng là giải pháp then chốt giúp Tập đoàn Viettel trả lời cho những câu hỏi và thách thức trong phát triển năng lực đội ngũ của riêng mình, nhưng cũng là những giá trị được lan tỏa để các tổ chức, doanh nghiệp tham khảo trong hoạt động đào tạo - như một giải pháp cốt lõi trong bối cảnh chuyển động và biến động không ngừng của thế giới VUCA.